Nói đến làng Việt cổ ở đồng bằng Bắc Bộ hẳn ai cũng nghĩ ngay đến hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình. Tuy nhiên, một thành tố quan trọng khác tạo nên diện mạo vật chất và để nhận diện một làng quê đó là hình ảnh những chiếc giếng làng.
Cũng như bao làng Việt cổ khác ở đồng bằng Bắc Bộ, nhiều làng cổ ở Vĩnh Tường trước kia, bên cạnh hệ thống ao còn có những giếng chung của dân làng hoàn toàn chỉ để lấy nước sinh hoạt. Đồng thời, giếng làng còn là nơi để người dân gặp gỡ, nơi giãi bày tâm tư, tình cảm, nơi hẹn hò, v.v... Vì thế, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc – Nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, giảng viên cao cấp Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổng kết “Cái ao, cái giếng đầu làng đã trở thành biểu tượng văn hóa của làng quê”.
(Giếng đá xóm Đơi – Thượng Trưng)
Ngày xưa, mỗi làng thường có hai cổng chính và con đường chạy qua trung tâm làng nối liền với hai cổng chính được gọi là đường cái. Nối liền với đường cái là hệ thống đường nhỏ dẫn vào các ngõ, xóm. Để thuận tiện cho mọi người, giếng làng thường được xây dựng cạnh đường cái- nơi người dân trong làng thường qua lại. Ở Vĩnh Tường, chưa có một thống kê chi tiết, cụ thể nào về số lượng giếng làng, nhưng qua khảo sát thực địa ở xã Tuân Chính, Vũ Di, Thượng Trưng, Tân Cương, Tam Phúc,... cho thấy những giếng làng xưa còn tồn tại cho đến ngày nay hầu hết được xây dựng bên cạnh trục đường chính của làng. Cá biệt có những chiếc giếng làng đươc xây dựng cạnh ngã ba, ngã tư đường, nơi giao nhau của các đường nhỏ với đường cái như: Giếng của thôn Chùa Chợ (xã Thượng Trưng) giếng làng thôn Trung (xã Tuân Chính),...
Ở Vĩnh Tường, các giếng làng xưa thường có cấu tạo hình tròn như mặt trăng. Theo tư tưởng của triết lý phương Đông, giếng được đào sâu dưới lòng đất nên giếng là phần âm, mà biểu tượng mặt trăng cũng mang tính chất âm, do đó, người ta đào giếng tròn.
(Giếng làng Phù Lập – Tam Phúc)
Phần lớn giếng được xây dựng chủ yếu bằng chất liệu đá như: đá cuội, đá ong,… Trong đó, từ đáy giếng lên đến mặt giếng (dân gian gọi là thành giếng) được xếp găn ghịt bằng đá ong, đá cuội,… tạo thế vững chắc cho thành giếng mà qua hàng trăm năm nay không bị sụt, lún. Phần từ mặt giếng lên (dân gian gọi là tang giếng) xây dựng bằng chất liệu đá nguyên khối được các nghệ nhân đục đẽo, trang trí họa tiết, hoa văn trông rất đẹp và bền vững với thời gian. Bên cạnh giếng đá còn có một số giếng được xây dựng bằng gạch, xi măng nhưng cũng rất bền và thường có kích cỡ to hơn nhiều so với so với giếng đá.
(Thành giếng làng Phù Lập – Tam Phúc)
Về kích cỡ của các giếng làng không hoàn toàn giống nhau. Đối với những chiếc giếng đá, thành giếng có chiều cao khoảng từ 0,70m đến 0,90m, đường kính khoảng từ 1,1m đến 1,5m, độ sâu khoảng trên 10m. Cá biệt, có giếng của thôn Phù Lập (xã Tam Phúc) kích cỡ tương đối lớn với chiều cao của thành giếng là 1,0m, đường kính 2,2m, thành giếng được xếp bằng đá cuội, đá ong. Nói về giếng làng Phù Lập, các bậc cao niên trong làng cho biết: “Khi chúng tôi sinh ra, giếng làng đã có rồi. Nghe ông bà, cha mẹ kể lại thì giếng này đã có từ trước khi xây dựng đình Phù Lập. Tương truyền rằng, Ả Lã Nàng Đê công chúa- vị thành hoàng được nhân dân Phù Lập phụng thờ tại đình Phù Lập thường ra giếng để soi gương, chải tóc...”. Như thế, xét về góc độ niên đại, giếng làng Phù Lập đã được xây dựng cách ngày nay hàng mấy trăm năm rồi. Mặc dù đã tồn tại trong một thời gian dài, qua hàng trăm năm, nhưng kết cấu của giếng làng vẫn giữ được khá nguyên vẹn và nước ở các giếng làng hầu hết đều rất trong và mát.
(Giếng đá thôn Chùa Chợ - Thượng Trưng)
Ngày xưa, giếng chung của làng được xây dựng cạnh đường cái hoàn toàn chỉ để lấy nước ăn cho cả làng. Chính vì vậy, vào các buổi sáng, trưa và nhất là buổi chiều, người dân thường ra giếng làng để lấy nước, rửa rau, vo gạo, tắm giặt,... Tùy điều kiện của mỗi người mà chiếc gầu múc nước cũng đa dạng với nhiều chất liệu khác nhau như: bằng tre đan, mo cau, tôn sắt hay lốp xe hỏng... Vào thời điểm dân làng ra lấy nước, nhất là buổi chiều, chúng ta thường bắt gặp những âm thanh quen thuộc như: tiếng gầu múc nước ùm ụp, tiếng xô chậu rửa rau, vo gạo va vào nhau loảng xoảng, tiếng nói chuyện rôm rả của người lớn, tiếng trẻ con ríu rít nô đùa nghịch nước,...những âm thanh đó đan quện vào nhau tạo thành một “bản nhạc” vừa rộn ràng, tươi vui vừa êm ả, thanh bình của chốn thôn quê. Ngoài ra, những cô thôn nữ cùng với đôi thùng, đòn gánh, gánh nước từ giếng làng về đổ vào các vật dụng chứa của gia đình như: bể, chum, vại... để pha trà, ủ chè xanh và cho cả gia đình dùng. Hầu hết nước giếng làng khi đun sôi pha trà bao giờ nước trà cũng có màu xanh tự nhiên, mùi thơm, vị ngọt hơn hẳn khi pha với nước từ nguồn khác. Chẳng thế mà nhà ai trong làng có việc cỗ bàn đều nhờ cả một “đội quân” ra giếng làng lấy nước về sử dụng. Nếu xét ở góc độ văn hóa làng xã thì giếng làng không chỉ cung cấp cho dân làng những mạch nước trong mát, ngọt lành mà còn là nơi để gặp gỡ, nơi giãi bày tâm tư, tình cảm của người dân, nhất là đối với những đôi nam nữ đang trong độ tuổi yêu đương. Thành ra, cái giếng làng lại là nơi nhớ trộm, thương thầm của biết bao thế hệ dân làng và trở thành một biểu tượng khác nữa của văn hóa làng quê.
Ngay nay, xã hội ngày càng phát triển theo xu thế hiện đại, cuộc sống của con người cũng có nhiều đổi thay. Tại các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, hầu hết người dân đều dùng nước giếng khoan, nước máy, v.v... bơm trực tiếp lên bể. Khi dùng, người dân chỉ việc vặn vòi là có nước, không phải dùng sức để múc từng gầu nước ở giếng làng như trước kia. Cá biệt có một số ít gia đình, hàng ngày vẫn ra giếng làng lấy nước về đựng vào chum, vại, cóng. Có thể, họ lấy nước ở giếng làng về nhà để đun sôi pha trà, ủ chè xanh, nấu cơm,... nhưng cũng có thể họ đi gánh nước chỉ là một thói quen để tìm lại và trở về với những âm thanh trong trẻo, êm đềm của giếng làng ngày xưa mà giờ đây chỉ còn là vang bóng.
(Người dân thôn Phù Lập, xã Tam Phúc lấy nước ở giếng làng)
Trong thời đại công nghiệp hóa, tốc độ xây dựng nhà cửa, làm đường giao thông diễn ra nhanh, cho nên, một số giếng làng xưa bị phá bỏ, bị lấp, thậm chí có những giếng làng bị con người phũ phàng biến thành nơi đổ rác thải. Ngẫm ra mà thấy xót xa. Đây cũng là một thực trạng chung của các làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ trên con đường đổi mới. Vấn đề đặt ra đối với các cơ quan chức năng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay cần phải nhận thức đúng đắn, đầy đủ và có biện pháp hiệu quả để bảo tồn, phát huy giá trị của di tích giếng làng xưa. Bởi giếng làng xưa không chỉ là tài sản của cha ông để lại, là nơi cung cấp cho dân làng những mạch nước trong mát, ngọt lành mà nó còn mang một giá trị văn hóa của làng quê. Do đó, việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của giếng làng xưa trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi người dân.
Như vậy, giếng làng xưa chính là một biểu tượng quen thuộc, thân thương đối với dân làng. Ở giếng làng tỏa ra sự mát trong, ngọt lành của nước, sự huyền bí của chiều sâu đáy giếng và sự tĩnh lặng, êm đềm của chính bản thân nó. Giờ đây, giếng làng có thể bị rêu phong và nhuốm màu thời gian, song cùng với hình ảnh sân đình, bến nước, cây đa... thì giếng làng xưa sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam./.
ST