Cập nhật: 08/07/2016 09:19:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việc thực hiện cơ chế một cửa tại các cơ quan thi hành án dân sự đã được triển khai ở một số tỉnh, thành phố sắp tới sẽ được mở rộng trên toàn quốc để nhận đơn đề nghị thi hành án qua hệ thống mạng, giảm thiểu việc đi lại của công dân.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Trần Tiến Dũng tại cuộc họp báo tổng kết công tác tư pháp sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2016 do Bộ Tư pháp tổ chức vào chiều 7/7 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết thêm riêng về thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh, Bộ Tư pháp sẽ tiến hành rà soát kỹ để đảm bảo sự minh bạch, thông thoáng, cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Cả nước hiện có gần 9.900 luật sư và gần 2.100 công chức viên đang hành nghề. Sáu tháng đầu năm, công tác thi hành án tăng 4,79% so với cùng kỳ năm 2015 với tổng số 643.722 vụ được thụ lý.

Bộ Tư pháp đã triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó công tác xây dựng văn bản được đẩy mạnh với 169 văn bản quy định chi tiết các luật đã và sẽ có hiệu từ ngày 1/7/2016; thẩm định 151 dự thảo văn bản quy phạm phám luật, 61 điều ước quốc tế; kiểm tra 1.443 văn bản và phát hiện 58 văn bản trái pháp luật về nội dung, đang tiến hành xử lý theo quy định.

Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã triển khai thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và huyện Quế Phong (Nghệ An). Tính đến ngày 5/7, hệ thống đã thực hiện đăng ký khai sinh cho 149.831 trường hợp qua phần mềm điện tử.

Về nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2016, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết, Bộ Tư pháp sẽ tập trung xây dựng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) và Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội theo Nghị quyết số 144/2016/QH13 của Quốc hội; nghiên cứu, xây dựng Luật Đăng ký tài sản; đồng thời tiếp tục theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành trong việc soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết, nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật về đầu tư, kinh doanh, khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng văn bản theo kế hoạch năm 2016.

Việc đôn đốc, kiểm tra, theo dõi các văn bản quy phạm pháp luật, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng khẳng định Bộ Tư pháp cũng rất quyết tâm cùng các bộ, ngành có liên quan để ban hành kịp thời, có chất lượng các văn bản, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bộ Tư pháp thường xuyên giao ban định kỳ với Văn phòng Chính phủ và làm việc hàng tháng với các bộ, ngành có nhiều văn bản để tiến hành rà soát, cử người hỗ trợ, trực tiếp tham gia vào tổ biên tập, ban soạn thảo.

Tuy nhiên,Thứ trưởng Trần Tiến Dũng khẳng định, việc biên soạn phải được các cơ quan bộ, ngang bộ thực hiện đúng thời hạn, chất lượng thì khâu thẩm định của Bộ Tư pháp mới đạt hiệu quả và đảm bảo tiến độ theo yêu cầu đã đề ra.

Đối với việc hoãn thi hành Bộ luật Hình sự 2015, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng khẳng định Bộ Tư pháp đang phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để lên kế hoạch tiến hành sửa đổi. Theo quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp là cơ quan soạn thảo cũng có một phần trách nhiệm./.

Theo ĐỖ BÌNH (TTXVN/VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/se-mo-rong-thuc-hien-co-che-mot-cua-tai-cac-co-quan-thi-hanh-an-dan-su/394939.vnp

Tệp đính kèm