Cập nhật: 14/07/2016 14:27:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Giống bao làng xã có bề dày lịch sử với các điểm sinh hoạt văn hóa, tâm linh cộng đồng, làng Tuân Lộ (tổng Tuân Lộ, huyện Bạch Hạc, phủ Vĩnh Tường xưa) cũng có các công trình kiến trúc truyền thống để phục vụ nhu cầu đó của người dân địa phương. Trung tâm của các công trình đó là Đình Tuân Lộ với những nét kiến trúc đặc sắc đã vinh dự được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 2004. 

Đình Tuân Lộ còn gọi là Đình Trung, ngày nay toạ lạc trên khu đất có diện tích là 918m2 thuộc xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường. Đình Tuân Lộ thờ bà Triệu Thị Loan - Đệ nhị phu nhân của Cao Biền, quan tiết độ sứ nhà Đường ở Giao Châu. Theo một số tư liệu được lưu chép lại thì Bà Triệu Thị Loan là con gái của ông Triệu Công Toàn quê ở đất Chu Diên, thuộc dòng dõi Triệu Việt Vương, mẹ là Dương Thị Nguyệt người làng Tuân Lộ. Từ khi được Cao Biền lập làm đệ nhị phu nhân, Triệu Thị Loan đã giúp Cao Biền cai quản triều chính, chăm lo đến đời sống của nhân dân, thực hiện khai khẩn đất hoang, đào sông, khai thông dòng chảy, mở mang thủy lợi phục vụ cho phát triển nông nghiệp. Trong trận chiến đấu chống lại quân Nam Chiếu, trước sự tấn công như vũ bão của quân giặc, Triệu Thị Loan cùng binh sĩ cố gắng phá vòng vây, song trước thế giặc lớn mạnh bà đành gieo mình tuẫn tiết ngay nơi cửa sông trên mảnh đất quê hương Tuân Lộ. Sau khi Triệu Thị Loan qua đời nhân dân Tuân Lộ đã lập đình thờ bà, tôn làm Thành Hoàng Làng, ngàn năm hương hỏa cúng tế để ghi nhớ công ơn to lớn giúp dân, giúp nước của bà.

Mặc dù chưa xác định rõ đình Tuân Lộ được xây dựng vào năm nào nhưng thông qua bình đồ kiến trúc và nghệ thuật chạm khắc, có thể khẳng định ngôi đình này mang phong cách kiến trúc thời Hậu Lê. Đây là một trong các ngôi đình có niên đại sớm nhất trên đất Vĩnh Phúc vẫn còn kiến trúc khởi dựng ban đầu. Đình có bố cục mặt bằng kiến trúc hình “chữ Nhất” với 5 gian, 2 dĩ, các vì kèo được liên kết với nhau bởi 6 hàng chân cột và các xà trung, xà hạ, tổng số cột của đình là 48 cột lớn nhỏ, mỗi chân cột có một tảng đá kê. Với lối bố cục của 2 dĩ trong kiến trúc, nên 4 góc đình có các kèo liên kết với các cột tạo cho mái đình xoè rộng rộng về bốn phía, đình mái lợp ngói mũi hài, phần mái chiếm phần lớn kiến trúc của đình.

 

Qua 5 bậc thềm đá xanh, hai bên có đôi rồng cách điệu lượn sóng phủ bậc là xà ngưỡng, là vật ngăn cản sự xấu xa, ô tạp, trần tục của người đời trước khi bước vào cõi linh thiêng, thánh thiện. Đình Tuân Lộ có 6 bộ vì nóc theo kiểu “chồng rường – giá chiêng” được đỡ bởi câu đầu gối lên hai cột cái thông qua hai đấu vuông, đây là đặc trưng của kiến trúc Hậu Lê. Liên kết giữa cột cái và cột quân là các bộ vì nách kiểu “chồng cốn” được trạm khắc công phu đề tài rồng với một mặt là trạm kênh bong mặt rồng hiền lành, tai to, mũi lớn, miệng cười rộng, khoe hàm răng đều, chân có 3 móng; mặt bên trạm nông hoa văn và thân rồng với nhiều sắc thái, hình tượng khác nhau. Phía dưới xà lách là các thân kẻ truyền liên kết cột quân và cột hiên cũng được trạm khắc hoa văn, vân mây cách điệu như thân rồng uốn lượn, tạo không gian tôn nghiêm nơi thành hoàng ngự, dân gian quen gọi là gian “long thuyền”. Đình có 8 đầu dư được chạm lộng thành hình đầu Rồng dữ tợn miệng há răng nhe tai to mắt bôi đen trắng, còn có 8 bức chạm cuốn nách hình tam giác vuông, được chạm trổ hình Rồng uốn, đầu rồng và vân mây. Đầu các con  rường cụt ở gian dĩ được đục hình lá, cụm mây uốn lượn khiến cho mái đình đươc nâng cao lên, bớt đi cảm giác nặng nề.

Cùng với kiến trúc nghệ thuật điêu khắc đặc sắc, Đình Tuân lộ còn bảo lưu được nhiều hiện vật có giá trị bằng các chất liệu khác nhau, có giá trị lịch sử và mỹ thuật cao. Ông Lê Hồng Bản – Thủ từ Đình Tuân Lộ cho biết: “Đình Tuân Lộ hiện bảo lưu 01 cỗ ngài thờ, 01 bộ bát bửu bằng gỗ; 01 bộ tam sự gồm đỉnh và 02 cây nến bằng đồng cùng 21 đạo sắc phong do các triều đại phong kiến từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX), như sắc phong thời Cảnh Hưng, Dương Đức, Chính Hòa, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Khánh, Chiêu Thống, Khải Định…”

Công trình công cộng quan trọng nhất của làng xã truyền thống phải kể đến là ngôi đình, nơi tập chung hết chức năng xã hội của cộng đồng. Đình Tuân Lộ cũng vậy, với vai trò là nơi hội họp, đưa ra các quyết định quan trọng cho cả làng của xã hội xưa. Trải qua thời gian, ngày nay đình là nơi lưu giữ, tổ chức các hoạt động văn hoá tâm linh cho cộng đồng. Cụ Lê Văn Lịch một trong những cụ cao tuổi xã Tuân Chính cho biết: “Đình Tuân Lộ tổ chức hai dịp lễ lớn trong năm, một lễ vào tháng giêng, khai xuân mang ý nghĩa cầu bình an cho muôn nhà; một lễ vào tháng tám mang ý nghĩa cầu đinh. Ngoài ra trong ngày thường, mỗi khi có việc đại sự hay tâm nguyện cần đề đạt, người dân trong làng đều ra đình thành kính dâng hương, cầu thánh.”

Để bảo vê, tôn tạo di tích, hiện nay các cấp chính quyền địa phương tích cực huy động nguồn lực, nhất là nguồn từ xã hội hoá để đình Tuân Lộ cùng các di tích chùa Hoa Dương, miếu Tuân Lộ trở thành trung tâm văn hoá làng xã, góp phần vào giáo dục truyền thống quê hương cho các thế hệ sau.

 

ST

 

Tệp đính kèm