Du khách vượt qua chợ Phúc Yên, dọc theo đường Trưng Nhị, tới ngã ba, rẽ sang tay trái thì đến phố chùa Cấm. Đi thêm chút nữa, du khách nhìn sang phía bên phải sẽ thấy một khu học đường rộng lớn, đó là Trường phổ thông cơ sở và phổ thông trung học Hai Bà Trưng, thuộc phường Trưng Nhị. Đi lên 50m nữa, vẫn ở phía tay phải, cổng chùa Cấm nguy nga đồ sộ đã hiện lên trước mắt.
Cổng có hai tầng mái cong, kiến trúc kiểu truyền thống, lối vào xây tò vò. Trên trán cổng có 4 chữ:
“Nhập phương tiện môn”.
Nghĩa là:
“Theo phương hướng và nhân việc tiện lợi mà vào cổng”.
Trên các trụ phương đăng đều khắc câu đối. Câu thứ nhất:
“Tự cổ Báo ân bảo sát kỳ lam tiêu thắng tích
Thời tân Tháp Miếu vân hoa tuệ chúc lãng hôn cù”.
Nghĩa là:
“Chùa Báo ân xưa có tháp báu, vốn là nơi danh lam cảnh đẹp
Đến nay lối vào Tháp Miếu có hoa tươi đuốc sáng soi đường”.
Câu thứ hai:
“Tản Lĩnh phù vân khuy sắc tướng
Tiêu Dao minh nguyệt chiếu thiền tâm”.
Nghĩa là:
“Mây nổi trên núi Tản Viên tỏ rõ diện mạo
Trắng sáng ở đồi Tiêu Dao soi thấu lòng thiền”.
Câu thứ ba:
“Vạn cổ Báo ân truyền tịnh địa
ức niên Vĩnh Phúc biệt danh lam”.
Nghĩa là:
“Muôn đời chùa Báo ân vẫn là nơi đất phật
Nghìn thuở tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt có danh lam”
Phía trong cổng, trên trán có 4 chữ:
Từ Bi Hỷ Xả
Nghĩa là:
Hiền lành thương xót, mừng vui trút bỏ (ưu phiền).
Và một đôi câu đối:
“Phật pháp diệu huyền vô lượng, vô biên, vô lậu chúng.
Thiền môn trạm tịch đại bi, đại nguyện, đại từ tôn”.
Nghĩa là:
“Phép của phật rất huyền diệu, không đong đếm, không hạn định, không bỏ sót chúng sinh.
Nơi cửa phật thật vắng lặng, thương yêu nhiều, mong ước nhiều, hiền từ kính trọng nhiều”.
Kề ngay bên trái cổng, có gia đình cụ Sao Lâu. Cụ ông sinh năm Giáp Tuất (1934), vốn là cựu chiến binh, sẵn sàng tiếp đón những ai muốn gửi xe, để đi bộ lên dốc, theo đường bê tông uốn vòng mà vãn cảnh chùa.
Qua một sân rộng lát gạch, rẽ tay trái, lại một con đường bê tông dẫn du khách xuống cổng chùa thứ hai. Cổng này chỉ mở vào những ngày tuần tiết, có 3 tầng mái cong, tầng 2 treo một quả chuông đồng nặng 2 tạ 90 cân, có khắc chữ: “Báo ân Tự Chung” và ghi xuất xứ:
Việt Nam quốc, Vĩnh Phúc tỉnh
Phúc An thị xã, Trưng Nhị phường,
Chùa Cấm phố, Báo ân tự.
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Tuế thứ Mậu Tý niên, Trọng đông,
Thập nhất nguyệt, cốc nhật tạo (24/11/2008).
Cùng một chiếc khánh đồng, nặng khoảng 60 kg, khắc 4 chữ “Báo ân Tự Khánh” cả hai mặt và ghi rõ xuất xứ:
Việt Nam quốc, Vĩnh Phúc tỉnh, Phúc An thị
Tuế thứ Mậu Tý niên, mạnh đông nguyệt.
Cổng kiến trúc tam quan, hình hộp, có 25 bậc thang xây bên trái để lên gác chuông. Bên ngoài thiết kế bức cuốn thư, đề 4 chữ:
Cực lạc thế giới
Nghĩa là: Nơi có cuộc sống vui nhất.
Phía trong có 6 chữ chia làm 2 bên.
Bên phải ghi:
Thiên thiền trấn.
Bên trái ghi:
Địa bảo Hưng.
ở các cột phương đăng khác đều khắc câu đối:
Câu thứ nhất:
Tính hải thậm thâm pháp vũ từ phong quan tự tại
Không môn tối quảng tường vân tuệ nhật hiện Như Lai.
Nghĩa là:
Biển có tên, rất sâu, mưa phật, gió lành, xem chùa dựng
Cửa của chùa, thật rộng, mây đẹp, ngày quang, hiện Như Lai.
Câu thứ hai:
Kim chung chấn động Tây Thiên lục đạo tam đồ câu giải thoát
Ngọc khánh dịch truyền Nam chiêm tứ sinh thập loại cộng siêu thăng.
Nghĩa là:
Tiếng chuông vàng vọng tới trời Tây, 6 đường, 3 lối đều cởi bỏ
Tiếng khánh ngọc truyền vào cõi Nam, 4 sinh, 10 loại cùng rũ sạch.
Đứng trên lầu chuông nhìn xuống, bên kia đường có 3 ngôi cổ tháp cao to dựng trong khu đất rộng chừng 3 ha.
Câu thứ ba:
Mộ cổ thần chung hoán tỉnh trần trung danh lợi khách
Kinh thanh phật hiệu cứu hồi khổ hải mộng mê nhân.
Nghĩa là:
Chiều trống, sớm chuông, gọi khách danh lợi tỉnh giấc.
Tiếng kinh, dấu phật, cứu người mơ mộng khỏi sầu.
Trở lại sân chùa chính, tay phải là Nhà tổ và Tam bảo, tay trái có lầu tứ giác đặt tấm bia cổ “Báo ân thiền tự bi ký”, khắc vào tháng Chạp, năm trị Bình Long ứng thứ 5 (1209) đời vua Lý Cao Tông. Hai bên cột có đôi câu đối:
Bách thế bất thiên công đức hậu
Thiên niên phỉ chuyển thạch minh danh.
Nghĩa là:
Muôn đời không thể quên được công đức sâu dày như thế
Ngàn năm chẳng lẽ mờ đi tên khắc trên bia.
Qua nhà bia thì đến giảng đường, nơi các vị Thượng toạ hoặc Đại đức thuyết pháp, tổ chức khoá học cho tăng ni và các đạo tràng. Bục giảng làm như sân khấu, chiều ngang 6,8m, chiều dọc 3,2m. Diện tích mặt bằng giảng đường khoảng 132m2 chia làm 6 gian, kê được 3 dãy bàn ghế, chứa được 200 học viên. Phía trên hội trường có 4 chữ:
“Đại phật tuyên dương”.
Nghĩa là:
Thay lời phật mà khen ngợi.
Đầu đốc phía trước, choán cả mảng tường là bức phù điêu khắc hoạ cảnh “Phật ngồi thiền”. Đầu đốc phía sau cũng là một bức phù điêu rộng lớn, khắc hoạ cảnh “Phật tĩnh ngoạ”. Phần trán 2 bên tường, trên cửa sổ và cửa ra vào, mỗi bên có tới 6 bức hoạ, chia cho 6 gian nhà, vẽ các cảnh sinh hoạt của phật và chúng tăng, màu sắc rực rỡ.
Đầu sân kê một số bàn ghế hình thể như những tấm ván đóng vào những khúc cành cây, bằng vật liệu xi măng giả gỗ, dùng làm nơi ngồi nghỉ cho khách du ngoạn.
Bên phải sân là Nhà Tổ rồi đến Tam Bảo, tức là chùa chính. Chùa có 5 gian, thiết kế hình chuôi vồ, có 20 cột xi măng giả gỗ, cao khoảng 5 đến 6m. Giữa cửa Tam Bảo, trên treo bức hoành ghi 3 chữ “Thánh Tháp Tự”, phía trong, mỗi gian, trên treo một bức hoành, lần lượt đọc thấy:
“Thần công mạc trắc”.
Nghĩa là: Công lao của thần không đo được.
“Quần sinh phổ lợi”.
Nghĩa là: Mọi người đều được lợi ích.
“Thể vật bất di”.
Nghĩa là: Thể vật không dời đổi.
“Báo ân thiền tự”.
Nghĩa là: Chùa phật trả ơn.
“Thánh đức nan lượng”.
Nghĩa là: ơn thánh khó đong đếm”.
Chính giữa Tam Bảo nhìn lên, có 3 chữ:
“Tam giới đại sư”.
Nghĩa là:
Bậc thầy lớn lao của 3 giới.
Hoành phi ở phía trong có 4 chữ:
“Phúc đức trang nghiêm”.
Dịch nghĩa cũng như vậy.
Trong cùng, bức hoành treo trên tượng Tam thế có 4 chữ:
“Phổ hoá quần sinh”.
Nghĩa là:
Làm cho mọi người hiểu cái thiện và làm theo được.
Trong chùa có rất nhiều câu đối, xin tạm ghi 3 đôi:
Đôi thứ nhất:
Quảng diễn chu dung hoá độ chúng sinh vô lương, vô biến, vô số kiếp.
Đức tu phổ hiện tuỳ cơ thuyết pháp đại hùng, đại lực, đại từ bi.
Nghĩa là:
Rộng lòng giảng giải mà hoá độ cho mọi người, không tính đếm, không hạn định, không kiếp sống.
Dùng đức thể hiện tuỳ lúc mà giảng giải cái mạnh mẽ nhất, uy lực nhất, hiền lành thương xót nhất.
Đôi câu đối thứ hai:
Long vũ hoá thiện ác phân minh danh xưng thập bát.
Thần công vận tử sinh hiển ứng chủ tể vạn phương.
Nghĩa là:
Tỏ uy rồng phân rõ lành dữ, gọi tên mười tám
Chuyển sức thần đáp tỏ sống chết, đứng đầu muôn phương.
Đôi câu đối thứ ba:
Khuyến chúng sinh tòng thủ hoá thiện duyên sái chiêm cam lộ
Xưng đại thánh kỷ thời hiện chân tướng kết tập kinh văn.
Nghĩa là:
Khuyên bảo mọi người ngay từ đầu là duyên may tắm gội nước cam lồ.
Gọi bậc thánh thiêng đã bao lâu, thể hiện được việc hiểu thấu kinh văn.
Ngoài tiền sảnh, đầu đốc trái có tượng Địa tạng vương bồ tát.
Gian trái có tượng Đức thánh hiền A Nan Đà tôn giả.
Gian giữa, 3 tầng, trên cùng là tượng Tam thế: quá khứ, hiện tại và vị lai. Bậc dưới có tượng Di đà tam tôn: Thích ca, Văn thù bồ tát và Phổ hiền bồ tát. Bậc dưới nữa là tượng Như Lai, rồi đến toà Cửu Long, tượng Thích ca sơ sinh. Dưới có án thờ, hai bên có dàn Lỗ bộ rất uy nghi. Ngoài cùng lại đặt một án thờ nữa.
Gian phải có tượng Đức chúa ông tức là Thổ Địa. Lối đi 2 bên Tam Bảo vào trong cùng, kê 2 tủ sách và vài pho tượng Bồ tát, kim cương cỡ nhỏ.
Ngày thường, tất cả các cánh cửa ở tiền sảnh đều đóng, muốn lên chùa, các tín chủ phải đi vào lối đầu đốc chùa. Nơi đây lập thành chỗ thường trực của Ban bản tự đón tiếp khách thập phương.
Chùa có từ thời Lý, đầu tiên gọi là chùa Tiêu Sơn. Đến khi Hồng Nương, vợ vua Trần Anh Tông tới trụ trì, thì đổi tên là chùa Cực Lạc. Sau đó, công chúa Hưng Nương đến tu hành với tâm niệm trả nghĩa mẹ (Hồng Nương), mới đặt tên chùa là Báo ân. Vì là nơi công chúa trụ trì cùng với các ni sư, nên cảnh chùa lúc nào cũng uy nghiêm với không khí thanh tịnh, dân gian gọi là chùa Cấm, tức là cấm bọn phàm phu tục tử không được vãng lai tới, để cho các nàng yên tâm tụng kinh niệm phật, ngồi thiền.
Chùa Báo ân vì thế còn gọi là chùa Cấm, toạ lạc trên đỉnh núi Tiêu Giao, cao khoảng 10m đo từ dưới chân đồi. Xưa núi Tiêu Giao thuộc bộ Vũ Ninh, nước Văn Lang, nay là phường Trưng Nhị, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Lúc đầu, chùa chỉ có 3 gian nhỏ, tên là Tiêu sơn tự. Đời vua Lý Cao Tông (1176-1210) trùng tu lại và khắc bia. Đời vua Trần Anh Tông (1293-1313) khởi tạo lại với quy mô lớn hơn, trên cả một quả núi ước tính đến mấy chục ha.
Năm 1951, thực dân Pháp chọn địa điểm xây bốt, khống chế cả một vùng địa đầu trung du, lập Thành Đỏ án ngữ Quốc lộ 2. Chùa phải tạm chuyển vào làng Tháp Miếu.
Năm 1987, sư cụ Thích Đàm Mỹ từ chùa Ninh Cẩm, huyện Sóc Sơn Hà Nội chuyển lên trụ trì, tiến hành hưng công.
Năm 1995, chùa được nhà nước công nhận di tích lịch sử - văn hoá. Hiện vật nhà chùa còn giữ được:
- Một bia đá khắc năm 1209.
- Một bia đá khắc năm 1710.
- Một chuông đồng đúc năm 1799. Nay trên gác chuông có quả chuông mới đúc năm Mậu Tý 2008 cùng một chiếc khánh đồng tân tạo.
- Một quyển ngọc phả.
- Một số sắc phong thời Nguyễn, khoảng năm 1924.
Năm 1995, sư cụ Thích Đàm Mỹ tuổi già, sức yếu, chuyển giao cho thầy Thích Thanh Hùng ở chùa Vẽ, Từ Liêm, Hà Nội lên trông coi bản cảnh. Lúc này chùa xây thêm hậu cung Tam Bảo, nhà mẫu, nhà trù soạn, mở đường, san sân. Chùa Cấm có nhiều sân rộng, dàn hoa, và bàn ghế giả gỗ bày ngoài trời, làm chỗ toạ đàm cho khách vãng lai. Cây cối dựng cảnh xanh tươi, nào cau, nào xoài, nào mít, dược thảo, cây thế và cây lấy gỗ, tạo nên một không gian thoáng đãng và thanh tịnh.
Năm 2003 Đại đức Thích Vĩnh Trường được cử về chăm sóc sư cụ Thích Đàm Mỹ và chăm lo Tam Bảo.
Tháng 8/2003, trùng tu lại Tam Bảo, tu lý tượng pháp và tự khí.
Tháng 3/2004, đại trùng tu phủ thờ Mẫu, thờ đức Thánh Bà.
Tháng 2/2006 dựng bia công đức, khởi tạo động sơn trang.
Tháng 6/2006, khởi công đổ bê tông các con đường từ 2 cổng lớn vào chùa, lát các sân, xây cổng và Tam quan.
Tháng 8/2006, sư cụ Thích Đàm Mỹ viên tịch. Đại đức Thích Vĩnh Trường kế tục trụ trì.
Chùa Cấm là một di tích lịch sử văn hoá lâu đời nhất của tỉnh Vĩnh Phúc, kiến trúc hoành tráng, nghi lễ trang nghiêm, tổ chức có kỷ cương, góp phần giáo hoá chúng sinh trừ tai, diệt ác, tìm đến chân thiện mỹ.
Chùa Cấm còn là một địa điểm du lịch rất thuận lợi về mặt sinh thái, tâm linh, thổ nhưỡng và thiết chế. Chùa Cấm nằm ngay trong làng Tháp Miếu, giữa phố Chùa Cấm, gần chợ búa, hiệu buôn, nhưng lại xa lánh phàm tục. Đường giao thông thuận lợi mà lại gần, đứng ở địa đầu tỉnh Vĩnh Phúc. Đến chùa Cấm, du khách còn hiểu thêm về thị xã Phúc Yên, từ một tỉnh nhỏ trung du nay trở thành một thị xã phồn vinh, hiện đại, giàu tiềm lực, chắc chắn còn ngày càng phồn thịnh hơn.
ST