Việc sử dụng bộ tiêu chí để đánh giá sách giáo khoa, phải dựa theo chương trình môn học do Bộ GD-ĐT ban hành và đảm bảo các nguyên tắc đưa ra.
Bộ GD-ĐT vừa gửi thông tin về việc lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư quy định Bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Thực hiện chủ chương một trương trình, nhiều sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Bộ tiêu chí khi được thông qua sẽ là căn cứ để các Hội đồng thẩm định sách giáo khoa tiến hành thẩm định sách; Bộ GD-ĐT phê duyệt sách; định hướng cho các nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân tham khảo khi biên soạn sách nhằm đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông; giáo viên và nhà trường tham khảo khi chọn sách đã được Bộ phê duyệt để dạy học trong trường.
Việc sử dụng bộ tiêu chí để đánh giá sách giáo khoa, phải dựa theo chương trình môn học do Bộ GD-ĐT ban hành và đảm bảo các nguyên tắc đưa ra (ảnh minh họa)
Bộ tiêu chí gồm 39 tiêu chí, được chia thành 5 nhóm như sau:
1. Nhóm I. Tiêu chí về điều kiện tiên quyết (4 tiêu chí)
2. Nhóm II. Tiêu chí về mục tiêu, nguyên tắc, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá (11 tiêu chí)
3. Nhóm III. Tiêu chí về nội dung kiến thức (14 tiêu chí)
5. Nhóm IV. Tiêu chí về hình thức và trình bày sách (8 tiêu chí)
6. Nhóm V. Tiêu chí về học liệu và thiết bị dạy học (2 tiêu chí)
Nguyên tắc sử dụng bộ tiêu chí
Việc sử dụng bộ tiêu chí để đánh giá sách giáo khoa, phải dựa theo chương trình môn học do Bộ GD-ĐT ban hành và đảm bảo đồng thời hai nguyên tắc sau:
1. Nguyên tắc về điều kiện tiên quyết
Sách được đánh giá “Đạt” ở tất cả các tiêu chí thuộc nhóm I thì mới được tiếp tục xem xét đánh giá ở các nhóm tiêu chí tiếp theo.
2. Nguyên tắc về ngưỡng tối thiểu
Các tiêu chí thuộc Nhóm II, III, IV, V được đánh giá theo các mức điểm sau: 0 (không); 1 (một); 2 (hai).
Sách được đánh giá đạt yêu cầu nếu đồng thời thỏa mãn ba điều kiện: (1) có tổng điểm tối thiểu là 50 điểm, (2) không có tiêu chí bị đánh giá 0 (không) điểm và (3) các nhóm tiêu chí đạt điểm tối thiểu như sau: Nhóm II : 16 điểm; Nhóm III: 21 điểm; Nhóm IV: 10 điểm; Nhóm V: 03 điểm. Việc đánh giá chi tiết mức điểm cho từng tiêu chí được hướng dẫn tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư.
Việc đánh giá các tiêu chí theo các mức điểm 0 (không); 1 (một); 2 (hai) bản chất là phương pháp đánh giá “Đạt” – 1 (một) điểm và “Không đạt” – 0 (không) điểm, mức 2 (hai) điểm dành cho sách “Đạt tốt” tiêu chí đánh giá.
Để sách được đánh giá là “Đạt” thì tất cả các tiêu chí phải được đánh giá là “Đạt” – Không có tiêu chí bị đánh giá 0 (không) điểm; đồng thời sách đạt ngưỡng tối thiểu đối với từng nhóm tiêu chí đánh giá tức là Bộ tiêu chí đã đánh trọng số đối với các yêu cầu có mức độ quan trọng khác nhau (Yêu cầu cao đối với nội dung kiến thức; Mục tiêu, nguyên tắc, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Trong khi yêu cầu thấp hơn đối với hình thức sách, các tiêu chí về học liệu và thiết bị dạy học); đồng thời tổng thể sách phải đáp ứng mức chất lượng “Khá” trở lên (70%/tổng điểm).
Bộ tiêu chí khuyến khích các Nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân biên soạn sách có chất lượng cao nhất vì kết quả đánh giá sẽ ảnh hưởng tới việc lựa chọn sách của các cơ sở giáo dục, cha mẹ học sinh và học sinh (sách “Đạt” ở mức điểm cao hơn sẽ được lựa chọn nhiều hơn).
Thực hiện quy trình soạn thảo văn bản, Bộ GD-ĐT đăng tải Dự thảo Thông tư quy định Bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa giáo dục phổ thông lên website của Bộ (www.moet.gov.vn) để xin ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Mọi ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý gửi về: Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ GD-ĐT)./.
Theo Chu Miên/VOV.VN