Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, huyện Vĩnh Tường luôn quan tâm tới công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, thực hiện tốt công tác xã hội hóa, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân trong việc bảo tồn các di sản văn hóa và đạt được những kết quả tích cực, góp phần “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII).
Là vùng đất cổ thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng, vùng chuyển tiếp văn hoá Hùng Vương xuống văn hoá Kinh Bắc - Thăng Long, Vĩnh Tường có nền văn hóa lâu đời và phong phú với hệ thống di sản văn hóa đa dạng, đặc sắc gồm các di tích lịch sử, lễ hội, trò chơi dân gian, các thể loại văn nghệ dân gian…Hiện nay, trên địa bàn huyện có 239 di tích, trong đó, có 18 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 49 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Nhiều di tích lịch sử tiêu biểu như: Đình Thổ Tang, Đền Đá Phú Đa, Chùa Hoa Dương... Các di tích không chỉ có phong cách của kiến trúc truyền thống, bề dày lịch sử hay cảnh quan thiên nhiên đẹp mà còn mang trong mình cả một hệ thống cổ vật, di vật và các giá trị di sản văn hoá phi vật thể quý giá. Tồn tại cùng các di tích lịch sử là kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú bao gồm những lễ hội đặc sắc, ẩm thực, nghệ thuật dân gian, luật tục, tập quán, kỵ hèm có thể thành văn hay bất thành văn, được lưu truyền từ đời này qua đời khác để các thành viên trong cộng đồng làng xã thực hiện.
Theo số liệu điều tra, toàn huyện có 67 lễ hội, 148 lễ tiệc chính và 209 lễ tiệc khác. Quy mô tổ chức thường theo làng nhưng có những lễ hội tổ chức với quy mô nhiều làng hoặc mang tính vùng miền như: Tiệc 18 xã ở Thượng Trưng (thờ Lý Nhã Lang Vương); lễ hội Đền Ngự Dội (thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh); lễ hội làng Tứ Trưng (4 làng Trưng)…Gắn liền với các lễ hội truyền thống là các trò chơi, trò diễn dân gian; các thể loại của văn nghệ dân gian như: Tục ngữ, ca dao, vè, các làn điệu dân ca, các hình thức diễn xướng, hát chèo, hát xoan, các truyền thuyết, truyện kể về vùng đất, con người, về các nhân vật cổ tích và lịch sử, về các đề tài dân gian, các sáng tác khuyết danh... chủ yếu phản ánh các hoạt động của lao động sản xuất, chiến đấu, đời sống tinh thần của cư dân nông nghiệp, các kinh nghiệm sản xuất được đúc truyền qua các thế hệ.
Với kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng, những năm qua, huyện Vĩnh Tường riển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Để bảo tồn các di tích, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích được chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm, thực hiện theo đúng trình tự và quy định của Luật Di sản. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, công tác xã hội hóa trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích được huyện chú trọng đẩy mạnh, thu hút được số lượng lớn sự đóng góp về tài sản và ngày công lao động của nhân dân. Tính từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn huyện có 46 di tích được tu bổ, tôn tạo, phục hồi với số vốn đầu tư trên 165 tỷ đồng. Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Vũ Băng, thôn Hòa Lạc, xã Tân Cương công đức trên 20 tỷ đồng để xây Chùa Thiên Phúc; nhân dân thôn Dẫn Tự và người địa phương xa quê công đức trên 1 tỷ đồng xây dựng Chùa Bảo Quang ra vị trí mới… Để bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích, ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có quyết định thành lập Ban Quản lý di tích cấp xã do lãnh đạo UBND xã, thị trấn làm Trưởng ban cùng các ngành, đoàn thể liên quan làm thành viên. Ngoài ra, ở các di tích đều thành lập được Tiểu Ban Quản lý di tích gồm từ 5 đến 7 thành viên làm nhiệm vụ trông coi, đèn nhang.
Đi đôi với bảo tồn các di tích lịch sử, việc gìn giữ và phát huy các giá trị di sản phi vật thể được quan tâm thường xuyên. Huyện Vĩnh Tường phối hợp với Ban Quản lý di tích tỉnh tổ chức rà soát, thống kê hiện trạng các loại hình di sản văn hoá phi vật thể tại 29/29 xã, thị trấn, lập hồ sơ khoa học và đề nghị với các cơ quan chuyên ngành phục dựng, phát huy những giá trị văn hoá gồm các lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của địa phương… Hàng năm, các cấp, ngành tổ chức nhiều loại hình hoạt động văn hóa nhằm khơi dậy, thu hút các nghệ nhân, diễn viên và các đội văn hóa, văn nghệ ở cơ sở tham gia. Huyện còn quan tâm, tạo điều kiện để các câu lạc bộ văn nghệ, nhất là loại hình văn nghệ truyền thống phát triển. Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn huyện còn được lưu giữ, bảo tồn và phát huy nhiều thể loại văn nghệ truyền thống tại các địa phương như: Hát xoan, hát cửa đình (Kim Xá), hát ghẹo (Thổ Tang), hát thờ (Cao Đại, Nghĩa Hưng), hát nhà trò (Vũ Di), hát vè ở Tứ Trưng, thậm chí có làng còn thành lập gánh hát như gánh hát ở Vân Xuân.
Bên cạnh bảo tồn và phục dựng các lệ hội, huyện thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội nhằm nâng cao sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm của nhân dân cùng với các cấp chính quyền tổ chức tốt lễ hội, bảo vệ nơi thờ tự, bảo vệ cảnh quan môi trường, thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội. Nhiều địa phương lồng ghép việc tổ chức lễ hội vào các nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, vào hương ước, quy ước thôn làng, coi đó là nhiệm vụ quan trọng của các địa phương. Nhờ đó, các nghi lễ trong lễ hội trên địa bàn huyện đều được tiến hành trang trọng, tiết kiệm trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp; phần hội đảm bảo vui tươi, lành mạnh, đa dạng về hình thức, phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội với nhiều các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống; phù hợp với tính chất, đặc điểm lịch sử của di tích, phù hợp với thuần phong mỹ tục của địa phương.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Vĩnh Tường tiếp tục làm tốt công tác kiểm kê, lập hồ sơ để bảo tồn các di tích lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời, tăng cường hoạt động tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa, qua đó, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân và các cấp chính quyền trong việc bảo tồn di sản văn hóa, coi việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống là nhiệm vụ chính trị, gắn phát triển kinh tế - văn hóa xã hội của địa phương.
ST