Cập nhật: 08/07/2016 08:28:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhiều người mới được chẩn đoán bệnh tiểu đường rất ngạc nhiên vì họ không có triệu chứng rõ rệt.

Nhiều người mới được chẩn đoán bệnh tiểu đường rất ngạc nhiên vì họ không có triệu chứng rõ rệt. Nhưng khi đã có chẩn đoán bệnh, bạn cần kiểm tra thường xuyên các triệu chứng và mức độ của bệnh vì nó có thể đi kèm nhiều biến chứng và thậm chí dẫn tới tử vong. Ngay khi có những dấu hiệu ở những cơ quan dưới đây, hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức:

Mắt

Khi đường huyết tăng, các mạch máu trong mắt yếu đi và có sự tích tụ cholesterol trong võng mạc. Dần dần, nó làm mờ thị lực và hậu quả là dẫn tới mù lòa nếu không được điều trị. Hãy đi khám bác sĩ ngay nếu bạn bị đau hoặc có cảm giác bỏng rát mắt. Ngoài ra, hãy kiểm tra định kỳ 6 tháng/lần để đảm bảo mắt luôn khỏe.

Da

Nếu bạn đang bị tiểu đường, da có thể trở nên khô và ngứa. Điều này là do lượng đường huyết cao tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển, do vậy, tăng nguy cơ nhiễm nấm và nhiễm vi khuẩn. Bạn có thể cũng bị viêm âm đạo và bệnh Herpes nếu nhiễm trùng lan tới bộ phận sinh dục. Đường huyết cao có thể cũng ảnh hưởng tới tuyến mồ hôi, điều này dẫn tới ngứa ở chân và da đầu. Ngứa da đầu cũng là một dấu hiệu của tăng đường huyết.

Chân

Bệnh nhân tiểu đường rất dễ bị tình trạng gọi là bàn chân tiểu đường. Người bị tiểu đường có thể cảm thấy chân không bình thường và việc sản sinh dầu và bài tiết mồ hôi có thể bị suy giảm. Những yếu tố này kết hợp cùng nhau có thể gây ra áp lực bất thường lên khớp, xương và da của chân và có thể dẫn tới tổn thương chân. Khi bị tổn thương, quá trình liền sẹo sẽ rất chậm do thiếu cung cáp máu thích hợp và hệ miễn dịch bị suy yếu. Suy giảm hệ miễn dịch rất dễ xảy ra nếu đường huyết không được kiểm soát. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể dẫn tới hoại tử, đe dọa tính mạng. Hãy đặc biệt chú ý tới bàn chân và đi khám bác sĩ khi thấy có bất thường ở chân.

Nướu răng

Bạn cũng biết tiểu đường làm giảm sức đề kháng của cơ thể với nhiễm trùng và cũng làm chậm quá trình liền sẹo. Nhưng tiểu đường còn ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng và đôi khi sâu răng hoặc chảy máu nướu răng có thể là dấu hiệu thường xuyên của tiểu đường. Sâu răng, khô miệng và viêm nướu răng nặng là những rối loạn phổ biến nhất ở miệng. Lượng đường cao trong nước bọt tăng cường sự phát triển của nấm Candida, có thể gây ra bệnh nấm miệng. Vì vậy, nếu bạn thường xuyên bị sưng nướu răng hoặc có bất cứ bệnh răng miệng nào, trước tiên hãy đi kiểm tra đường huyết.

BS. Cẩm Tú

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm