Cập nhật: 06/07/2016 14:47:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ở nơi địa đầu của Tổ quốc, Hà Giang nơi vẫn đang còn giữ được rất nhiều đặc sắc trong phong tục cưới của người Lô Lô dù cho cuộc sống hiện nay đã có nhiều thay đổi.


1. Khái quát về người Lô Lô

Theo nhiều ghi chép để lại thì người dân tộc Lô Lô có mặt ở Việt Nam khoảng 500 năm về trước và họ tập trung sinh sống ở vùng cực bắc của Hà Giang. Hiện nay dân số của họ vào khoảng 3000 người, là một trong những dân tộc ít người nhất của Tổ quốc.

Họ còn có nhiều tên gọi khác nhau như Mùn Di, La La, Ô Man, Lu Lộc Màn, Màn Di…cũng như những dân tộc thiểu số khác họ trồng lúa trên các ruộng bậc thang, trồng ngô trên nương rẫy. Người Lô Lô cũng đẩy mạnh việc chăn nuôi để phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Phụ nữ người Lô Lô thì chủ yếu là may vá, thêu thùa tạo ra những bộ trang phục truyền thống của họ.

Nét đặc sắc trong phong tục cưới của người Lô Lô ở Hà Giang

Và bất kì với dân tộc nào cũng vậy họ đều có những văn hóa, những phong tục văn hóa độc đáo, mang nét riêng đặc trưng. Người Lô Lô cũng thế, việc cưới hỏi với họ là một sự kiện vô cùng trọng đại.

2. Nét độc đáo trong ngày cưới của người Lô Lô


Theo như những tập tục từ xa xưa của người Lô Lô thì trong đám cưới nhà trai phải nhờ bốn người làm mối gồm có hai nam và hai nữ. Họ cho rằng nếu người làm mối của họ là 2 cặp vợ chồng thì cuộc sống hôn nhân sau này sẽ gặp được nhiều may mắn và hạnh phúc hơn.

Sau khi hai bên đã thống nhất chọn được ngày lành tháng tốt thì người làm mối của nhà trai phải mang 2 chai rượu và lễ vật đến nhà gái để dạm hỏi. Nhà gái đồng ý thì bên nhà trai sẽ làm cỗ và ấn định ngày cưới. Bên nhà gái được quyền thách cưới và nó thường là gạo tẻ, gạo nếp, thịt lợn, rượu ngoài ra còn có thể yêu cầu thêm như áo, váy, trang sức cho cô dâu.

Một điểm rất khác đó là người Lô Lô không đưa lễ vật cho cha mẹ của cô dâu mà lại đưa cho ông cậu, bởi ông cậu trong xã hội người Lô Lô rất được coi trọng, ông là người quyết định việc hôn nhân, người có quyền phân chia tài sản trong gia đình.

Sau khi làm các thủ tục như cúng tổ tiên và mở tiệc mời bà con họ hàng đến chung vui, nhà trai sẽ dẫn lễ cưới đến trước hôm đón dâu và ngày đón dâu thường là ngày chẵn với mong muốn cho đôi vợ chồng sống lâu mà không bị lẻ loi. Tối hôm rước dâu nhà gái sẽ tổ chức hát thâu đêm để chúc mừng cho hạnh phúc của cô dâu và chú rể.

Sáng hôm sau nhà trai sang rước dâu về sau khi ăn cơm nước ở nhà xong, chú rể cùng phù rể vào bái lạy tổ tiên, hành lễ với bố mẹ, ông cậu và quan khách, cô dâu được ông cậu đưa ra giao cho chú rể, nhà gái cả gia đình đều khóc để thể hiện sự lưu luyến với cô dâu. Bắt đầu đưa về nhà trai dẫn đầu là bốn người làm mối, những nghi thức đón con dâu ở bên nhà trai cũng giống nhà gái, họ cũng hát từng bừng suốt đêm để chúc phúc cho cặp vợ chồng.

Khi bước vào nhà chồng, bố mẹ chồng phải lánh mặt đi để tránh làm át vía của con dâu mà theo phong tục như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sau này của cô gái. Sau đó nhà gái sẽ đưa hồi môn đến cho nhà trai. Ngày cưới của họ được diễn ra trong 3 ngày do đó gia đình nhà trai phải chuẩn bị trước cả tháng. Sau 3 ngày cưới thì cô dâu chú rể trở về thăm nhà bố mẹ vợ, có thể ở lại đó vài ngày rồi về nhà trai ở hẳn.

Điều đặc biệt hơn đó chính là người Lô Lô không chấp nhận bất kì một hành vi ngoại tình hay ly hôn nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nghiêm khắc, qua đó họ rất khi ly hôn và đời sống vợ chồng của người Lô Lô rất bền vững.

ST

Tệp đính kèm