Khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên như viêm họng hoặc viêm phế quản..., thì thường kèm theo triệu chứng ho có đờm. Thông thường người ta nghĩ ngay đến việc dùng thuốc ho long đờm. Nhưng việc dùng loại nào còn tùy vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân, tuyệt đối không được dùng bừa,...
Khi nào dùng thuốc long đờm cho trẻ?
Nếu trẻ bị ho có đờm, thường bệnh nhân được kê thêm thuốc chữa ho long đờm. Nhưng dùng thuốc loại nào, liều lượng ra sao, bác sĩ còn phải dựa vào triệu chứng ho nhiều hay ít, đờm quánh dính hay đờm loãng... Không thể có chỉ định cụ thể nào chung cho tất cả mọi trường hợp. Nếu chỉ ho húng hắng không ảnh hưởng đến sức khỏe thì không nên dùng thuốc giảm ho. Vì ho là phản ứng bảo vệ của cơ thể nhằm tống các dị vật (đờm dãi) làm thông thoáng đường thở. Nếu ho nhiều làm trẻ mệt và ho nhiều quá sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng viêm họng... thì mới cần phải dùng thuốc.
Chọn thuốc long đờm gì cho trẻ?
Đối với trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi, hệ hô hấp cũng như nhiều cơ quan khác của trẻ vẫn chưa được phát triển hoàn thiện, do vậy để giảm thiểu khả năng xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc thì khi cần dùng thuốc ho long đờm, nên ưu tiên dùng các loại thuốc ho có nguồn gốc thiên nhiên như: quất và mật ong, lá hẹ hoặc các loại siro ho, bổ phế, thuốc ho thảo dược... Chú ý khi uống các loại siro thuốc thì nên pha loãng với nước ấm để dễ uống và đạt hiệu quả tác dụng chữa bệnh tốt nhất. Vì dạng siro thuốc tuy là dạng thuốc lỏng có vị ngọt nhưng sánh và có độ nhớt cao, cho nên nếu không pha loãng khi uống thì cơ thể sẽ khó hấp thu thuốc, làm giảm tác dụng của thuốc. Hạn chế sử dụng thuốc ho có nguồn gốc hóa dược cho trẻ em.
Bác sĩ khám và hướng dẫn dùng thuốc cho người
bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: TM
Đờm đặc dính trong đường thở cũng là một nguyên nhân gây kích thích phản xạ ho. Lúc này, để giảm ho thì một trong các giải pháp thông dụng là sử dụng thuốc có tác dụng long đờm, làm đờm loãng, giảm độ đặc dính của đờm, dễ khạc nhổ đờm ra ngoài.
Ngoài các thuốc có nguồn gốc thảo dược như đã nêu ở trên thì một số thuốc long đờm giảm ho có nguồn gốc hóa dược cũng hay được sử dụng như bromhexine hydrochloride và acetyl cystein.
Khám họng cho trẻ giúp xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Ảnh: TM
Bromhexin là một chất dẫn xuất tổng hợp từ hoạt chất có nguồn gốc chiết xuất từ dược liệu vasicine, được sản xuất với nhiều dạng bào chế khác nhau như: viên nén, cồn ngọt, dung dịch uống, thuốc tiêm, viên bao đường, siro thuốc... Thuốc bromhexine được hấp thu tốt theo đường ruột, sinh khả dụng của thuốc tăng lên khi có mặt của thức ăn, do vậy cần uống thuốc sau bữa ăn để làm tăng tác dụng của thuốc. Không nên dùng dạng thuốc viên nén bromhexin cho bệnh nhi. Khi dùng bromhexine kết hợp với kháng sinh (amoxicillin, cefuroxime, erythromycin, doxycyclin) sẽ làm tăng nồng độ kháng sinh trong nhu mô phổi. Do đó sẽ làm tăng hiệu quả chữa bệnh. Cần đề phòng các phản ứng dị ứng, chủ yếu là phát ban da, rất hiếm khi xảy ra khi dùng đường uống. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thuốc có thể gây tăng tiết dịch quá nhiều ở đường hô hấp.
Acetylcystein hay còn gọi là N-Acetylcystein, có tác dụng làm giảm độ quánh của đờm. Nhưng để có thể ứng dụng hiệu quả tác dụng giảm độ dính quánh của đàm nhầy (long đờm) của acetylcystein thì cần dùng thuốc hít dưới dạng phun mù hoặc nhỏ trực tiếp vào khí quản dung dịch acetylcystein 10 - 20%. Nếu dùng bằng đường uống thì hiệu quả long đờm sẽ kém do sinh khả dụng đường uống của thuốc thấp, trong khi tác dụng phụ trên đường tiêu hóa tăng lên. Acetylcystein cũng là thuốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác dụng phụ từ nhẹ như: buồn nôn, nôn, buồn ngủ, nhức đầu, ù tai, đau bụng, chảy nước mũi... cho đến các tai biến nguy hiểm như: sốc phản vệ, co thắt khí quản, suy hô hấp, viêm loét/chảy máu tiêu hóa... Vì vậy, khi cần sử dụng các loại thuốc long đờm có chứa các hoạt chất này (đặc biệt là dùng cho trẻ nhỏ hoặc người có tiền sử bệnh hen) thì chỉ nên dùng trong điều trị nội trú tại bệnh viện có đầy đủ các trang thiết bị hỗ trợ phù hợp và phải theo dõi cẩn thận. Nếu có co thắt phế quản, phải dùng thuốc phun mù giãn phế quản như salbutamol (thuốc beta - 2 adrenergic chọn lọc, tác dụng ngắn) hoặc ipratropium (thuốc kháng muscarin) phải ngừng acetylcystein ngay.
Khi dùng thuốc cần lưu ý, acetylcystein phản ứng với một số kim loại, đặc biệt sắt, niken, đồng và với cao su. Không được dùng máy phun mù có các thành phần bằng kim loại hoặc cao su. Do thuốc tương kỵ với các dung dịch chứa penicilin, oxacilin, oleandomycin, amphotericin B, tetracyclin, erythromycin lactobionat hoặc natri ampicilin nên khi định dùng một trong các kháng sinh đó ở dạng khí dung, thuốc đó phải được phun mù riêng. Khi điều trị với acetylcystein, có thể xuất hiện nhiều đờm loãng ở phế quản, cần phải hút để lấy ra nếu người bệnh giảm khả năng ho, vì tác dụng “long đờm” của thuốc này chỉ là làm giảm độ quánh dính và tạo thuận lợi để tống đờm ra ngoài khi ho khạc, dẫn lưu tư thế hoặc bằng phương pháp cơ học hỗ trợ khác như vỗ rung. Cần lưu ý đặc biệt là không được dùng kết hợp với các thuốc ức chế ho.
DS. Bùi Sỹ Thành
Theo suckhoedoisong.vn