Cập nhật: 23/06/2016 08:44:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Vừa qua, tại Singapore đã diễn ra Hội nghị về tăng động giảm chú ý châu Á lần thứ 3 với chủ đề “Ðiều trị lâu dài - một phương pháp tối ưu nhất với bệnh nhân tăng động giảm chú ý”.

Trị liệu tâm lý hành vi cho trẻ tăng động giảm chú ý.

Vừa qua, tại Singapore đã diễn ra Hội nghị về tăng động giảm chú ý châu Á lần thứ 3 với chủ đề “Ðiều trị lâu dài - một phương pháp tối ưu nhất với bệnh nhân tăng động giảm chú ý”. Tại đây, các nhà khoa học đã đưa ra những quan điểm rất mới về căn bệnh này.

Tăng động giảm chú ý (ADHD) là một tình trạng được mô tả trong y văn  từ thế kỷ 19 và được cho là một bệnh cần điều trị từ năm 1970, là một bệnh có nguyên nhân di truyền và môi trường, trong đó yếu tố di truyền chiếm 75%. Đây là một căn bệnh thường gặp ở trẻ em với tỷ lệ thường mắc là 5-9% tùy theo từng nước, nhưng tỷ lệ thường được chẩn đoán cao hơn ở các nước phát triển.

Biểu hiện của bệnh

Bệnh biểu hiện với những đặc điểm sau:

Dấu hiệu giảm chú ý: Không tập trung vào các chi tiết, không lắng nghe người khác nói, khó khăn trong việc nhớ các đồ vật và làm theo các hướng dẫn, nhanh chán công việc trước khi hoàn thành, thường xuyên ngọ ngoạy liên tục tay chân, thường xuyên rời bỏ vị trí ngồi của mình trong những tình huống cần phải ngồi yên, thường xuyên đi lại, thường trèo leo chạy nhảy một cách không phù hợp, nói liên tục, có khó khăn trong việc nghỉ ngơi hoặc thư giãn, luôn trong trạng thái đi lại liên tục, thường trong một tâm trạng dễ cáu giận, bực bội.

Dấu hiệu về xung động: Hành động mà không suy nghĩ, trả lời câu hỏi trong lớp mà không chờ đợi gọi tên hoặc khi chưa nghe hết câu hỏi, không thể chờ đợi ở trong hàng hoặc khi chơi trò chơi, nói những điều không phù hợp vào thời điểm không phù hợp, thường xuyên làm gián đoạn người khác, can thiệp vào đoạn hội thoại của người khác hoặc vào trò chơi của người khác, không có khả năng kiềm chế cảm xúc dẫn đến dễ cáu giận hoặc nổi cơn thịnh nộ.

Và quan điểm mới

Tại hội nghị, GS. Rosemary Tannock, Đại học Toronto, Canada, trong bài trình bày khai mạc hội nghị tiêu đề: ADHD, có phải chúng ta đang dùng cách điều trị ngắn hạn cho một tình trạng bệnh lý mạn tính? Tác giả đã nhấn mạnh, hiện nay việc điều trị bệnh ADHD mới chỉ tập trung vào việc làm thế nào để giảm nhanh những triệu chứng rối loạn về hành vi bằng cách sử dụng thuốc hoặc biện pháp hành vi - một cách tương tự như giải quyết một tình trạng cấp tính. Nhưng có nhiều  bằng chứng rất rõ ràng rằng ADHD là một trạng thái rối loạn phát triển tâm thần kinh mạn tính tồn tại suốt cuộc đời mặc dù có sự thay đổi đáng kể trong biểu hiện và mất năng lực do bệnh gây ra khi trẻ tăng động lớn lên, nhiều biểu hiện của bệnh không còn đáp ứng với phương pháp điều trị hiện tại chúng ta đang áp dụng. GS. Rosemary Tannock cũng đặc biệt nhấn mạnh đến những biểu hiện của ADHD ở lứa tuổi trưởng thành với các biểu hiện lạm dụng chất kích thích, mất tự tin, mất các năng lực xã hội, thất nghiệp, có những hoạt động liều lĩnh như đua xe, lái xe liều lĩnh...

ADHD là một bệnh mạn tính và có nguyên nhân di truyền, vì vậy tác giả nhấn mạnh việc điều trị cần phải được tiến hành suốt cuộc đời, đặc biệt chú ý đến những thiếu sót về năng lực xã hội cho người bệnh và cần phải có một chiến lược chăm sóc lâu dài.

Một bài báo cáo khác của GS. Zheng Yi đến từ Đại học Y khoa Bắc Kinh cho thấy, tình hình bệnh lý ADHD ở những nước đang phát triển như Việt Nam và Trung Quốc. Ông nhấn mạnh, tỉ lệ trẻ được chẩn đoán ADHD ở những nước này còn thấp do chuyên ngành Tâm thần còn kém phát triển và do yếu tố kỳ thị của xã hội làm cho người bệnh mặc cảm khi đến khám chuyên khoa Tâm thần. Có nhiều bệnh nhân đã mất thời gian 2-3 năm điều trị về mặt tâm lý mà không được tiếp cận với bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Vì vậy, một điều tác giả nhấn mạnh rằng cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa bác sĩ nhi khoa và bác sĩ chuyên khoa tâm thần để điều trị tốt hơn cho người bệnh, từng bước xóa bỏ những kỳ thị với bệnh nhân tâm thần.

Hội nghị cũng tập trung nghiên cứu áp dụng các kỹ thuật hiện đại vào việc chẩn đoán và đánh giá hiệu quả điều trị của bệnh như sử dụng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI), phát hiện những chất sinh học đặc trưng cho bệnh ADHD (biomarker). Nhiều báo cáo đã đề cập đến sự kết hợp giữa những bệnh lý tâm thần với ADHD như mất ngủ, rối loạn lo âu, nghiện chất... và cách giáo dục, hướng dẫn bố mẹ, giáo viên cách phát hiện trẻ bị bệnh ADHD, sự kết hợp giữa chuyên gia chăm sóc đặc biệt cho trẻ tăng động với bác sĩ đa khoa, cán sự xã hội...

BS. Trịnh Thị Bích Huyền

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm