Theo truyền thuyết nhà Phật, khi Phật Tịch Diệt, người úp cái bát lên trên bộ quần áo tu hành đã gấp vuông vắn và đăt cây gậy lên trên trao lại cho đệ tử gọi là trao y bát, tức là truyền thừa cho người kế tục.
Tháp Bình Sơn - Vĩnh Phúc
Các môn đệ đã theo hình ảnh chiếc bát úp và cây gậy chống mà chế tác ra mô hình tháp để thờ Phật. Khi đạo Phật truyền bá vào nước ta, nhân dân cũng đã chế tác ra rất nhiều mô hình tháp bằng đá, bằng đất nung. Từ Ấn Độ cho đến các quốc gia khác nhau, tháp thờ Phật luôn là công trình lịch sử điêu khắc phong phú và biến đổi theo từng quan niệm của Phật giáo khi đi vào từng địa phương. Tháp Bình Sơn thị trấn Tam Sơn – Sông Lô – Vĩnh Phúc làm bằng đất nung cũng nằm trong dòng chảy đó.
Thời kỳ Lý - Trần (thời kỳ hưng thịnh nhất của Phật giáo Việt Nam), có hàng ngàn các ngôi chùa và tháp được xây dựng trên khắp đất nước. mỗi thời, những ngôi tháp, ngôi chùa lại có sự biến đổi theo từng thời kỳ, từng vương triều nhưng vẫn giữ được những giá trị đích thực của nó. Ở thời Lý, ngôi chùa chính là tháp, và tháp cũng chính là chùa. Trong các ngôi chùa ở thời Lý, người dân xây một ngôi tháp ở trung tâm của chùa và trong tháp chứa tượng Phật (Điều này giống với chức năng của một ngôi chùa mà chúng ta vẫn thường thấy ngày nay). Nhưng đến thời Trần, Phật giáo đã phát triển theo một triều hướng khác, lúc này Phật giáo Đại Thừa được du nhập và phát triển mạnh mẽ với nhiều hệ thông tượng Phật và tượng Bồ Tát. Kiến trúc tháp thời kỳ này đã được thay đổi và biến tấu để phù hợp với tín ngưỡng của người dân. Ngôi tháp thời kỳ nhà Trần đã được dịch chuyển và đưa lên phía trước của ngôi chùa với quy mô nhỏ hơn và trở thành tháp biểu tượng Phật. Còn ngôi chùa được xây dựng phía sau của ngôi tháp với lối kiến trúc 5 gian 2 dĩ hoặc 3 gian 2 dĩ để có thể bày được nhiều tượng Phật. Ngôi tháp của thời Trần lúc này trở thành tháp biểu tượng Phật và trong lòng tháp không có tượng Phật.
Gạch in hoa văn trên tháp cổ
Tháp Bình Sơn là một trong những ngôi tháp cổ nhất Việt Nam còn lại cho đến ngày nay. Tháp được xây dựng từ thời Lý - Trần, cách ngày nay hơn 700 năm. Tháp Bình Sơn mang trong mình những nét đẹp của thời gian và những dấu ấn lịch sử sâu đậm. Những sự kiện, sự tích bí ẩn về ngôi tháp là một dấu ấn rất riêng thu hút nhiều các vị khách mong muốn tìm hiểu về dòng chảy lịch sử của Phật giáo Viêt Nam. Tháp Bình Sơn không chỉ đẹp về kiến trúc mà tháp còn là biểu tượng của Phật giáo. Hình khối, hoa văn được trạm trổ trên tháp đơn giản, khỏe khoắn, đề tài gần gũi với người dân và ẩn chứa những thông điệp sâu sắc. 13 tầng tháp biểu trưng cho những bước tu hành để lên đến cõi niết bàn của Phật tử. Tháp 13 tầng trong Phật giáo là một dạng tháp tương đối hiếm. Con số 13 là con số biểu tượng cho Phật. Trong các kinh của Phật giáo, người ta chia ra các đối tượng Phật được xây tháp tùy theo mức độ tu hành khác nhau ứng với số lượng tầng tháp khác nhau. Tháp dành cho A La Hán là từ 4 - 5 tầng, tháp dành cho Bích Chi Phật (hay còn gọi là Độc Giác Phật) là từ 9 -11 tầng, và tháp dành cho Phật là 13 tầng. Tháp hình vuông biểu trưng cho vũ trụ. Gạch xây tháp là đất nung ở nhiệt độ cao, ghép lại với nhau thẳng đứng, vừa khít mà không cần vôi vữa. Để cho những viên gạch có thể đứng với nhau theo một chiều cao dựng đứng theo thời gian lâu như vậy, những người xây dựng tháp đã sáng tạo nên phương pháp lắp ghép khá độc đáo. Các viên gạch được chế tác có mấu và có gờ chỉ để giữ lấy nhau, đó là phương pháp xây gạch khẩu ở chân bệ. Còn có cách khác là mỗi viên gạch có một lỗ hình thang, hai viên gạch xếp sát nhau, tạo thành một mộng cá và người ta đổ chì vào mộng cá đó để giữ hai viên gạch với nhau, đó là phương pháp xây bằng cá chì dùng để dựng chân tháp. Đây là một nghệ thuật xây dựng khá độc đáo, thể hiện sự tài hoa và trình độ đạt đến độ tinh xảo của người xưa. Trên tháp Bình Sơn, người ta trạm trổ rất nhiều những hình ảnh của những cánh sen, và dưới những cánh sen là những hình ảnh của những sóng nước lăn tăn. Vì vậy tháp Bình Sơn được coi như bông hoa sen khổng lồ nở trong ao thất bảo của Phật giáo. Hoa sen luôn là hình ảnh biểu tượng của Phật giáo, mang trong mình sự thuần khiết và sinh hóa hồn nhiên, chứa đựng đầy đủ các triết lý của Phật giáo về đời người.
Hoa văn trên đế tháp
Kế thừa nghệ thuật di sản từ thời Lý, nghệ thuật kiến trúc thời Trần đã phát triển theo một con đường riêng, tạo ra một thời kỳ rực rỡ nữa của phật giáo. Khác với sự tinh vi, chau chuốt của thời Lý, phong cách nghệ thuật của giai đoạn này đơn giản, khỏe khoẳn như muốn thoát khỏi nghi lễ, thể hiện trong từng đường nét trạm trổ, kiến trúc hình dáng chắc khỏe, đề tài gẫn gũi với người dân và mang tính hiện thực cao hơn; trong đó tháp Bình Sơn là một ví dụ tiêu biểu. Tháp như nét nối giữa trời và đất, để từ đó những điều cầu nguyện về sự tốt đẹp của con người sẽ đến được với đức Phật dễ dàng hơn. Với những giá trị về lịch sử kiến trúc nghệ thuật, tháp Bình Sơn có thể coi là biểu tượng vững bền của dân tộc trước những biến động của lịch sử và tự nhiên. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, ngọn tháp nay vẫn sừng sững giữa trời xanh./.
ST