1. Địa bàn cư trú
Người Sán Dìu có tâm lý và sở thích chọn nơi đất ở là vùng bán sơn địa: Có núi, có đồi, có đất bằng ở ven sông, ven suối để khai khẩn thành ruộng lúa nước. Người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc đã chọn, sinh sống ở vùng ven chân núi Tam Đảo phía Nam. Những nơi này từ xưa là rừng nguyên sinh rậm rạp, nhiều chim muông thú rừng, đất đai màu mỡ, có tầng đất mùn dày dễ trồng cấy các loại cây lương thực. Nhiều dòng khe, dòng suối lớn nhỏ bắt nguồn từ từ trên núi Tam Đảo với nguồn nước vô tận. Lại có nhiều loại cá tôm, lươn, cua, ốc, ếch - nguồn thực phẩm dồi dào cung cấp cho con người. Địa thế các xã: Minh Quang, Tam Quan, Trung Mỹ, Hồ Sơn, Hợp Châu...nơi có đông đảo đồng bào Sán Dìu cư trú là một dải đất khá bằng. Từ những năm 60 trở về trước vùng này còn là rừng cây âm u rậm rạp, nơi đất bằng đã được khai khẩn thành ruộng gieo trồng cây lương thực. Ở vùng các xã Đạo Trù, Yên Dương, Bồ Lý, Quang Sơn, Bắc Bình...phía Đông - Bắc huyện Lập Thạch nơi có đồng bào Sán Dìu cư trú cũng có địa thế tương tự. Vùng này còn có dòng sông Đáy - nguồn cung cấp nước và nguồn thực phẩm dồi dào cho đồng bào.
Khi đã chọn được vùng đất hợp lý, với tâm lý và tập tục canh tác họ dành nơi đất bằng để khai khẩn ruộng lúa nước, đất gần bờ suối bờ sông làm soi bãi, đất đồi gò làm nương rẫy. Ở ven những cánh đồng làm nhà ở tạo thành những bản đông vui.
2. Kỹ thuật gieo trồng
Người Sán Dìu đã sớm có nền văn minh cấy lúa nước. Họ sớm tiếp thu kỹ thuật gieo trồng mới của dân tộc bạn. Phương pháp khai khẩn đất hoang không ngoài biện pháp chặt cây, phát cỏ rồi đốt, dọn sạch gieo trồng lúa, ngô khoai rau đậu vài vụ, đến khi gốc rễ cấy mục nát, họ cuốc xới san bằng, đắp bờ chờ trời mưa hoặc đắp phai, đập nhỏ khơi luồng nước vào ruộng. Dùng sức người hoặc trâu bò kéo san bằng, cày, cuốc, bừa cho đất nhuyễn rồi cấy mạ đã gieo sẵn vào ruộng. Một số vùng đồng bào Sán Dìu ở Vĩnh Phúc có những cánh đồng bằng phẳng với hàng trăm mẫu Bắc bộ như ở Đạo Trù, Minh Quang, Hợp Châu, Đại Đình huyện Tam Đảo. Đến nay đã có nhiều công trình thuỷ lợi lớn được Nhà nước đầu tư như hồ Đại Lải, Xạ Hương, làng Hà, Đạo Trù với hàng nghìn km kênh mương dẫn nước về để đồng bào canh tác. Song phần lớn đồng ruộng của đồng bào Sán Dìu vẫn là ruộng bậc thang thấp, ruộng dộc, ruộng chằm lầy lụt ở những thung lũng đồi núi hẹp. Không chủ động nguồn nước tưới tiêu. Trước đây chỉ làm một vụ mùa vào mùa mưa, năng suất thấp. Số thóc làm ra từ ruộng đất chỉ đạt 50% nhu cầu lương thực cho con người nên họ phải đa canh làm thêm soi bãi, phát thêm nương trên đồi rừng để trồng các loại hoa màu khác như: ngô, khoai, sắn, đậu đỗ , lạc vừng...bổ sung vào nguồn lương thực. Người Sán Dìu còn có phương pháp luân canh: Trên một vạt nương đồi hoặc soi bãi, những năm đầu đất còn tốt họ trồng lúa cạn (lúa nương), xung quanh trồng đậu đỗ. Năm thứ 3 trồng lạc, đỗ vừng, khoai sọ. Có nơi năm thứ 4, thứ 5 quay sang trồng mía, sắn rồi củ từ, củ mỡ. Vì đất những năm sau đã bạc màu, họ chuyển sang trồng những loại cây có rễ dài ăn sâu xuống đất như chè, dứa...rồi biến vạt nương này thành cây ăn quả lâu năm hoặc cây lấy dầu, lấy gỗ như: trẩu, sở, xoan...
Người Sán Dìu thường có những loại ruộng sau:
- Ruộng nước trên những cánh đồng tương đối bằng.
- Ruộng dộc, ruộng bậc thang, ruộng chằm lầy.
- Ruộng cạn soi bãi, nương đồi (lúa cạn + ngô).
Người Sán Dìu cũng đã sớm hiểu biết và tiếp thu kỹ thuật thâm canh cây lương thực (nhất là cây lúa nước) " Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống..." của người Kinh. Khi khai khẩn đất hoang để làm ruộng họ đã chú ý đến lấy nguồn nước ở đâu: " Kẹn then, kẹn súi, mạo kẹn nhìn" tức là nhìn trời, nhìn suối, không nhìn người. Làm ruộng không phải chỉ nhìn vào sức người mà phải nhìn vào cả trời và nước (tức dòng suối - nguồn nước). Vì vậy ở đâu có cánh đồng lúa nước thì phía cao đều có một con phai, đập nhỏ ngăn dòng khe, hoặc suối bằng cách thô sơ như: Chắn đá, đóng cọc tre, đắp đất ngăn nước đào mương đưa vào ruộng. Thời kỳ xây dựng HTX nông nghiệp, những con đập này được gia cố bằng gạch, bê tông cốt thép, hệ thống mương máng được mở rộng kiên cố hơn. Những công trình thuỷ lợi nhỏ này thấy nhiều ở các xã Đạo Trù, Hồ Sơn, Ngọc Thanh...nơi chủ yếu đồng bào Sán Dìu cư trú.
Về nông cụ của người Sán Dìu không có gì đặc biệt. Vẫn là con dao, cái cuốc, cái xẻng, cái gạt dùng sức người, cái cày, cái bừa, con lăn dùng sức trâu, bò kéo. Dụng cụ thu hái vẫn là cái liềm cắt lúa, cái cuốc, cái thuổng đào củ, đôi quang, cái sọt quẩy gánh lương thực. Tuy nhiên người Sán Dìu có một phương tiện vận tải khá đặc biệt là chiếc xe quệt. Chưa thấy tài liệu nào nói là chiếc xe quệt này là của người Sán Dìu sáng tạo. Từ những năm kháng chiến chống Pháp đã có câu chuyện dùng xe quệt tải đạn tải lương...nói là của một chiến sỹ người dân tộc Sán Dìu sáng tạo. Viết là xe nhưng thực ra không có bánh lăn, khung chứa gần giống như chiếc xe bò, xe ba gác, có 4 thanh quệt xuống đất đỡ lấy khung chứa. Hai thanh đằng trước dài khoảng 2,5m giống như hai càng xe bò, xe trâu được bắc cái vạy đặt vào vai trâu hoặc bò khoẻ, phần cuối quệt xuống đất có độ cong thích hợp đơc cho khung chứa thăng bằng. Xe có thể đi ở bất kỳ loại đường nào, kể cả đường ruộng bậc thang, đến đường mòn đèo dốc.
Người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc từ lâu làm ruộng là chính, làm nương soi bãi là phụ. Chăn nuôi cũng là một nghề chính ngang hàng với nghề trồng trọt. Theo tính toán của một số "lão nông chi điền" người Sán Dìu ở xã Minh Quang (Tam Đảo) thì chăn nuôi đã tạo nên thu nhập chiếm 40% so với tổng thu cả năm của một gia đình trung nông, trong đó lúa ngô + cây có bột chiếm 40%, còn lại các nguồn thu khác 20%.
Con trâu vẫn là "đầu cơ nghiệp" đối với nghề nông của người Sán Dìu. Thứ nữa là con bò, con lợn, đây là ba loại gia súc lớn đem lại nguồn lợi thiết thực như: sức kéo, thực phẩm, phân bón và cả nguồn tiền khi cần chi tiêu trong gia đình. Đặc biệt người Sán Dìu có kiểu cho trâu bò ăn cháo ngô có pha muối khi chúng sinh đẻ. Người phụ nữ chăn nuôi trâu, bò, lợn là chính. Số lượng trâu bò cũng chính là một tiêu chí đánh giá giàu nghèo, tài sản của các tầng lớp người trong cộng đồng. Nghề phụ trong nông nghiệp chỉ có nghề đóng cày bừa, nghề mộc, đan lát những vật dụng cần thiết. Trước đây người phụ nữ có nghề dệt vải thô mộc, không có nhiều hoa văn đẹp như một số dân tộc khác.
3. Nhà ở
Là nhà đất giống như nhà của người Kinh. Vào một bản làng của người Sán Dìu không khác so với thôn, làng của người Kinh ở trung du. Thời xưa ngôi nhà làm bằng tre gỗ, lợp rơm rạ, cỏ tranh tuỳ theo điều kiện kinh tế và số người trong gia đình, làm ngôi nhà to hay nhỏ, nhiều gian hay ít gian. Song thường có khuân mẫu: 3 hoặc 5 gian, kiêng làm nhà chẵn 2,4. Nếu là nhà 5 gian thì 2 gian đầu hồi thường làm thò ra từ 1,5m đến 2m, 3 gian giữa thụt vào theo hình chữ "U". Hai gian thò ra thường được ngăn đôi thành 4 phòng để vợ chồng con trai, con dâu và con gái ở. Một phòng là bà vợ chủ nhà, một phòng là kho để thóc hoặc của cải. Ba gian giữa là chung, gian giữa để bàn thờ, 2 gian hai bên kê giường ông chủ, con trai hoặc khách. Hai phía trái nhà chính nhất thiết phải có 2 cái nhà phụ để làm bếp nấu ăn và để các đồ lặt vặt. Một cái làm kho chứa và chuồng trâu, bò lợn, gà.
Xét về sinh hoạt gia đình, bố trí như kể trên có thể xem là rất khoa học, văn minh, an toàn trong cuộc sống. Kiểu bố trí nhà ở này mang phong cách nhà cổ Trung Hoa.
Thời nay, vật liệu làm nhà dần được thay bằng gạch vôi, xi măng lợp ngói đỏ. Song người Sán Dìu vẫn thích làm nhà theo mô hình trên.
4. Trang phục truyền thống
* Trang phục nam giới:
Từ những năm 1980 thế kỷ XX trở về trước, trang phục của người Sán Dìu có rất nhiều thay đổi, nhất là ở nam giới. Trong các dịp lễ tết, ngày hội người đàn ông thường mặc áo dài màu đen (chàm) bên ngoài áo cánh trắng, bên trong áo 5 thân cổ cao có gài khuy vải bên phải (giống như áo của người Kinh) ống quần hẹp, chỉ dài quá gối một chút. Ngày thường họ mặc áo ngắn cúng 5 thân màu nâu hoặc màu chàm, có túi nhỏ phía vạt áo nhưng miệng túi ở phía trong để đựng thuốc lào hoặc tiền nong.
Quần thì màu nâu hoặc trắng theo kiểu chân qùe ống rộng. Đàn ông để tóc dài búi tó sau gáy có cài trâm, ngày lễ tết đội khăn xếp như đàn ông người Kinh thời trước. Khi đi làm chủ yếu là đi chân đất, đi đâu xa họ đeo dày vải. Người nghèo đi dép quai ngang đế bằng da trâu, về sau họ đi dép bằng cao su, đi guốc mộc. Nam giới ít dùng đồ trang sức, họ hay bịt răng vàng, trước nữa thường nhuộm răng đen, ngón tay đeo nhẫn bạc.
Ngày nay, người đàn ông Sán Dìu ăn mặc như người Kinh, quần áo nâu hoặc âu, áo sơ mi.
* Trang phục nữ giới:
Trang phục nữ giới phong phú hơn trang phục nam giới: Váy: xà cạp; áo: dèm; khăn; xà lạp; đồ trang sức. Nhìn tổng thể, bọ áo váy phụ nữ Sán Dìu không thêu thùa nhiều kiểu hoa văn xanh đỏ, đen, trắng như một số dân tộc khác mà vẫn đẹp, gọn gàng tình tứ. Nữ phục truyền thống gồm khăn đội đầu, áo dài ngang đầu gối, áo ngắn mặc bên trong, ngực đeo yếm trắng, váy xẻ nhiều lớp dài đến ngang đầu gối, bắp chân cuốn xà cạp trắng, đi chân đất (trước đây). Nay, trong các ngày lễ, hội các thiếu nữ đều đi dép hiện đại. Váy áo đều màu chàm thắt lưng bằng dải lụa xanh đỏ. Ve áo nẹp bằng vải trắng tạo thành hai vết trắng mềm mại hình chữ "V" mở từ hai vai khép lại ở thắt lưng ngang eo bụng. Áo dài có 4 thân, cổ bẻ có nẹp trơn. Cách mặc áo có sự phân biệt giữa người có chồng và người chưa có chồng. Phụ nữ có chồng và người già thường mặc áo vạt trái vắt sang bên phải, còn phụ nữ chưa chồng thì vắt ngược lại.
Đặc biệt chiếc váy của người phụ nữ Sán Dìu thời xưa là váy xẻ miếng nhiều. Người ta xếp những miếng vải chàm chồng lên nhau ở phần trên rồi khâu lại có dây dải buộc vào eo lưng. Phần dưới để xếp, không khâu chỉ. Váy chỉ dài đến đầu gối (bằng với áo) thường là 5 hoặc 7 miếng vải xếp lại. Đây có lẽ là váy độc đáo của người phụ nữ dân tộc Sán Dìu. Thời nay họ may váy 2 mảnh xếp phía trước và phía sau lồng vào nhau 2 bên. Với kiểu váy này khiến người phụ nữ luôn luôn phải giữ ý tứ khi lao động cũng như khi giao tiếp. Khi đi chợ muốn mua, xem một mặt hàng náo đó, họ không thể cúi xuống mà phải quỳ gối xuống đất rồi mới cầm mặt hàng lên xem. Theo các cụ già kể lại thì chiếc váy cổ có nhiều mảnh hơn, tới 8-10 mảnh, nhưng lại là mảnh nhỏ, và nó có tên là "váy lá" (xệch khúm) tạo xung quanh đùi có nhiều kẽ hở. Người phụ nữ Sán Dìu còn một số đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay, xà tích nhẫn bạc, túi đựng trầu. Hầu hết phụ nữ Sán Dìu ngày xưa nhuộm răng đen ăn trầu. Cái túi trầu cũng là một đồ trang sức dài khoảng 15cm, được may hình múi bưởi, có dây luồn vào miệng túi để rút (đóng túi lại) và mở ra khi ăn trầu. Hai quai túi được dệt bằng chỉ xanh đỏ nhiều hoa văn đẹp, đầu quai có tua chỉ xanh đỏ thường được quàng vào cổ để phía trước ngực thuận lợi khi ăn trầu cau. Khi đi đường họ vắt ra phía lưng hoặc buộc vào thắt lưng cho tiện. Miệng túi trầu thêu thùa nhiều hoa văn đẹp. Phụ nữ Sán Dìu còn có cái địu con nhỏ được may đơn giản, chỉ là vài miếng vải thô, nhuộm chàm hoặc nâu, chiều rộng khoảng 0,04m, chiều dài 0,06m (hình vuông) hai đầu được luồn vào hai dải vải hoặc dây dệt chỉ xanh chỉ đỏ, để buộc vào eo lưng người mẹ quàng vào đứa trẻ ấp sau lưng, hai đầu dây trên quàng vào vai mẹ vòng ra phía sau buộc lại đỡ lưng đứa trẻ. Từ đấy người mẹ có thể làm việc nhẹ như giã gạo, sàng xảy gạo, nấu nướng...
Cũng như một số dân tộc khác sống ở vùng núi đồi thấp như Tày, Cao Lan, Mường...Người phụ nữ Sán Dìu dần dần bỏ cách trang phục áo váy truyền thống. Nhất là lớp thanh niên, phụ nữ trẻ, họ học tập theo mốt ăn mặc của người Kinh, gọn gàng hơn. Hiện nay vào bản làng của người Sán Dìunếu không quan sát kỹ thì không biết họ là người Kinh hay người dân tộc. Ở một số bản làng vùng sâu như: Đạo Trù (Lập Thạch), Ngọc Thanh (Mê Linh) một số nơi ở Bình Xuyên người phụ nữ vẫn còn những bộ váy truyền thống để giành khi có lễ hội hoặc khi người già chết, người ta mặc cho người chết bộ áo váy đẹp theo truyền thống để về thế giới bên kia.
5. Ngôn ngữ (tiếng nói)
Theo một số tài liệu của các nhà nghiên cứu dân tộc học, ngôn ngữ học, tiếng nói của dân tộc Sán Dìu thuộc ngữ hệ Hán Tạng, trong nhóm ngôn ngữ Hán gồm có: Dân tộc Hoa, Dân tộc Thái, Dân tộc Sán Dìu.
Dưới đây là bảng so sánh ngữ âm, ngữ nghĩa giữa dân tộc Sán Dìu và một số dân tộc anh em khác trong cùng một sự vật và khái niệm:
Sán Dìu
|
Dao
|
Hoa
|
Sán Chỉ
|
Tày
|
Kinh
|
Ít (ết)
|
A
|
dít
|
Dắt
|
Nỏng
|
Một
|
Lóong
|
I
|
Nhì
|
Lệng
|
Sloong
|
Hai
|
Then
|
Gùung
|
Thín
|
Thín
|
Phạ
|
Trời
|
Này
|
Ni
|
Thi
|
Nai
|
Tâm
|
Đất
|
Slúi
|
Wẳn
|
Súi
|
Xiu
|
Nặm
|
Nước
|
Vố
|
Tầu
|
Phố
|
vù
|
Phầy
|
Lửa
|
Ngạn
|
mây
|
ngàn
|
Nhặn
|
tha
|
Mắt
|
quác
|
tháu
|
Cược
|
Kẹc
|
kha
|
chân
|
slíu
|
pù
|
siu
|
Sản
|
khen
|
tay
|
ốc
|
piác
|
ộc
|
canóc
|
Slườn
|
nhà
|
cay
|
chíay
|
Kế
|
tày
|
cáy
|
gà
|
Nhuỳ
|
bieo
|
ửng
|
comini
|
pia
|
cá
|
Slệch
|
Nhặn
|
Sịch
|
Hạch
|
kin
|
ăn
|
...
|
...
|
...
|
...
|
...
|
...
|
Như vậy tiếng Sán Dìu có âm gần với tiếng dân tộc Hoa, tiếng Sán Chỉ và tiếng Cao Lan cổ. Hoàn toàn xa lạ với tiếng Dao, tiếng Tày. Đây mới chỉ là một số tờ gốc, ngoài ra còn hệ thống ngôn ngữ (tiếng nói) đã được hình thành từ hàng trăm năm cũng rất phong phú. Chúng đủ khả năng biểu đạt thông tin khi giao tiếp, đủ khả năng biểu cảm trong sinh hoạt văn nghệ, hát ví sọong cô, hát cúng lễ...Song không tránh khỏi sự vay mượn ngôn ngữ của dân tộc khác sống trong vùng, đặc biệt là tiếng Kinh chỉ những khái niệm mới vật dụng mới, như cụm từ "Hợp tác xã", "Học nghị quyết", "cái Ti - vi"vv...
Tiếng Sán Dìu thuộc vào hệ ngôn ngữ đơn âm tiết giống như tiếng Việt. Kết cấu ngữ pháp không có gì phức tạp, hoàn toàn theo chiều thuận như tiếng Việt (tiếng phổ thông). Ví dụ kết cấu câu "Tôi muốn ăn cơm..." thì cũng thứ tự " Ngoi ọi slệch van" hoặc câu dài hơn: "Ngoi ọi sú hú nhoong San Déo nhín..." cũng thứ tự "Tôi - muốn - lấy - vợ - người - Sán Dìu ". Riêng cụm từ "người Sán Dìu " ở đây chứng tỏ vẫn bị ảnh hưởng kết cấu ngữ pháp tiếng Hán kiểu như: "Tam Đảo Sơn", "Hồng Hà", tiếng Kinh lại đảo lại là "Núi Tam Đảo" hay "Sông Hồng"...
Người Sán Dìu cũng giống như người Dao, người Hoa, người Sán Chỉ...dùng tiếng nói hàng ngày đồng thời là tiếng hát ví dao duyên, cúng thần linh, cúng tổ tiên, cúng khi có đánh ma, chay. Hoàn toàn khác với người Cao Lan cùng một thời điểm họ phải dùng 3 loại ngôn ngữ: ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày, ngôn ngữ trong cúng bái, hát ví giao duyên và tiếng Kinh trong giao tiếp.
6. Chữ viết
Người Sán Dìu cũng như một số dân tộc thiểu số ở vùng Đông Bắc - Tây Bắc không có chữ viết riêng. Song họ dựa vào chữ Hán để tạo ra chữ Hán - Nôm Sán Dìu, giống như Hán - Nôm Tày, Hán - Nôm Cao Lan, Nôm Dao...
Bài cúng của các dân tộc Sán Dìu, Cao Lan, Dao, Hoa, Sán Chỉ...gần giống nhau về ý, phần chữ viết cũng gần giống nhau. Chỉ khác nhau phần phát âm theo tiếng riêng của mỗi dân tộc và phần cúng này sử dụng vào thời điểm khác nhau. Ví dụ: Mở đầu một bài tấu sớ bao giờ cũng có đoạn: "Kim sự Đại Nam Quốc, Vĩnh An tỉnh, Bình Xuyên huyện, Minh Quang xã, Lâm Lưu thôn...". (tiếng Sán Dìu đọc là: Thai Nàm coóc, Vĩnh An dênh, Phềnh son don, mênh coong slạ, Lim Lưu son...).
Dịch là: "Hôm nay, tại nước Đại Nam, tỉnh Vĩnh Yên, huyện Bình Xuyên, xã Minh Quang, thôn Lâm Lưu..."
Chữ Hán - Nôm Sán Dìu trên nguyên tắc không khác gì cách ghép âm và nghĩa theo kiểu Nôm Việt và Nôm Tày, Nôm Cao Lan, Nôm Dao...Người Sán Dìu dùng tới 60-70% chữ Hán cổ trong một văn bản hoặc sách cúng, đọc theo cách phát âm tiếng của dân tộc mình. Những chữ thứ biểu âm biểu nghĩa, họ dùng cách ghép phần âm và phần nghĩa thành chữ Nôm của họ. Ví dụ chữ "sệch" nghĩa là "ăn". Chữ Hán không có chữ "sệch", nên được ghép bộ "khẩu" là cái mồm với chữ "đích" biểu âm thành chữ "Sệch" cũng có khi họ dùng nguyên chữ "thực" của chữ Hán có nghĩa là "ăn" mà đọc là " Sệch" hoặc chữ "sộ" nghĩa là "ngồi" được ghép chữ "thổ" với chữ "nhân đứng" đọc là "'sộ". Còn đại đa số họ dùng nguyên chữ Hán cổ đồng nghĩa, nhưng đọc theo âm của tiếng dân tộc, như chữ " Thiên" âm tiếng Sán Dìu đọc là "then" nghĩa là "Trời", vẫn dùng chữ "Thiên", chữ "Đồng" nghĩa là: đồng ruộng, đồng thời, tiếng Sán Dìu đọc là "Thống" vẫn dùng chữ "đồng"...
Hệ thống chữ Nôm Sán Dìu đủ khả năng ký âm chuyển tải thông tin cho hệ thống tiếng nói (ngôn ngữ) của họ. Nó được thể hiện trong các bộ sách cúng, sách hát ví soọng cô, thậm chí trong thư từ gửi cho người thân trao đổi tình hình khi ở cách xa nhau lâu ngày không gặp. Qua đó thấy trình độ Hán ngữ và Hán tự của các thầy cúng cùng đồ đệ (đạo tràng) của người Sán Dìu khá cao. Các cụ già cho biết một đứa trẻ nam giới 12-14 tuổi bắt đầu học chữ Hán, nếu thông minh phải mất 10 năm thì mới lên được bậc "trung cấp" tức bậc đạo tràng "bê tráp" cùng các thầy cúng cao tay đi cúng đạo cho người. Tiếp tục phấn đấu 10 năm nữa nghĩa là phải ở tuổi 35-40 trở đi mới trở thành thầy cúng được cấp sắc. Chuyện học hành này không phải người nào cũng học được, chỉ có một số học trò thông minh, có điều kiện kinh tế, có lòng ham say học hành, thường là con cháu của các ông thầy cúng. Người phụ nữ Sán Dìu không được học, không được cúng bái như phụ nữ người Kinh.
Người Sán Dìu còn dùng hệ thống chữ cái La tinh để phiên âm tiếng nói của mình. Loại chữ này được họ sử dụng cách nay không lâu, có lẽ từ khi có phong trào "Bình dân học vụ" xoá mù chữ của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà những năm 1945 - 1946. Phần lớn đồng bào Sán Dìu ở rừng núi hẻo lánh, nơi cán bộ cách mạng, bộ đội đóng quân nên được học bình dân xoá mù chữ. Cả nam nữ đều được học, biết đọc, viết chữ Quốc ngữ, khi cần họ phiên âm tiếng dân tộc mình để gửi thư, thông tin cho nhau. Lớp thanh niên chưa vợ, chưa chồng họ dùng chữ viết này chép những bài hát ví soọng cô vào những quyển vở nhỏ tiện cho vào túi để đi chơi làng hát ví giao duyên.
Cụ thể, trong lá thư của một người đàn ông Sán Dìu đi bộ đội chống Mỹ gửi thư về cho vợ, đại ý mấy câu đầu: "Ngoi sloáng nhoong xím, nhoong khọi ốc cháo mạn khín can trọng dịu, tô phan dọng chấy nhuý..." dịch ý là: "Anh nhớ em lắm, em ở nhà chịu khó cày cấy (làm ruộng) để có nhiều thóc (cơm) nuôi con...".
Từ những thập niên cuối thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI, người Sán Dìu ở vùng xen canh, xen cư với người Kinh (cùng xã, thôn) nên tình trạng tiếng Sán Dìu bị pha tạp với tiếng Kinh khá lớn, chẳng hạn cụm từ "tôi không biết..." đáng ra phải nói "Ngoi mạo ty" thì lại nói "Ngoi mạo biết". Hoặc khi chỉ có người Sán Dìu với nhau họ nói được vài câu tiếng dân tộc, lại pha tiếng Kinh. Trong đám cưới, đám ma họ đều pha tạp hai thứ tiếng này. Ở các bản làng vùng sâu vùng xa ít pha tạp hơn. Tình trạng này những năm gần đây lại càng gia tăng.
Những năm 1960-1970 khi các chàng trai, cô gái Sán Dìu còn đi hát ví soọng cô với nhau, họ đã dùng tiếng Kinh để đặt những bài thơ thể hiện tình cảm hát với nhau bằng làn điệu dân ca Sán Dìu. Về đêm khuya họ chuyển sang hát tiếng Sán Dìu. Những người phụ nữ Sán Dìu họ ít nói tiếng Sán Dìu với nhau trong cả mua bán hàng hoá. Thỉnh thoảng mới nghe được vài câu hỏi nhau "Bán con gà được bao nhiêu tiền" tiếng dân tộc "Mai chác cay tách ký tô sen...". Hỏi các cô gái trẻ: "Vì sao không nói tiếng dân tộc?" - Trả lời: - "Nói ở ngoài chợ ngượng lắm, về nhà mới nói"
Nguy cơ bị mất chữ viết của người Sán Dìu (chữ Nôm) lại càng cận kề hơn. Hiện nay trong các bản làng người Sán Dìu ở Vĩnh Phúc còn rất ít người viết chữ Hán - Nôm. Ở lớp tuổi 60 - 70 tuổi trở nên làm thầy cúng biết chữ Hán - Nôm chỉ còn vài ba người như ở Đạo Trù, Minh Quang, Hồ Sơn...Lớp người từ 40 tuổi trở nên lại càng hiếm hơn, có lẽ chỉ 10-15 năm nữa thôi chữ Nôm của người Sán Dìu sẽ không còn ai biết. Nếu lớp tuổi già biết chữ và các nhà quản lý văn hoá ở địa phương không có kế hoạch khuyến khích đào tạo lớp trẻ học kế tiếp thì loại chữ này trong xã hội người Sán Dìu gần như bị "chết".
ST