Cập nhật: 26/06/2016 09:23:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cờ còn gọi là cờ tướng, là một môn chơi dùng trí tuệ, chỉ có 2 người vào chơi và đấu trí với nhau. Đây là một trò chơi với các quân cờ, có 32 quân chia làm 2 bên đối kháng nhau: bên đỏ, bên xanh hoặc bên đen, bên trắng, số lượng quân của mỗi bên là:

Tướng: 1 - sĩ: 2 - tượng: 2 - xe: 2 - pháo: 2 - mã: 2 - tốt: 5.

Khi chơi chia ra hai loại quân: công (đánh chiến), thủ (phòng giữ), với đường đi của các loại quân có quy định.

Mã nhật: quân mã đi theo đường hình chữ nhật.

Tượng điền: quân tượng đi theo đường chéo góc của chữ điền và chỉ ở bên địa phận nhà.

Xe liền: đi ngang, đi dọc,  hoặc tiến, hoặc lùi đều được cả miễn là phía trước, phía sau không có quân đứng cản.

Pháo cách: quân pháo cũng đi theo lối của xe, nhưng muốn ăn quân thì phải có 1 quân đứng phía trước, phía sau, hoặc bên phải, bên trái - gọi là cách quân, ăn quân.

Tốt: chỉ tiến, không được lùi, khi sang địa phận đối phương, gọi là “qua sông” đi ngược đi ngang qua trái, qua phải, gọi là “lắc tốt”.

Sĩ: đi theo đường chéo chữ điền trong cung của tướng nhằm che trở cho tướng, cũng như tướng không xuất cung.

Ở miền bắc nước ta, cờ tướng được chơi cách nay đến hơn 1000 năm, cả trong triều đình và ngoài dân dã, với các lối chơi như cờ bàn, cờ biển (dân gian gọi là cờ bỏi), và cờ người: cờ dùng người thật làm  quân.

Có những người rất giỏi về môn đánh cờ, kể vào loại có tài đặc biệt như nhân vật “trạng cờ” (cùng song hành với truyện kể dân gian: trạng vật). nam giới đã giỏi chơi cờ, mà nữ giới cũng không thua kém.

Trong tập thơ “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù) của Chủ tịch Hồ Chí  Minh, cờ bàn cũng được ví như quốc sự (việc nước) có 2 câu được dịch ra như sau:

Lỡ nước hai xe đành bỏ phí

Gặp thời một tốt cũng thành công

Sách sử việt nam cũng có chép về những nhân vật rất giỏi đánh cờ: “trần ích tắc là con thứ thượng hoàng (Trần Thái Tông ) thông minh, chăm học, am hiểu kinh truyện và lục nghệ, lại có tài làm văn chương, những nghệ thuật nhỏ như đá cầu, đánh cờ, không việc gì là không tinh hiểu”.

Các vị danh tướng đời trần như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải đều là người biết chơi cờ. trong một lần sau lần hội quân ở vạn kiếp năm 1284 hai ông đã có lần đánh cờ chơi đùa suốt cả ngày.

Bức cốn nách phía trong gian cạnh đình Ngọc Canh (huyện  Bình Xuyên) có bức chạm đấu cờ ở niên đại làm đình thế kỷ XVII chứng minh thú chơi cờ của người Vĩnh Phúc đã có ở khắp các làng xã, mọi chốn mọi nơi, từ cửa các thần điện (cờ “sự thần”), cho đến điếm xóm, điếm ngõ và mọi nhà.

Trong phần này xin chỉ bàn đến đánh cờ trong chốn hội làng.

Đánh cờ là môn chơi đấu trí, để có cuộc đấu trong hội lễ, làng phân công các giáp cắt người làm quân cờ (cờ dùng người làm  quân gọi là cờ  người), làm biển cờ (cờ dùng biển gỗ làm  quân gọi là cờ bỏi). Gióng tre rào ngăn bàn cờ để người xem không tràn vào sân, làm ảnh hưởng  cuộc đấu, may cờ đuôi nheo, mua trống khẩu để làm  hiệu, tuyển chọn nam nữ trong làng  thường từ 15 - 20 tuổi, có nhan sắc, con nhà tử tế làm  quân, có 16 nam, 16 nữ làm quân của hai bên, nam nữ đẹp nhất được chọn làm  tướng, rồi đến các quân sĩ, tượng.

Nghe tin làng mở hội cờ, các tay cao  cờ trong vùng đều đến. hôm làng mở hội, sân đình đầy người đến xem.

Trên thềm  đình, kê một án thư, là nơi đặt bàn cờ khảo trịch. ông tổng cờ có phận sự lo mọi việc tổ chức hội cờ và vinh dự được đánh trống cái lớn điều khiển cuộc đấu.

Vào cuộc, hai đấu thủ vào làm lễ thánh, rồi tiến đến khảo tịch, tung 2 đồng trinh để xác định người được đi trước.

Sau đó, đội cờ rước quân, mỗi bên quân mặc quần áo mầu khác nhau, đội mũ khác nhau. tuớng dẫn quân đi hết vị trí rồi đến vị trí của mình. Ở mỗi vị trí có một cái ghế để người làm quân ngồi giữ biển quân cờ.

Mỗi bên có một người phục vụ nhắc chiếc ghế theo nước đi của quân cờ. Một người cầm trống khẩu đi theo người chơi đánh trống thúc giục.

Trên bàn trịch, người chơi ở dưới sân đi nước cờ như thế nào, thì trên bàn nhắc quân theo đúng như thế để theo dõi.

Mỗi ván cờ có thể nhanh chóng kết thúc, nếu là kì phùng đối thủ gặp nhau thì có thể đến ngày hôm sau bàn cờ trịch được giữ nguyên để khỏi nhầm nhỡ.

Đánh cờ (các văn bản thần phả ghi là “đả kì”) ở các làng thường tổ chức vào dịp đầu xuân, là một trò diễn hội làng gồm có:

Đánh cờ vì “sự thần”.

Chữ “sự thần” có nghĩa là việc thờ cúng ông thần mà làng tôn thờ, làm vị thần bảo hộ chính cho làng xã.

Trong các ngày tế tiệc có nhiều làng tổ chức đấu cờ. việc đấu cờ này đều được ghi vào tục lệ của làng xã, coi như là sự lệ phải có sau lễ tế thần.

Ngày nay, 2 làng bích đại và đồng vệ vẫn giữ tục lệ này.

Trong các ngày lễ hội từ ngày 10 - 14 tháng 9, là ngày “tiệc hát” mừng cơm mới, có trình tự như sau:

Sáng ngày 9: có lễ mở cửa làm vệ sinh, phong y (chồng kiệu, hồi 16h có lễ cáo tiệc - hồi 19h có lễ trực đêm).

Sáng 10: có lễ vào tiệc ở miếu - đến 12h các vị nam, nữ cao tuổi trong làng, cùng các chân “hàng hoá” (chân cờ, chân kiệu) tập trung ở đình bích đại lên miếu đồng vệ đón kiệu, 13h khởi kiệu rước xuống đình bích đại, tế tiệc. kiệu thờ ở đình một đêm.

Buổi tối, trong đình hát ca trù chúc mừng thánh. ngoài sân đình tổ chức hát chèo.

Sáng ngày 11: đoàn rước  kiệu có đủ thành phần như ngày mùng 10, tập trung ở miếu bắt đầu từ 7h30, từ miếu xuống đình đón kiệu thánh. tiến hành rước kiệu từ đình lên miếu.

Đặt kiệu thờ ở miếu, tế tiệc - đến đêm có lễ túc trực tại miếu.

Trong miếu tổ chức hát thơ (hát ca trù) ngoài sân miếu tổ chức hát chèo.

Sáng ngày 12: tổ chức đánh cờ. quân cờ bằng người, gồm các nam thanh - nữ tú, vào tiệc, kiệu thánh và bài vị thánh được ngự ở gian giữa nhà tiền tế, hướng ra sân miếu.

Mở đầu, các quân cờ hai bên xếp vào vị trí, rồi cử một số nam nữ đại diện  cho hai bên quân, theo đoàn nhạc trống, kèn, chạy một vòng sân, rồi tiến vào giữa sân làm lễ trình thánh.

Mở đầu vào hội làng cử ra 2 vị bô lão cao cờ vào đấu khai mạc, ngoài sân tổ chức một bàn trịch, cũng do 2 vị bô lão cầm quân theo dõi 2 đấu thủ đang đấu trí trên sân.

Những đấu thủ khi vào giao đấu và đến kết thúc ván đấu đều phải vào làm lễ trình thánh.

Hội cờ “sự thần” chỉ đánh 3 ván, không có ván thứ tư, và không có giải. tuy nhiên, người dự xem lại đông hơn cờ bỏi (cờ thi đấu lấy giải).

Đánh cờ lấy giải.

Gọi là cờ bỏi (cờ biển). trong ngày hội, thường được tổ chức tại sân đình, nơi có không gian lễ hội.

Vì là đấu để lấy giải, nên sự thi đấu có trọng tài và có luật, theo luật cờ tướng do hội cờ việt nam quy định.

Đền trần nguyễn hãn, sáng 01 tháng 2 năm ất dậu (năm 2005) có tổ chức giải đấu cờ.

Nội dung cuộc thi đấu là: các đấu thủ thi đấu theo luật cờ tướng đã quy định. nếu vi phạm là thua, nếu 2 bên cùng hoà, thì ván đấu được đánh lại. ván thứ 2 cũng hoà thì gắp thăm để phân giải thắng thua.

Có 3 giải: giải nhất, giải nhì và giải ba.

Mức thưởng bằng tiền mặt hoặc hiện vật, to, nhỏ, nhiều, ít do làng quyết định.

Vĩnh phúc là tỉnh có truyền thống về thi đấu môn thể thao hội làng này.

Hiện có 2 đội cờ dùng quân bằng người. đó là đội cờ xã thanh lãng, huyện bình xuyên và đội cờ của xã đại đồng huyện vĩnh tường.

Tuy nhiên, cờ là môn chơi đấu trí, có luật và có lề lối, nên ít người hiểu và biết chơi, nhất là giới nữ và các lứa tuổi còn vị thành niên, nên trong hội làng là môn chơi dù đông, nhưng cũng ít người xem nhất trong các trò diễn.

Thế nhưng, cứ có hội làng, là có môn chơi thi đấu này, đây cũng là một điều thú vị trong hội làng ngày xuân.

Cũng như môn đấu vật, những người giỏi nhất miền vùng  được suy tôn làm “trạng”. ở việt nam đã có trạng vật, trạng cờ.

Ngày nay, cờ là một môn chơi phổ cập. trong tỉnh đã có 4 địa phương tổ chức được đội cờ người:

Đội cờ người xã thanh lãng, huyện bình xuyên.

Đội cờ người ở huyện mê linh.

Đội cờ người xã hạ lôi, huyện mê linh.

Đội cờ người xã đại đồng, huyện vĩnh tường.

Việc thành lập phục hồi các đội cờ người đã thể hiện một sự cố gắng rất lớn.

Cố gắng vì phải tuyển chọn được đội quân nam thanh, nữ tú, lại phải huấn luyện sơ qua cho đội quân kia có khái niệm về thể thức chơi để khi vào sân chơi, đường đi, nước bước không ngỡ ngàng.

Đồng thời lại mua sắm, trang bị quần áo, mũ giầy, rất tốn kém.

Các ngày có hội đánh cờ trong năm:

Tháng giêng:

Ngày 10: 3 thôn yên phú, yên nội, yên thọ của làng sơn kiệu xã chấn hưng huyện vĩnh tường.

Tháng 9: 

Ngày 11: làng yên nội xã chấn hưng huyện vĩnh tường.

Ngày 10 đến 14: miếu làng  đồng vệ xã đại đồng huyện vĩnh tường.

Tháng 10: 

Ngày 4: tiệc miếu làng quan tử xã sơn đông huyện lập thạch.

Đó là các ngày có tiệc lệ đánh cờ vì “sự thần”. ngày nay, tổ chức thi cờ bỏi lấy giải là việc thường xuyên trong tiệc hội các làng  xã, đây là môn giao đấu dễ tổ chức.

ST

Tệp đính kèm