Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định không cho thí sinh rút hồ sơ trong đợt xét tuyển Đại học- Cao đẳng 2016.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga vừa khẳng định không cho thí sinh rút hồ sơ trong đợt xét tuyển đầu tiên để chuyển sang trường khác như mọi năm.
“Các trường Đại học-Cao đẳng sẽ không công bố danh sách trúng tuyển tạm thời, cập nhật liên tục như năm trước để tránh việc thí sinh hoang mang rút hồ sơ ra, nộp hồ sơ vào như các năm trước”, Thứ trưởng Ga thông báo.
Ở xét tuyển đợt 1, mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2. Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng trong đợt xét tuyển.
Ở xét tuyển các đợt bổ sung, mỗi đợt thí sinh được đăng ký tối đa vào 3 trường và trong mỗi trường được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2 và thí sinh cũng không được thay đổi nguyện vọng trong đợt xét tuyển.
Không được rút hồ sơ trong đợt đầu xét tuyển đại học 2016. Ảnh: Đài truyền hình Việt Nam
Cũng theo Thứ trưởng Ga, với trường tuyển sinh theo nhóm (gọi chung là nhóm trường), thí sinh có thể sử dụng số ngành tối đa được phép của từng đợt xét tuyển (4 ngành trong đợt I và 6 ngành trong các đợt xét tuyển bổ sung) để đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào nhiều trường trong nhóm và sắp xếp các ngành đã đăng ký theo thứ tự ưu tiên.
Các nhóm trường quy định mẫu phiếu ĐKXT phù hợp với qui định này và công bố công khai cách thức xét tuyển giữa các ngành theo thứ tự ưu tiên trong Phiếu ĐKXT.
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, trường hợp sử dụng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành, trường cần quy định mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp hoặc chỉ tiêu dành cho mỗi tổ hợp. Lưu ý: Đối với những ngành trường đã tuyển sinh từ năm 2014 trở về trước phải dành ít nhất 50% chỉ tiêu để xét tuyển theo khối thi truyền thống (khối thi áp dụng từ năm 2014 trở về trước).
Ví dụ: Trong đợt I, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào 4 trường khác nhau trong nhóm nếu mỗi trường đăng ký 1 ngành hoặc đăng ký vào 3 trường khác nhau trong nhóm nếu đăng ký 2 ngành vào 1 trường và 2 ngành còn lại đăng ký vào 2 trường.
Thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào 2 trường trở lên trong nhóm ở đợt 1 hoặc 3 trường trở lên trong nhóm ở đợt xét tuyển bổ sung thì không được đăng ký xét tuyển vào các trường ngoài nhóm.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, chậm nhất 20/7 các cụm thi phải chấm xong, sau đó gửi kết quả về Bộ để đối sánh dữ liệu hoàn thiện chuẩn cơ sở dữ liệu chung trong cả nước và giao lại các cụm thi để công bố kết quả.
Như vậy năm nay các sở và các trường ĐH chủ trì cụm thi chủ động công bố kết quả thi của những thí sinh dự thi tại cụm thi do các sở và các trường ĐH chủ trì.
Chống vỡ trận xét tuyển Đại học- Cao đẳng
Với cách tổ chức tiếp nhận hồ sơ của các trường Đại học- Cao đẳng, Bộ GD&ĐT cho rằng sẽ khắc phục được tình trạng “vỡ trận” trong xét tuyển như đã xảy ra năm 2015.
Năm ngoái, Bộ GD&ĐT tuyên bố nắm độc quyền việc công bố điểm thi trên trang web của Bộ, chỉ có một cổng để tra cứu điểm thi. Trong khi đường truyền của Bộ GD&ĐT chỉ đáp ứng được khoảng 60.000 lượt truy cập cùng một lúc thì đến chiều 22/7/2015, khi chỉ còn vài giờ công bố điểm thi, lượt truy cập dẫn vào xem điểm thi trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT đã lên đến hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu lượt truy cập.
Khi đó, Bộ GD&ĐT mới chia sẻ quyền công bố điểm thi cho 8 trường đại học. Thế nhưng, thời gian quá gấp gáp khiến các trường không thể chuẩn bị kịp về cơ sở hạ tầng nên thí sinh đã bị rơi vào cảnh bồn chồn lo lắng, đứng ngồi không yên vì chẳng thể tra cứu được điểm thi và không có cơ hội để rút hồ sơ về, để nhập vào hồ sơ của trường khác.
Hiện nay, việc thí sinh chỉ được phép đăng ký 2-3 trường đồng nghĩa là phải cân nhắc kỹ lưỡng các lựa chọn. Nếu không thận trọng thì điểm cao vẫn sẽ bị trượt.
Ngoài ra, nếu xét tuyển như vậy sẽ vẫn còn tình trạng thí sinh điểm cao sẽ chỉ đăng ký vào ngày cuối của hạn nộp hồ sơ, đánh bật những thí sinh điểm thấp hơn đã nộp trước đó. Cũng sẽ làm lỡ cơ hội của nhiều thí sinh tưởng mình đã trúng tuyển.
Theo Cúc Phương/baodatviet.vn