Vĩnh Phúc là vùng đất có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, đây cũng là nơi hội tụ nhiều dân tộc anh em chung sống hòa đồng với bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú như: dân tộc Sán Dìu, Dao, Cao Lan, Mường, Tày… Trong đời sống sinh hoạt của các dân tộc có những nét văn hóa độc đáo riêng của dân tộc mình. Người Cao Lan có làn điệu Sình Ca; người Sán Dìu hát Sọong Cô, đó là những di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của đồng bào các dân tộc góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa của Vĩnh Phúc nói riêng và của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.
Sình ca là lối hát đối đáp giữa nam và nữ. Những cuộc hát Sình ca kéo dài đến 12 đêm; mỗi đêm hát có chủ đề riêng với các nội dung: tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa, tình yêu trong lao động sản xuất, hát về khát vọng ước mơ hạnh phúc. Sình ca là một nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Cao Lan ở xã Quang Yên, huyện Sông Lô ở Vĩnh Phúc. Họ hát Sình Ca vào tất cả những lễ tiết quan trọng của năm, đặc biệt là vào dịp lễ hội và khi mùa xuân về, con người tìm đến với nhau thông qua làn điệu Sình ca mượt mà và tha thiết, cũng thông qua điệu hát mượt mà đó các đôi trai gái đến tuổi trưởng thành có thể dùng lời ca, tiếng hát bày tỏ những cung bậc tình cảm của mình, phù hợp với từng giai đoạn từ tìm hiểu cho đến lúc yêu đương và nên vợ thành chồng. Những ca từ của Sình ca được sáng tác và truyền miệng từ các thế hệ cha ông, đồng thời cũng được bổ sung liên tục cho đến ngày nay. Lời ca phong phú, đa dạng về tình yêu đôi lứa, tình yêu thiên nhiên, về lao động sản xuất, mừng Đảng, mừng xuân… làm mê đắm lòng người.
Câu lạc bộ dân ca, dân vũ thôn Xóm Mới, xã Quang Yên, huyện Sông Lô
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau các phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng có nguy cơ mai một, thất truyền. Mong muốn bảo tồn, gìn giữ được bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Cao Lan ở thôn Xóm mới xã Quang Yên, huyện Sông Lô đã thành lập câu lạc bộ Sình Ca của xã để thu hút và truyền dạy cho thế hệ trẻ gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa quý báu của dân tộc mình. Được thành lập từ năm 2008 đến nay đã được gần 10 năm, số lượng thành viên khoảng trên 30 người. Theo ông Hoàng Giang Lâm - chủ nhiệm câu lạc bộ và được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú loại hình văn hóa dân gian cho biết: “CLB dân ca dân vũ Cao Lan” sinh hoạt tuần 3 buổi, số lượng thành viên khoảng 30 người. người cao tuổi nhất hiện trên 80 tuổi, và người trẻ tuổi nhất là 12 tuổi. Mặc dù không có nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước mà chỉ nhờ vào xã hội hóa, nên hoạt động rất khó khăn và thiếu thốn trang thiết bị. Nhưng “CLB dân ca dân vũ Cao Lan” đã góp phần giữ gìn và phát triển làn điệu Sình ca, tiếng nói và trang phục của dân tộc Cao Lan. Đặc biệt Câu lạc bộ đã có nhiều giải thưởng là nguồn động viên khích lệ như: Huy chương vàng tại hội diễn “Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc”; đạt giải nhất “Liên hoan Văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc” do Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức và nhiều giải thưởng khác trong những lần hội diễn của huyện tổ chức.
Cũng giống như dân tộc Cao Lan, dân tộc Sán Dìu có loại hình hát Sọong cô, là một hình thức sinh hoạt văn hoá có tính cộng đồng rất cao, sử dụng ngôn ngữ địa phương, trang phục truyền thống và thường được thể hiện trong các dịp lễ hội, tết đến xuân về, đám cưới, hát vui giao duyên, đón bạn bè, anh em… Làn điệu Soọng cô có từ rất lâu đời, là phương tiện để truyền tải những tâm tư, nguyện vọng và ước muốn của người Sán Dìu trong cuộc sống thông qua lời hát mềm mại, bóng bẩy, mượt mà. Sọong cô là thể loại dân ca trữ tình, lời hát tự do phóng khoáng, ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước, lao động sản xuất…và là môi trường để gìn giữ nét văn hóa đặc trưng truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu.
Lễ ra mắt Câu lạc bộ hát Sọong cô xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo
Nhưng hiện nay những người biết hát sọong cô không còn nhiều, chủ yếu là những người cao tuổi trong bản. Trước nguy cơ thất truyền, ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã thành lập câu lạc bộ hát Sọong cô để thu hút các thành viên tham gia sinh hoạt, biểu diễn và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 30 câu lạc bộ hát Sọong cô chủ yếu trên địa bàn các xã có đông đảo đồng bào dân tộc sinh sống như: Đạo Trù, Yên Dương, Hồ Sơn, Đại Đình… huyện Tam Đảo; Ngọc Thanh - thị xã Phúc Yên, Trung Mỹ - huyện Bình Xuyên. Hầu hết các CLB này không những duy trì sinh hoạt thường xuyên, biểu diễn, giao lưu giữa các câu lạc bộ ở các địa phương trong tỉnh, mà còn giao lưu với các tỉnh bạn như Tuyên Quang, Bắc Giang, Thái Nguyên… và nhận được sự ủng hộ của đông đảo đồng bào dân tộc Sán dìu.
Đặc biệt năm 2016 UBND huyện Tam Đảo đã tổ chức hội diễn “Giao lưu tiếng hát sọong cô huyện Tam Đảo lần thứ I năm 2016” đã thu hút được đông đảo thành viên các câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh tham gia. Ngoài ra năm 2015, 13 cá nhân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể lần thứ nhất”. Đó là nguồn động viên quý giá để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng từ những phong trào đó mà phong trào dạy và hát soọng cô, may sắm trang phục truyền thống, nhiều trò chơi dân gian văn hoá truyền thống đã thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia, là tín hiệu vui trong việc khôi phục và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc Sán dìu trong địa bàn Vĩnh Phúc.
Giao lưu tiếng hát Sọong cô huyện Tam Đảo lần thứ nhất
Tuy nhiên, các câu lạc bộ hát Sọong cô thành lập và hoạt động còn mang tính tự nguyện và tự phát, ước muốn chung của các thành viên là sẽ giữ gìn được bản sắc văn hóa, di sản phi vật thể mà tổ tiên mình truyền lại. Nhưng đến nay chưa có cơ chế chính sách và sự hỗ trợ phù hợp từ Nhà nước.
Việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Vĩnh Phúc trong thời gian tới rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, các địa phương. Trước mắt cần có sự hỗ trợ kinh phí cho các câu lạc bộ Sọong cô, Sình ca để duy trì hoạt động. Tiếp đến cần quan tâm khôi phục các lễ hội văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, như những làn điệu dân ca, trang phục truyền thống, các trò chơi dân gian, tiếng nói, chữ viết...của đồng bào dân tộc thiểu số ở Vĩnh Phúc.
ST