Cập nhật: 20/06/2016 09:40:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

VA là một từ viết tắt hiện nay hay quen được sử dụng ở nước ta, nó có nguồn gốc từ hai từ tiếng Pháp là “Végétations Adénoides”. Khối VA có từ khi trẻ mới lọt lòng, khi chưa bị viêm thì chúng có kích thước nhỏ, rất mỏng, xếp theo hình lá nên dễ tiếp xúc với bên ngoài và với kích thước này đường thở của trẻ hoàn toàn được đảm bảo bình thường.


Nguyên nhân nào gây bệnh?

Theo thống kê hiện nay, viêm VA là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ em ở nước ta, với tỷ lệ chiếm khoảng 30%, cao nhất trong độ tuổi từ 2-5 tuổi. Nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng viêm VA là: do bị nhiễm lạnh hoặc thói quen ăn uống đồ quá lạnh của trẻ. Các vi khuẩn và virus có sẵn ở mũi họng, khi có cơ hội thì chúng trở thành tác nhân gây bệnh hoặc do sự bội nhiễm của vi khuẩn. Cũng có thể trẻ bị viêm VA sau khi mắc một số bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trên như cúm, sởi hay ho gà. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường sống (khói bụi, thuốc lá...) cũng là một tác nhân khởi phát bệnh. Trẻ bị giang mai bẩm sinh cũng là một yếu tố thuận lợi cho sự quá phát của VA. Ở một số trẻ, do tổ chức bạch huyết phát triển rất mạnh, nhiều hạch ở cổ, ở họng quá phát rất dễ bị viêm nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm VA. Cấu trúc của VA có nhiều khe hốc, là nơi vi khuẩn dễ trú ẩn và phát triển. Hơn nữa VA nằm ở vòm mũi họng, là cửa ngõ ở đường thở nên vi khuẩn, virus dễ xâm nhập... Đó là những yếu tố nguy cơ và nguyên nhân khiến VA bị viêm.

Bệnh có triệu chứng gì?

Thông thường khi bị viêm VA, trẻ sẽ có hiện tượng đột ngột sốt cao 39-41 độ C, có thể kèm theo những phản ứng như co giật hoặc khó thở do co thắt thanh quản. Đôi khi có thể có cả nôn mửa, rối loạn tiêu hóa...

Tắc mũi là triệu chứng điển hình, có thể tắc hoàn toàn khiến trẻ phải thở bằng miệng. Đối với trẻ nhỏ, nhịp thở nhanh không đều, bỏ bú hoặc bú ngắt quãng và quấy khóc nhiều. Đối với trẻ lớn, hiện tượng tắc mũi thường không hoàn toàn nhưng khi ngủ, các bé sẽ thở ngáy. Viêm VA ban đầu là thể cấp tính, nếu không được điều trị kịp thời và triệt để sẽ làm tình trạng bị viêm VA tái đi tái lại, lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng viêm VA mạn tính và gây ra các biến chứng tai mũi họng hoặc các bệnh lý hô hấp rất khó điều trị.

Viêm VA mạn hay xảy ra đối với trẻ từ 18 tháng đến 6 tuổi. Khi bị viêm VA mạn, trẻ sẽ bị ho thường xuyên, sốt từng đợt gọi là sốt vặt, tắc mũi liên tục, chảy mũi mủ nhầy xanh kéo dài hàng tháng (hay gọi là thò lò mũi xanh). Do bị tắc mũi nên trẻ phải há miệng để thở, đêm ngủ hay ngáy, nghiến răng... Có thể trẻ sẽ bị suy giảm thính lực, nhưng dấu hiệu này thường bị bỏ qua, ít được các bậc phụ huynh để ý tới. Nếu tình trạng viêm mạn này kéo dài và thường xuyên, sẽ làm cho trẻ chậm phát triển về cả thể chất và tinh thần, da xanh xao, thường xuyên quấy khóc, rối loạn hô hấp, ảnh hưởng đến phát âm...

Điều trị có khó không?

Việc chẩn đoán viêm VA ở trẻ cần được thăm khám kỹ lưỡng tại các cơ sở y tế đáng tin cậy, các bậc cha mẹ không nên tự ý chẩn đoán cho con mình rồi tự đi tìm cách điều trị.

Trường hợp VA bị viêm nhẹ, không cần phải điều trị bằng thuốc, chỉ cần bổ sung dinh dưỡng tốt, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng bằng các sinh tố, multivitamin... Thường xuyên rửa mũi bằng nước muối sinh lý 0,9%, hút đờm mũi sạch, giữ vệ sinh và ủ ấm cho bé... thì bệnh cũng sẽ hết.

Trường hợp trẻ bị viêm VA có triệu chứng nặng, cần đưa đến bác sĩ chuyên khoa ngay để được điều trị kịp thời. Tùy từng tình trạng mà trẻ sẽ được dùng các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng dị ứng, hạ sốt, giảm đau...

Khi trẻ bị VA nặng, chèn ép đường thở gây nghẹt mũi hoàn toàn và có thể gây biến chứng thì bác sĩ tai mũi họng sẽ cân nhắc việc can thiệp bằng phẫu thuật nạo VA.

Dự phòng bệnh bằng cách nào?

Viêm VA không biến chứng ở trẻ em là quá trình có lợi cho cơ thể vì giúp cho cơ thể hình thành sự miễn dịch cần thiết. Chúng chỉ trở thành bệnh lý khi bị tái phát thường xuyên hoặc có biến chứng, nhất là biến chứng viêm tai giữa. Để phòng ngừa bệnh thì nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong những tháng đầu tiên. Khi trẻ bắt đầu ăn dặm cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Tạo môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, tránh khói bụi, tránh khói thuốc lá, tránh tiếp xúc cho trẻ ở những nơi đông người, đặc biệt là trong những đợt bùng phát của các bệnh truyền nhiễm như cúm, sởi, ho gà...

Một điều quan trọng nữa để phòng bệnh là cha mẹ phải giữ vệ sinh tai mũi họng cho trẻ. Việc rửa mũi và hút mũi rất quan trọng vì nó góp phần làm giảm bớt mủ và dịch viêm ra khỏi mũi của trẻ, giúp trẻ dễ thở và mau khỏi bệnh hơn.

Việc vệ sinh mũi không khó, nhưng cũng cần đúng cách. Vì mũi của trẻ rất dễ bị tổn thương, nên cần thao tác nhẹ nhàng, rửa mũi hằng ngày, đặc biệt là trong lúc trẻ đang bị viêm VA.

BS. Vũ Dũng

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm