Người dân yêu cầu Formosa khắc phục sự cố môi trường biển, để họ quay trở lại nghề do cha ông để lại.
Mong muốn của ngư dân miền Trung là biển
được trở lại như trước để ra khơi mưu sinh
Sau khi Formosa cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung, cũng như xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển, người dân cho rằng, họ không chấp nhận ngồi trên bờ để ăn, hưởng đền bù.
Không đi biển, ngư dân đi làm thuê
Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh - Quảng Trị cho biết, từ khi xảy ra sự cố môi trường, đời sống bà con địa phương vô cùng khó khăn. Do đa số hành nghề đi biển, nên khi bị “treo thuyền”, việc giải quyết vấn đề mưu sinh cho bà con là rất cấp thiết.
Ông Nguyễn Xuân Trường nói: “Bây giờ hải sản không đánh bắt được, không ai tiêu thụ, cho nên việc chuyển đổi trước mắt để ổn định cuộc sống là rất cần thiết. Địa phương tôi hiện chỉ còn khoảng 10% số ngư dân đi biển so với trước. Vĩnh Thái có 32 thuyền, giờ hoạt động thường xuyên chỉ còn 3 – 4 thuyền. Năng suất lại rất kém, giá 1kg cá trước đây bán 70.000 - 80.000 đồng thì nay chỉ được 20.000 - 25.000 đồng, nhưng sức mua rất ít”.
“Trên xã cũng có nói đến chuyện chuyển đổi nghề, nhưng chưa có tình huống hay mô hình cụ thể như: đóng tàu đánh bắt xa bờ như thế nào; cho vay bao nhiêu, lãi suất, các chế độ vay ưu tiên cũng chưa có; chưa có mô hình nông nghiệp nuôi trồng cây con gì được đưa ra. Tất cả đều chưa cụ thể” - ông Nguyễn Xuân Trường bày tỏ sự lo lắng.
Nói về chuyển đổi sang làm nông nghiệp, theo ông Trường, đất Vĩnh Linh toàn cát trắng, bạc màu, trồng cây lâu năm không được mà chỉ phù hợp với những loại cây nông nghiệp ngắn ngày như ném, lạc. Tuy nhiên, cần đầu tư đồng bộ về hệ thống nước tưới, phân bón, khai hoang tăng diện tích… thì những loại cây này mới đem lại thu nhập cho bà con, tất nhiên không bằng hải sản, nhưng cũng có thể đạt 50%. Trong 7 thôn của xã Vĩnh Thái, có 1 thôn không làm nghề khai thác hải sản mà làm nông nghiệp, cho kinh tế ổn định.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Trường khẳng định, mặc dù chính sách hỗ trợ tới đây như thế nào chăng nữa, thì bà con vẫn mong muốn có nghề để ổn định cuộc sống. Bên cạnh việc chuyển đổi một phần nghề nghiệp, người dân đề nghị Formosa khắc phục sự cố môi trường để họ quay trở lại nghề biển do cha ông để lại. Bởi trên thực tế, trông chờ các loại cây nông nghiệp là rất khó khăn.
“Không đi biển được, người dân quê tôi xin hộ chiếu để sang Lào làm phụ hồ. Nhiều người rủ nhau đi ra Hải Phòng hay vào Nam làm thuê kiếm sống, bởi có đến 90% ngư dân phải nằm bờ. Ước mơ của họ vẫn là hành nghề biển trên chính ngư trường truyền thống của mình” - ông Thái chia sẻ.
Hỗ trợ bà con như thế nào?
Ông Trương Thanh Bình, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Đồng Hới – tỉnh Quảng Bình cũng khẳng định, ảnh hưởng từ vụ cá chết ở 4 tỉnh miền Trung là hết sức nặng nề tới đời sống, sản xuất, tư tưởng của ngư dân, khiến bà con rất hoang mang.
Riêng TP Đồng Hới có 2 nghiệp đoàn với gần 500 đoàn viên, sau khi sự cố xảy ra đã tác động rất lớn đến đời sống của bà con, bởi cuộc sống của họ phụ thuộc vào nghề biển, thậm chí một lao động đi biển nuôi sống cả gia đình.
Về vấn đề đền bù, theo ông Trương Thanh Bình, trước hết phải rà soát, nắm bắt thiệt hại thực tế của bà con thông qua việc kê khai, sau đó báo cáo lên cơ quan chức năng. Tuy nhiên phải có hướng dẫn cách thức để bà con kiểm kê, đánh giá tài sản bị thiệt hại liên quan, từ đó có sự hỗ trợ kịp thời để bà con yên tâm chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống. Các nghiệp đoàn nghề cá cũng đề nghị kịp thời có các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường biển, hiện đang ảnh hưởng đến đời sống bà con.
Về giải pháp hỗ trợ trước mắt, ông Trương Thanh Bình cho biết cần kịp thời hỗ trợ lương thực cho bà con trong thời gian chuyển đổi nghề. Nên chuyển đổi cho bà con nghề phù hợp, bởi họ không thể dựa vào vật chất đó để sống mãi được, mà cần nghề nghiệp ổn định để mưu sinh.
Bà con muốn sống chết với biển
Ông Văn Lợi, Chủ tịch Hội Di sản Quảng Bình thừa nhận, chúng ta đưa ra một số chính sách như chuyển đổi nghề nghiệp, tạo điều kiện cho ngư dân sống được, chuyển đánh bắt xa bờ… Như vậy đã thừa nhận biển đã không còn giá trị gì trong lòng nó nữa. Vì vậy, giá trị di sản biển các tỉnh miền Trung đã bị hủy hoại rất nghiêm trọng.
Ông Văn Lợi nhấn mạnh: “Ngư dân sống bằng biển, chỉ hỗ trợ, trợ cấp một số mặt khác; còn họ “sinh nghề tử nghiệp”, sống chết với biển. Bây giờ, người dân ngồi trên bờ để ăn, hưởng đền bù. Ngư dân mong muốn dù bám biển, dù có nghèo, có khổ, có chết trên biển thì vẫn cam nhận”!
Chủ tịch Hội CCB xã Vĩnh Thái - Vĩnh Linh, ông Nguyễn Xuân Trường cũng khẳng định, khai thác hải sản là nghề gắn bó với bà con bao đời nay. Nguyện vọng của bà con là quay trở về truyền thống; môi trường biển được trong sạch trở lại; sức tiêu thụ hải sản, tuy không bằng trước nhưng ổn định, để ngư dân lại phấn khởi dong thuyền ra khơi./.
Theo Lại Thìn/VOV.VN