Cập nhật: 24/06/2016 08:24:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tam Đảo từ lâu đã là một địa danh được nhiều người biết đến là một điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước với Khu nghỉ mát Tam Đảo nằm ở độ cao 879m so với mặt nước biển, có phong cảnh núi non hùng vĩ bao quát cả một vùng đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn được người Pháp tìm ra và xây dựng từ 1902-1906.

Tam Đảo còn tự hào có một sự đa dạng về bản sắc văn hóa của  đồng bào các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn như người Kinh, Sán Dìu, Tày, Nùng, Cao Lan..vv. Bên cạnh đó Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Tam Đảo cũng tự hào gìn giữ một di sản văn hóa gắn liền với đời sống tinh thần của các thế hệ cha ông để lại đó là Khu danh lam thắng cảnh Tây Thiên, nơi  truyền thuyết kể rằng có đền thờ nữ chúa Tam Đảo Lăng Thị Tiêu. Bà là con của ông Lăng Vĩ và bà Đào Liễu. Người đã có công giúp nhà nước Văn Lang trong buổi đầu dựng nước và giữ nước, sau đó bà kết duyên với vua Hùng thứ sáu sau này ( Hùng Huy Vương 1712 - 1632 TCN). Vì vậy các triều đại phong kiến sau này phong bà là Tây Thiên Quốc Mẫu “ Thượng đẳng phúc thần” hiệu là “ Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu”. Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc  hiện có 54 ngôi đền, đình thờ bà, riêng xã Đại Đình có tới 08 ngôi đền lớn thờ Quốc Mẫu gắn với câu chuyện lịch sử về sự sinh ra và hóa thân của Bà.

* Đền Mẫu Sinh

Nằm trên diện tích 2.316 m2 thuộc thôn Đông Lộ xã Đại Đình huyện Tam Đảo. Năm 1763 được chép là Đình thôn Đông Lộ (thuộc xã Đại Điền, huyện Tam Dương, trấn Sơn Tây) do biến động của xã hội, đình bị phá hủy, sau này kh nhân dân phục hồi việc thờ cúng đã xây dựng thành ngôi đền thờ Quốc Mẫu và thân phụ, thân mẫu của bà. Tương truyền đây là nơi sinh ra Quốc Mẫu Tây Thiên với tục danh là Năng Thị Tiêu. Di tích được xếp hạng cấp tỉnh năm 2009.

Ngày nay với lòng hảo tâm công đức của đông đảo du khách thập phương, nhân dân thôn Đông Lộ đã và đang trùng tu, tôn tạo một số hạng mục phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của du khách;

- Trùng tu tôn tạo, nâng cấp ba gian đại bái Đền Mẫu

- Xây dựng đền thờ thân phụ, thân mẫu Quốc Mẫu

- Xây dựng Lăng Mẫu

Tổng kinh phí xây dựng khoảng 10 tỷ đồng

 

Cổng vào Đền Mẫu Sinh

 

Đền thờ thân phụ, thân mẫu

 

Lăng Mẫu

* Đền Mẫu Hóa

Trước có tên gọi là Đình Tổng ( thuộc Tổng Đông Lộ) nay thuộc thôn Sơn Phong xã Đại Đình. Nằm trên diện tích 9.040 m2  Tương truyền nơi đây là nơi hóa thân của Quốc Mẫu  Tây Thiên. Bên cạnh cổng Đền còn có giếng mộc dục là nơi Quốc Mẫu tắm gội trước khi hóa thân về trời. Theo các cụ bô lão trong làng giếng nước không bao giờ cạn kể cả những năm hạn hán, trước đây giếng được kè bằng đá cuội, đến năm 1997 các cụ phụ lão trong làng huy động nhân dân xây dựng lại để bảo vệ. Trong Đền còn có long ngai bài vị ghi bằng chữ hán “ Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu đại vương” Di tích được UBND tỉnh Vĩnh Phúc xếp hạng năm 2009.

Hiện nay quần thể di tích Đền Mẫu Hóa đã được chính quyền và nhân dân địa phương trùng tu xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa gồm các công trình: Đền Mẫu, Lăng mộ và Chùa Thiên Thọ.

 

Cổng đền Mẫu Hóa

 

Đền Mẫu Hóa

 

Chùa Thiên Thọ

 

Lăng mộ

 

Giếng  Mộc Dục ( Nơi Quốc Mẫu tắm gội trước khi hóa thân)

* Đền Ngò:

Trước là đình xã Sơn Đình, nay thuộc thôn Sơn Đình xã Đại Đình, diện tích 2.804m2. Ngôi đền nằm dưới tán những cây gỗ lim xanh cổ thụ. Tương truyền đây là nơi Quốc Mẫu Tây Thiên  tuyển quân, huấn luyện dân binh để giúp vua Hùng đánh đuổi giặc Thục Hán. Tại Đền còn lưu giữ được tấm bia đá “ Tạo lập bi ký”  niên hiệu Chính Hòa thứ 22 ghi rõ được dựng trước đình xã Sơn Đình, Tổng Quan Ngoại, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên. Nội dung bia ghi: “ Sắc chỉ cho xã Sơn Đình giữ phận sự tạo lệ ( trông nom phục dịch) Chùa Tây Thiên, Phù Nghì trên núi Tam Đảo” Di tích được xếp hạng cấp tỉnh năm 2009. Đây cũng là nơi hàng năm vào ngày 15 tháng 2 âm lịch khởi hành rước kiệu Bát cống về Đền Thỏng trong ngày chính hội Lễ hội Tây Thiên.

Ngôi đền hiện nay đang được trùng tu tôn tạo mở rộng hơn trên nền móng cũ bằng nguồn công đức thập phương và nhân dân thôn Sơn Đình đứng ra quyên góp và tổ chức xây dựng dự kiến kinh phí thực hiện khoảng 4 tỷ đồng.

 

Đền Ngò Thôn Sơn Đình xã Đại Đình

* Trung Tâm văn hóa Lễ hội Tây Thiên:

Trung tâm Văn hóa - Lễ hội  Tây Thiên có qui mô 163ha với tổng vốn đầu tư trên 540 tỷ đồng được xây dựng theo chủ đề “Đến với Phật, về với Mẫu”. Khu này bao gồm trục hành lễ, sân lễ hội, khán đài, các công trình phục vụ công cộng và khu tái định cư. Đây sẽ là một trong những trung tâm lễ hội quan trọng nhất của tỉnh Vĩnh Phúc. Đến tháng 7 năm 2013  Dự án công trình xây dựng một số hạng mục thuộc Trung tâm Văn hóa Lễ hội Tây Thiên đã được bàn giao đưa vào sử dụng. Dự án có tổng diện tích 31,8ha bao gồm các hạng mục chính: san nền, bãi đỗ xe, đường trục chính, sân lễ hội, cổng Tam Quan, đường nhánh từ cổng Tam Quan đến Bảo Tháp.  Đây là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thương mại, thể thao trong những ngày diễn ra Lễ hội.

  

* Đền Thõng:

Trong Tự điển Bộ Lễ triều Lê  năm 1763 có ghi đây là ngôi đền thờ của xã Sơn Khổn, huyện Tam Dương, trấn Sơn Tây, nay là thôn Đồng Thõng xã Đại Đình huyện Tam Đảo. Ngôi đền nằm ngay dưới chân núi vì vậy có tên gọi khác là Đền Trình, là nơi mà những du khách hành hương phải vào trình báo trước khi đăng sơn lên Đền Thượng nơi thờ chính của Quốc Mẫu Tây Thiên. Trước đền có hai cây Đại cổ thụ không rõ năm tuổi. Đền Thõng hiện nay khang trang bề thế với quy mô gồm hai tòa, năm gian đại bái và ba gian hậu cung nối liền nhau theo hình chữ Đinh được phục dựng trên nền cũ năm 1998. Trong đền trên cung cấm thượng ban thờ tượng Quốc Mẫu ngồi trên long ngai. Phía trước sân còn lưu giữ một tấm bia đá bốn mặt đề “ Tam Đảo Linh sơn” lập năm Bảo Thái thứ 5 (1724). Đền là nơi diễn ra các sự kiện chính của phần Lễ trong Lễ hội Tây Thiên hàng năm với Lễ dâng hương, Lễ khai hội, Lễ tế của các đoàn tế vào ngày 15 tháng 2 âm lịch hàng năm. Năm 2012 một số công trình phụ trợ cũng đã được hoàn thành; cổng Tứ trụ, sân đền được lát bằng đá xanh, nhà Tả, Hữu mạc được xây dựng xong đưa vào sử dụng.

Dưới sân Đền Thõng là cây đa cổ thụ, một biểu tượng rất đặc trưng của Khu danh thắng Tây Thiên. Để giữ cho cây đa có  thể tồn tại, một dự án làm cột chống tạo hình rễ giả đã được thực hiện. Nhờ vậy, bất chấp sự tàn phá mãnh liệt của thiên nhiên núi rừng Tây Thiên cây Đa vẫn hiên ngang tồn tại để lớp con cháu hậu thế như chúng ta ngày hôm nay có cơ hội được chiêm ngưỡng. Cũng thật ngẫu nhiên khi Chín Cội của cây đa này lại trùng hợp với chín đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Vĩnh Phúc và chín xã và thị trấn của huyện Tam Đảo nằm dọc theo chiều dài của dãy núi Tam Đảo.

 

Toàn cảnh Đền Thỏng

 

Đền Thỏng

Trong Khu danh thắng Tây Thiên, bên cạnh những ngôi đền nổi tiếng như đền Thượng, đền Thõng,…..thì Tây Thiên còn có đền Cậu, đền Cô đầy bí ẩn và linh thiêng. Qua đền Thõng khoảng 1,5km ta sẽ tới đền Cậu, đường đi khá thuận lợi qua sáu khúc suối, tuyến đường rông 2m đã được lát đá và kè bậc; hai bên đường là những hàng cây rợp bóng che mát cho khách hành hương trong chặng đường dài. Khi lên đền Cậu, ngoài cầu tài, cầu phúc, lộc, thọ thì đền còn là nơi mà các cặp bạn trẻ đến đây để cầu duyên. Đền Cậu được dưng lên theo cách thờ cúng của các ban thờ Cô, thờ Cậu của tín ngưỡng Tứ phủ. Trong điện hiện nay có hai pho tượng được đặt trong khám, tượng đứng gồm một nam, một nữ. Tượng nam đầu đội khăn cuốn vàng, hai bên phía tai có hai bông hoa rũ xuống, mình mặc áo chẽn thắt đai vàng. Tượng nữ đầu đội khăn cuốn vòng màu xanh, cũng có hoa tai rũ xuống, mình mặc áo chẽn màu xanh, có áo choàng xanh. Họ là một cặp xứng đôi trong tư duy lưỡng hợp.

Đền được nhân dân chung sức tu sửa lại vào năm 1993. Từ đền Cậu đi thêm khoảng 2km nữa là đến đền Cô. Đền Cô được xây dựng từ rất lâu đời thờ Cô Bé (Cô thứ mười hai trong tín ngưỡng thờ Tứ Phủ). Đền được trùng tu xây dựng trên nến cũ năm 2009. Hiện nay ngôi đền được thờ Tứ Phủ Thánh Cô. Nằm trong khu vực rừng cấm quốc gia nên khung cảnh ở đây tuyệt đẹp, xung quanh đền là các thực vật phong phú và không khí trong lành tạo nên một cảnh sắc thanh nhã, thoáng đãng, yên bình. Bên cạnh đền là suối Giải Oan và một chiếc giếng cổ, rất nhiều khách hành hương từng đến đây đã thừa nhận rằng suối này rất thiêng. Nếu ai lấy nước từ suối hoặc giếng dâng lên cúng rồi uống sẽ thấy trong lòng mình thư thái, thanh thản và tịnh tâm nên đền Cô Bé thu hút được rất nhiều du khách gần xa.

* Đền Thượng

Nằm trên sườn núi Thạch Bàn của dãy núi Tam Đảo. Trong quần thể Khu di tích danh thắng Tây Thiên. Đền Thượng được coi là nơi ở của Quốc Mẫu Tây Thiên, là nơi thờ chính của bà với thần hiệu “ Tam Đảo sơn Trụ Quốc Mẫu”. Toàn bộ các ngôi đền trong quần thể khu di tích Tây Thiên đã được được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1991. Trước đây ngôi đền có kết cấu 5 gian, hai trái giống như ngôi nhà của người Việt, một bên thờ Phật và một bên thờ Quốc Mẫu. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và sự tàn phá của thiên nhiên ngôi đền bị xuống cấp nghiêm trọng. Được sự cho phép của chính quyền các cấp và sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc năm 2003 tiến hành việc xây dựng tách riêng Chùa và Đền. Chùa Thiên Phúc Tự được xây dựng và bàn giao cho các Ni cô tại tịnh thất Tây Thiên trông nom. Đền Thượng được xây dựng đưa vào phục vụ khách thăm quan vào tháng 10/2009. Quần thể khu Đền Thượng hiện nay đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Tam Đảo quy hoạch xây dựng khang trang hơn trên diện tích quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Khu vực Đền Thượng 28.650 m2  ( 2,865 ha) với các công trình; Đền Thượng, Đền Tam Tòa Thánh Mẫu, Đền Cô Chín, Đền Mẫu Hoàng Thiên cùng với các công trình phụ trợ khác; nhà Tả, Hữu mạc, nhà công quán, điểm thường trực của Ban quản lý Khu danh thắng Tây Thiên, khu ki ốt dịch vụ..vv

 

Đền Thượng Tây Thiên

 

Đền Tam Tòa Thánh Mẫu

 

Đền Cô Chín

Khu di tích danh thắng Tây Thiên vẫn còn tiềm ẩn những giá trị cần được khám phá, nghiên cứu vì vậy đã và sẽ vẫn là điểm đến lý tưởng cho du khách, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, các nhà sử học...v.v.

Từ những dấu tích, những di sản trong khu vực Tây Thiên được coi là một quần thể di tích - danh thắng tổng hợp. Ở đây có đủ các loại hình di tích lịch sử- văn hóa đó là: Di tích khảo cổ (Đồng Cổ, Thiên Ân), di tích lịch sử (bia đá chữ, Đồng Ma, Ao Dứa), di tích kiến trúc nghệ thuật (đền Thượng), danh lam thắng cảnh (suối Vàng, thác Bạc). Các loại hình di tích này liên hoàn, đan xen với nhau rất khó phân định rạch ròi và tạo nên một hệ thống di tích danh thắng đa dạng, hoành tráng. Sự đa dạng đó còn thể hiện ở tính chất phức hợp trong thờ tự, tín ngưỡng, hội tụ cả đạo Phật (chùa), đạo Lão (am), đạo Nho (đền).Tây Thiên trước hết gắn với cửa Phật, ngay từ chính tên gọi địa danh. Phật đến núi Thạch Bàn từ tế kỷ thứ  IV trước Công nguyên, lấy nơi ấy làm nơi trụ trì, từ đó núi mang tên Tây Thiên, là nơi các vị thiền sư đã xây thành Nê Lê và dựng tháp A Dục. Tên gọi Tây Thiên, tức “bầu trời Tây”, là gốc của từ Hán Việt. Bầu trời của Phật vì ý thức hệ Việt Nam theo Phật gọi Tây Thiên là thế giới của cực lạc, quan niệm đó là nơi thế giới của Phật ở. Chữ Tây Thiên được dùng chỉ ngọn núi Thạch Bàn của dãy Tam Đảo. Ngoài ra cái tên còn mang ý nghĩa là “nơi các nhà sư Tây Thiên (Ấn Độ) tu hành”, được đặt để ghi nhớ giáo đoàn đầu tiên từ Ấn Độ vào Việt Nam truyền đạo, được coi là một trong những nơi phát tích của Phật giáo Việt Nam và là nơi thờ tự chính Quốc Mẫu Tây Thiên, một trong hai vị Quốc Mẫu được sắc phong từ thời Hùng Vương dựng nước. Mẫu xuất hiện trong Ngọc phả Hùng Vương từ đời Hùng Chiêu Vương, đến nay đã trên 3641 năm. Sau khi Bà uy hóa, nhiều đền thờ cúng bà đã xuất hiện, ngay tại địa phương nơi bà sinh ra, nơi liên quan đến những sự tích của về Bà. Trong đó, điểm thờ quan trọng nhất là ngôi đền Thượng trên lưng chừng núi Thạch Bàn, nơi ấy trong tâm thức người Việt là nơi đất Mẹ - đất Mẫu, nơi “nước trong nguồn chảy ra”.

ST

Tệp đính kèm