Cập nhật: 04/07/2016 09:02:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Miếu Đậu thuộc địa phận làng Đậu xã Định Trung – thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc nằm trên khuôn viên rộng gần 8000m2. Miếu Đậu đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, thành phố vào năm 2003.

Lễ hội rước kiệu (ảnh nguồn: Internet)

Ngôi miếu được 5 làng thuộc xã Định Trung là làng Khâu, làng Đậu, làng Tiếc, làng Hạ và làng Sậu thờ phụng. Miếu dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII) và lần trùng tu lớn vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Đây là nơi thờ Thất vị Lỗ Đinh Sơn là: Lỗ Văn Cường, Lỗ Văn Dũng, Lỗ Văn Mẫn, Lỗ Văn Dực, Lỗ Văn Vũ, Lỗ Văn Đài và Lỗ Thị Bảy đã có công giúp vua nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông vào năm 1258 giữ yên bờ cõi. Miếu được xây theo kiểu chữ “Công” với những hạng mục công trình như tòa tiền tế, ống muống, hậu cung, khám thờ thần. Các hạng mục của miếu Đậu được dựng bằng nhiều loại gỗ tốt nên theo thời gian vẫn không bị mai một. Hiện vật trong miếu còn lại ít nhưng rất có giá trị về nghiên cứu lịch sử như: Án gian đục trạm hết sức tinh tế điêu luyện, sơn then, sơn son và thếp vàng hài hòa dài 1,41m, rộng 0,88m, cao 1,35m được tạo dựng từ thời Nguyễn; 1 ngai thờ, 1 lộng mũ sơn son thếp vàng vẽ hình tứ linh, 1 mâm bồng hình bầu dục và 3 chiêng đồng đều được làm từ thời Nguyễn.

Hàng năm, tại miếu Đậu diễn ra 4 kỳ tiệc lệ tất cả đều theo âm lịch: Ngày 3 tháng Giêng là tiệc khao quân, ngày 11 tháng Giêng giỗ bảy vị đại vương, ngày mùng 2 tháng Hai là tiệc mừng công, ngày 17 tháng Bảy là tiệc giỗ thân phụ của 7 vị đại vương (tức ông Lỗ Trọng). Ngày quan trọng nhất, cũng là ngày tiệc chính của miếu là ngày giỗ 7 vị đại vương, tức ngày 11 tháng Giêng hàng năm; đây vừa là ngày giỗ, vừa là ngày hội của 5 làng có miếu chung. Để chuẩn bị cho ngày hội, nhân dân 5 làng đã chuẩn bị rất chu đáo từ các đội rước kiệu, đến lễ vật tế, người tế lễ, văn  nghệ, dụng cụ trò chơi….

Theo truyền thống, ngày mùng 3 tháng Giêng, các bô lão trong làng tổ chức tiệc rượu trong miếu với các nghi thức khao quân như giết 7 gà, mổ 7 lợn, kéo cơm (thi thổi cơm). Các lễ vật sau khi được mổ chia làm 3 mâm, hai mâm đem dâng lên Thất vị, còn 1 mâm đem dâng lên miếu Tướng (thờ Lỗ Thị Bảy) ở cách 800m. Sau khi đã thực hiện đầy đủ các nghi thức, tất cả các lễ vật đều được mang ra để làm tiệc và các bô lão trong làng cùng hưởng thụ. Vừa thưởng thức vừa kể lại những huyền tích của các vị đại vương và họp bàn công tác chuẩn bị cho ngày 11.

Ngày 11 tháng Giêng, ngày lễ quan trọng trong năm của miếu, ngày rước kiệu truyền thống của 5 làng có miếu chung. Theo họp bàn trước mà thời gian rước kiệu có thể thay đổi trong khoảng thời gian từ 14h  đến 16h chiều ngày 11. Nghi lễ rước kiệu rất trang trọng, vì vậy dân làng phải chuẩn bị thật chu đáo. Kiệu được rước từ miếu Tướng ra miếu Đậu nghĩa là rước bà Lỗ Thị Bảy về hội với các vị đại vương để dân làng tổ chức giỗ chung. Tráng đinh rước kiệu được tuyển chọn kỹ lưỡng trong 5 làng. Đoạn đường rước kiệu khoảng 800m, vừa rước vừa có đoàn kỹ nghệ múa hát, hầu kiệu. Sau khi rước kiệu từ miếu Tướng về đến miếu Đậu là bắt đầu nghi tức tế lễ và dâng hương trang nghiêm. Đội tế lễ gồm 11 người là những người có độ tuổi từ 40 trở lên có uy tín trong làng, gia đình không có tang, trong sạch, vợ chồng sống hạnh phúc. Sau nghi lễ dâng hương là văn nghệ rất thú vị. Lễ hội còn kéo dài sang tận ngày hôm sau với các trò chơi kéo co, đấu vật, đánh đu, múa hát…

 Đến với miếu Đậu trong những ngày đầu xuân thì mới thực sự cảm nhận được không khí lễ hội nơi đây, điều đặc biệt trong lễ hội miếu Đậu ở chỗ tất cả các lễ vật đều là món sống, thịt lợn không cạo lông, lông gà làm sơ qua như mô phỏng tích chuyện về tiệc khao quân làm vội để còn gấp rút chiến đấu. Lễ hội miếu Đậu góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của thành phố Vĩnh Yên nói riêng và Vĩnh Phúc nói chung./.

ST

Tệp đính kèm