Cập nhật: 09/07/2016 09:11:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Yên Lạc là một huyện đồng bằng có diện tích tự nhiên 106,74 km2, nằm ở vị trí chiến lược quan trọng: phía Bắc giáp huyện Tam Dương, phía Đông giáp huyện Bình Xuyên, Mê Linh, Phía Tây giáp huyện Vĩnh Tường, phía Nam là sông Hồng. 

Nằm gần quốc lộ số 2 và đường sắt tuyến Hà Nội – Lao Cai, nối huyện với thủ đô Hà Nội, huyện có quốc lộ 13 đi qua, nối Vĩnh Phúc với Sơn Tây, lên Tây Bắc; có tỉnh lộ 303 đi từ xã Đồng Văn đến xã Nguyệt Đức, sang Bình Xuyên...Sông Hồng chảy qua 6 xã của huyện với 12 km đê đại hà, tạo thành 2 đường giao thông thuỷ, bộ song song.

Là một huyện thuần nông, đất chật người đông (145.258 người) mật độ dân số 1361 người/m2. Với đức tính cần cù, sáng tạo của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Huyện uỷ nền kinh tế của huyện trong những năm qua liên tục phát triển, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Hiện nay tỉ trọng Nông- Lâm -Thuỷ sản chiếm 47,1%; Công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp và Xây dựng 34,8%; Thương mại-Dịch vụ 18,1%, giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 4,44 triệu đồng/năm. Yên Lạc là vùng đất cổ giàu bản sắc văn hoá. Tên huyện là Yên lạc theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Đại Việt địa dư toàn biên của Phương Đình, Nguyễn Văn Siêu, Đại Nam Nhất Thống Chí do Quốc Tử Giám Triều Nguyễn biên soạn thì tên huyện Yên Lạc đã có từ thời Đinh (Thế kỷ thứ X). Từ đó đến nay trải qua hơn nghìn năm với bao thay đổi về chính trị, hành chính huyện Yên Lạc vẫn không ngừng phát triển.

Huyện Yên Lạc thuộc đạo thời Đinh, Lộ thời Lý-Trần, Phủ thời Lê. Năm Minh Mạng thứ 13, huyện Yên Lạc được nâng lên thành Phủ Yên Lạc. Lỵ sở của huyện thuộc xã Vĩnh Mỗ (nay là thị trấn Yên Lạc). Dưới thời phong kiến Yên Lạc là một huyện người đông, sản phẩm phong phú, khá nổi tiếng. Sách tứ trấn viết: "Phủ thì nhất Tam đái, nhì Khoái Châu"; huyện thì "Nam châu, Bắc Dũng, Đông kỳ, Tây Lạc" (đó là huyện Châu Ninh thuộc tỉnh Nam Định, huyện Yên Dũng thuộc Kinh Bắc, huyện Tứ Kỳ thuộc Hải Dương, huyện Yên Lạc thuộc Sơn Tây) đều là những vùng phì nhiêu. Ngày 29/12/1899 toàn quyền Đông Dương Pôn-Đu-Me ký Quyết định thành lập tỉnh Vĩnh Yên thì Yên Lạc là một huyện thuộc tỉnh Vĩnh Yên. Nơi đây là trung tâm sinh tụ của cư dân xóm, làng, canh tác nông nghiệp vùng châu thổ sông Hồng. Yên Lạc có Đồng Đậu-di chỉ khảo cổ học, sau 6 lần khai quật đã chứng minh nơi đây là cái nôi của nền văn minh lúa nước với tầng văn hoá dày 3m mang trong lòng 4 giai đoạn phát triển văn hoá từ giai đoạn Phùng Nguyên đến Đông Sơn. Vì lẽ đó, Đồng Đậu trở thành một di tích khảo cổ thời tiền sử rộng lớn có tầng văn hoá dày bậc nhất nước ta. Số lượng hiện vật thu được vô cùng phong phú, đa dạng và quý hiếm. Về loại hình bao gồm đủ các chất liệu từ đồ đá, đồ gốm đến đồ xương, đồ đồng, đã phản ánh quá trình phát triển liên tục để đi đến hình thành Nhà nước phôi thai đầu tiên của dân tộc. Hiện nay các hiện vật khai quật được ở di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu đã được bảo vệ và trưng bày tại phòng truyền thống của Trung tâm Văn hoá TT-TT huyện, trở thành niềm tự hào của người dân Yên Lạc.

Yên Lạc là đất phát tích, với số lượng di tích đậm đặc: 197 di tích phân bố đều trong 17 xã, thị trấn với 83 làng truyền thống, trong đó di tích xếp hạng cấp Quốc gia là 11, xếp hạng cấp tỉnh là 51, đã và đang được tôn tạo, bảo vệ, phát huy các giá trị văn hoá của di tích. Có nhiều di tích gắn liền với tên tuổi, công trạng của các nhân vật lịch sử, các danh nhân văn hoá( Yên Lạc có 22 danh nho, trong đó có 20 vị danh nho được khắc tên trên bia "Bản huyện tiên hiền tính danh khoa thứ kí" được thờ từ triều Lý đến hết triều Lê. Tính đến kỳ cuối cùng triều Nguyễn thì Yên Lạc có cả thảy 26 vị hiền tài).

Các di tích đều gắn liền với hoạt động lễ hội và với truyền thống văn hoá yêu nước, thương nòi của người Yên Lạc. Lễ hội của làng quê Yên Lạc cũng giống như mọi lễ hội của các làng quê khác trong nước, đều có 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ nhằm tôn vinh vị thần được thờ phụng (ở đây đa phần là các vị anh hùng có công với nước, với dân) phần hội là những trò diễn, trò giải trí đòi hỏi sự thông minh khéo léo đua tài giữa cộng đồng. Trong đó nổi bật nhất là các nhóm trò chơi vui khoẻ thể hiện tinh thần thượng võ, nhiều môn thể thao dân tộc mà theo truyền thuyết đều có xuất xứ từ các trò chơi ưa thích của các nhân vật lịch sử hoặc các môn được dùng vào việc rèn luyện quân sĩ ngày xưa.

Một số lễ hội còn giữ được gần như nguyên vẹn tinh thần và phương thức tổ chức, được nhân dân nô nức tham gia như: Lễ hội bơi chải làng Rau, đánh phết làng Thụ ích (Liên Châu), nấu cơm thi làng Đinh Xá (Nguyệt Đức), lễ hội đâm trâu, lễ hội Miền đền Bắc Cung (Tam Hồng).

Là huyện nhiều năm được tỉnh chọn cử là điểm chỉ đạo về quản lý Văn hoá - Thông tin, những năm qua sự nghiệp văn hoá đã phát triển rõ nét: Giáo dục 6 năm liền dẫn đầu tỉnh Vĩnh Phúc, số lượng giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua, học sinh giỏi cấp tỉnh, Quốc gia và quốc tế, trường chuẩn quốc gia dẫn đầu tỉnh(31 trường). Xây dựng và quản lí hương ước, quy ước ngày càng tiến bộ và chặt chẽ. Quản lí, thực hiện nếp sống văn minh theo tinh thần chỉ thị 27/BCT ngày càng nghiêm túc. Các hoạt động tôn giáo tập trung vào chủ đề : Dân tộc, đạo pháp và Chủ nghĩa xã hội; Kính chúa yêu nước, tự tâm xây dựng quê hương, làng xóm. Đến nay toàn huyện có 29925/31170 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá, đạt tỉ lệ 96% trong đó có 100 gia đình đạt danh hiệu gia đình Văn hoá cấp tỉnh.78/83 làng đạt danh hiệu làng văn hoá (đạt 94%), trong đó có 45 làng đạt danh hiệu làng văn hoá cấp tỉnh. Các thiết chế văn hoá luôn được các cấp uỷ đảng quan tâm, đặc biệt là các thiết chế vật chất từ thôn đến huyện. 100% các thôn làng đã có đất để xây dựng nhà văn hoá, trung tâm văn hoá, khu vui chơi giải trí… Hiện nay toàn huyện có 35 nhà văn hóa làng; 4 xã có nhà truyền thống (Tam Hồng, Yên Phương, Nguyệt Đức, Đại Tự); có 04 thư viện cấp xã (Tam Hồng, Liên Châu, thị trấn Yên Lạc, Nguyệt Đức). Mạng lưới đài truyền thanh cơ sở có 69 đài hoạt động bình thường, 14 điểm bưu điện văn hóa xã hoạt động tốt. 17/17 xã có trạm y tế, trong đó đã có 07 xã được công nhận xã chuẩn Quốc gia về y tế (Thị trấn Yên Lạc, Đồng Văn, Tam Hồng, Yên Đồng, Trung Hà, Nguyệt Đức, Yên Phương). Các đội văn nghệ quần chúng, các loại hình Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, TDTT gồm 45 CLB, 17 đội văn nghệ của 17 xã, thị trấn. Trung tâm văn hoá huyện được xây dựng khang trang và được trang bị khá hiện đại, có hội trường lớn phục vụ các cuộc giao lưu, hội diễn văn nghệ, chiếu phim, có các phòng chức năng bồi dưỡng và đào tạo nhân tài cho huyện, có thư viện với gần 10.000 bản sách phục vụ cho các tầng lớp nhân dân học tập và nghiên cứu khoa học. Đây là những tiền đề tạo đà vững chắc cho sự nghiệp Văn hoá - Thông tin huyện Yên Lạc phát triển.

Ngành văn hoá - thông tin Yên Lạc trong những năm tới tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hoá thông tin, ngăn chặn, bài trừ các tệ nạn xã hội và tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân. Quán triệt NQ TW5 (khoá VIII) các hoạt động văn hoá, văn nghệ thông tin hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc ngay trên quê hương.  Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể (những phong tục, tập quán tốt đẹp, nghệ thuật diễn xướng và lễ hội dân gian) nhằm giáo dục truyền thống của địa phương cho các thế hệ, thu hút khách thập phương, tôn vinh các danh nhân, địa danh văn hoá, những danh lam thắng cảnh của địa phương (di chỉ khảo cổ Đồng Đậu, đền Bắc Cung, chùa Biện Sơn...) và qua đó tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân. Đầu tư tôn tạo khu Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu, đền Bắc Cung và các di tích lịch sử văn hoá khác nhằm bảo tồn các giá trị văn hoá lịch sử, giáo dục truyền thống và phát triển du lịch trong mối giao lưu liên kết với Thị xã Vĩnh Yên, Thành phố Việt Trì, Thủ đô Hà Nội. Kết hợp phát triển các hoạt động văn hoá với hình thành các tuyến du lịch văn hoá sinh thái, văn hoá lễ hội.

Tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện trung tâm Văn hoá thông tin ở huyện bao gồm: Nhà văn hoá trung tâm, phòng truyền thống, thư viện tổng hợp...

Đến năm 2010 tất cả các xã, thị trấn đều có khu văn hoá TT-TT,  tất cả các thôn trong huyện đều có nhà văn hoá thôn đủ tiêu chuẩn để tổ chức các hoạt động văn hoá nghệ thuật, vui chơi giải trí cho nhân dân, phù hợp với đặc điểm của từng thôn, từng xã, tạo điều kiện cho mọi người dân tiếp cận dễ dàng và thuận tiện tới các hoạt động văn hoá thông tin. Mở rộng và phát triển các loại hình văn hoá văn nghệ; xã hội hoá các hoạt động văn hoá thông tin, nâng cao mức hưởng thụ trong nhân dân góp phần tôn tạo, phục hồi các di tích lịch sử. Đa dạng hoá các chương trình và nâng cao chất lượng phát thanh và truyền hình trên toàn huyện. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. 100% số thôn hoàn chỉnh và thực hiện tốt hương ước trên cơ sở phát huy những truyền thống tốt đẹp của địa phương và phù hợp với những điều kiện, yêu cầu mới, giữ vững 100% số làng đạt tiêu chuẩn làng văn hoá, trong đó 90% số làng đạt tiêu chuẩn làng văn hoá cấp tỉnh. 95% số hộ gia đình được công nhận là gia đình văn hoá, chất lượng các tiêu chuẩn gia đình văn hoá, làng văn hoá từng bước được nâng cao.

Yên Lạc một vùng đất giàu truyền thống mà nổi trội hơn cả là truyền thống hiếu học và truyền thống kiên cường bất khuất trong đấu tranh dựng nước và giữ nước, truyền thống ấy đã trở thành niềm kiêu hãnh và tự hào, là nguồn động viên khích lệ cho lớp con cháu đang ngày đêm góp sức vào xây dựng ,vun đắp cho một vùng quê no ấm, tươi đẹp, xứng đáng với danh hiệu cao quý: Huyện Anh hùng. Ngành văn hoá liên tục được công nhận là lá cờ đầu của tỉnh, nhiều năm được Bộ Văn hoá - Thông tin tặng cờ và tặng nhiều bằng khen. Huyện Yên lạc đang vững bước đi lên, phấn đấu xây dựng huyện phát triển vững mạnh toàn diện để trở thành một huyện văn hoá điển hình toàn quốc.

ST

Tệp đính kèm