Cập nhật: 16/07/2016 10:05:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

   

Du khách trải nghiệm câu cá tại Homestay Phước Nguyên.

NDĐT - Tận dụng thế mạnh của vườn cây ăn trái sum suê và ngôi nhà sàn dựng trên cọc trong không gian đậm chất miền Tây Nam Bộ, những người nông dân xã Mỹ Hòa Hưng (An Giang) dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Dự án EU-ESRT (Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có trách nhiệm với Môi trường và Xã hội do Liên hiệp châu Âu tài trợ) đã mạnh dạn phát triển nhiều tour du lịch nông nghiệp theo kiểu homestay, mang lại những trải nghiệm thú vị cho du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

Trải nghiệm hấp dẫn

Đi phà trên sông Hậu chừng 15 phút, du khách sẽ được đến với Cù lao Ông Hổ, một địa danh lịch sử nổi tiếng thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, cũng là nơi sở hữu cảnh quan thiên nhiên phong phú với làng bè trên sông, kênh rạch chằng chịt, miệt vườn trù phú... Nếu muốn được trải nghiệm cuộc sống gần gũi của những người nông dân nơi đây, được sống giữa bầu không gian đặc biệt của miền Tây sông nước, homestay sẽ là lựa chọn hàng đầu của khách du lịch. Hiện, nhiều gia đình nơi đây vẫn bảo tồn được khá nguyên vẹn những ngôi nhà sàn cổ có tuổi đời trên dưới trăm năm, được xây theo kiến trúc dựng cọc thấp đặc trưng Nam Bộ, nên vô cùng phù hợp để phát triển du lịch cộng đồng.

Du khách vừa có thể nghỉ qua đêm tại các ngôi nhà truyền thống, lại vừa được chứng kiến nếp sinh hoạt rất riêng của những người nông dân vùng sông nước. Nếu có nhu cầu, du khách còn có thể tham quan miệt vườn cây trái sum suê, cùng gia chủ thực hiện các công đoạn làm vườn, tham gia hoạt động nhà nông như câu cá, giăng lưới, mò ốc; và đặc biệt được gia chủ phục vụ những món ăn “hương đồng gió nội” như cá lóc nướng trui, gà vườn hấp lá chanh…

Hoạt động du lịch homestay ở Mỹ Hòa Hưng đang ngày càng khởi sắc bởi bên cạnh sự chuyên nghiệp hóa trong cung cấp dịch vụ du lịch của từng hộ dân, nơi đây còn sở hữu nhiều địa danh du lịch đặc sắc, thuận lợi cho việc cung cấp các tour du lịch sinh thái đến các điểm như: Khu lưu niệm bác Tôn, miếu ông Hổ, các làng nghề lò rèn, mây tre đan, làm hương…

Anh Trần Phước Nguyên, chủ cơ sở Trần Phước Nguyên Homestay cho biết: Trước gia đình anh và nhiều hộ dân nơi đây chỉ làm nông. Ba năm gần đây, nhờ có sự vận động và giúp đỡ của chính quyền xã cũng như các chuyên gia của Dự án EU, người dân trên cù lao mới bắt tay làm du lịch dựa trên tiềm năng nhà và vườn tược có sẵn. Công việc này ban đầu làm anh bỡ ngỡ nhưng dần dần thấy quen và thú vị, anh và gia đình vừa có thể giới thiệu cuộc sống, văn hóa nơi đây với du khách quốc tế, vừa có thêm thu nhập. Được các chuyên gia đào tạo về cách giao tiếp, ứng xử với khách, gia đình anh ngày càng thêm tự tin trong việc mở rộng, quảng bá, đưa khách đến với không gian gia đình. Hiện, anh chưa có kinh phí để đầu tư trang web, nhưng trang facebook của homestay Trần Phước Nguyên đã thu hút được sự chú ý của khá nhiều du khách, đặc biệt, có những du khách đam mê phượt đã tự liên hệ và tìm đến mà không qua các công ty du lịch. Mỗi năm, homestay này đón trung bình khoảng 200 lượt khách quốc tế.

Ông Tôn Thất Đính, chủ homestay Ba Đính chia sẻ: Nhờ kinh doanh thêm du lịch homestay, nguồn thu của gia đình ông đã cải thiện đáng kể. Mùa đông khách thường rơi vào khoảng tháng 9 đến tháng 11, và khách năm sau bao giờ cũng tăng hơn năm trước. Trước kia, việc tiếp khách khá khó khăn do gia đình ông không biết ngoại ngữ, nhưng qua các lớp tập huấn và được tiếp xúc với khách quốc tế thường xuyên, các thành viên trong gia đình ông đều đã nói được những câu giao tiếp thông thường, đủ để hiểu và đáp ứng yêu cầu của khách. Đặc sản của gia đình ông là vườn xoài, vườn mận sai trĩu quả. Nếu có nhu cầu, ông còn thuê các nghệ sĩ biểu diễn đờn ca tài tử tới để phục vụ du khách. Trung bình mỗi ngày, gia đình ông đón khoảng hai, ba khách, thời điểm đông có thể lên tới 20 khách.

Thay đổi kỹ năng thực hành du lịch

Hiện cả xã Mỹ Hòa Hưng có chín hộ dân làm du lịch cộng đồng, trong đó năm hộ kinh doanh du lịch homestay, các hộ còn lại cung cấp dịch vụ như nhà hàng, thuê xe đạp, chở thuyền đi dọc cù lao… Ngay từ năm 2014, nhận thấy tiềm năng phát triển homestay nơi đây, dự án EU đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ về đào tạo, hướng dẫn bà con các kỹ năng làm du lịch.

 

Kiến trúc nhà sàn cổ dựng cột thấp đặc trưng Nam Bộ.

Ông Hoàng Nhân Chính, cán bộ kỹ thuật Dự án EU cho biết: Cùng với Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang là một trong ba tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được Dự án lựa chọn hỗ trợ kỹ năng phát triển du lịch homestay. Và Mỹ Hòa Hưng là một trong điểm được hỗ trợ để tiếp tục nhân rộng mô hình ra khắp tỉnh. “Từ các lớp tập huấn mang tính trao đổi, chúng tôi tư vấn cho người dân về nhu cầu của du khách, hướng dẫn họ làm từ việc đơn giản như in card visit, trang bị tủ thuốc, cách trải ga, nệm trong phòng, cách cải thiện vệ sinh môi trường cho tới cách ứng xử, những điều nên và không nên khi giao tiếp với khách, sao cho mỗi hộ dân có thể trở thành một điểm du lịch chuẩn phục vụ nhu cầu du khách ngày càng phong phú, đa dạng” - ông Chính chia sẻ.

Đánh giá hiệu quả từ những khóa đào tạo này, ông Trần Anh Châu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng cho biết: Trước Dự án EU, cũng đã có một dự án của Hà Lan giúp bà con nơi đây làm du lịch cộng đồng, nhưng chủ yếu là hỗ trợ về cơ sở vật chất. Với chủ trương chú trọng đào tạo về kỹ năng làm du lịch, cán bộ từ Dự án EU đã giúp các hộ homestay nơi đây có thêm tự tin để phục vụ khách du lịch trên cơ sở ngày càng hoàn thiện về chất lượng dịch vụ. Dự án đã mở hai lớp đào tạo về du lịch homestay, cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng cụ thể, thiết thực. Dự án cũng đã đầu tư cho nhà văn hóa xã hệ thống máy chiếu, ti-vi, máy vi tính, loa… và tài liệu về du lịch cộng đồng để phục vụ cho công tác đào tạo. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của chính quyền địa phương với những ưu đãi về vốn, thuế nên bà con ngày càng yên tâm tận dụng thế mạnh nông nghiệp của mình để phát triển nông nghiệp, tạo thêm thu nhập cho gia đình và góp phần làm giàu địa phương.

Tuy nhiên, phát triển du lịch cộng đồng ở Mỹ Hòa Hưng còn gặp nhiều khó khăn do hạ tầng giao thông chưa thuận lợi, đi lại còn khó khăn. Bên cạnh đó, cũng chưa thật nhiều hộ dân nhận thức được giá trị từ việc kết hợp làm du lịch và nông nghiệp. Do đó, những người nông dân nơi đây cần được hỗ trợ từ chính quyền và các đơn vị, tổ chức nhiều hơn nữa. Hy vọng, với những bước đi vững chắc, du lịch homestay do những người nông dân Mỹ Hòa Hưng tiên phong ở An Giang sẽ phát triển và được nhân rộng, góp phần tạo việc làm cho lao động vùng và phát triển du lịch An Giang bền vững theo hướng chuyên nghiệp.

 

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm