Mới đây, tại Quảng Ngãi, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phối hợp tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn hóa dân gian với vấn đề biển đảo”.
Quang cảnh hội thảo khoa học toàn quốc văn hóa dân gian tại Quảng Ngãi.
Tham dự hội thảo, có đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và hơn 50 nhà khoa học, nhà văn hóa, các nghệ nhân dân gian trên toàn quốc.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng nhấn mạnh, công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian với vấn đề biển đảo trong giai đoạn hiện nay là hết sức quan trọng, thông qua hội thảo này, các giáo sư, học giả, nhà nghiên cứu chia sẻ các kết quả nghiên cứu, gợi mở ra những vấn đề mới nhằm đánh giá tổng hợp các tiềm năng và lợi thế về biển, đảo của tỉnh Quảng Ngãi.
Sau báo cáo đề dẫn của Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, GS, TS khoa học Tô Ngọc Thanh, các đại biểu được nghe trình bày 38 tham luận về nghiên cứu văn hóa dân gian với biển đảo. Các tham luận tập trung làm rõ mối tương quan giữa văn hóa của cư dân vùng biển với biển đảo, văn hóa tín ngưỡng với các tập tục thờ cúng thần Nam Hải, thờ cúng người vong thân trên biển, các lễ hội dân gian của cư dân làng chài, diễn xướng âm nhạc dân gian vùng biển nổi tiếng như bài chòi, hát bả trạo…
Các Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, Lễ cầu ngư, thờ thần Nam Hải đã thể hiện quá trình lao động sản xuất của cư dân, tạo nên nhiều giá trị văn hóa dân gian đa dạng, phong phú gắn liền cộng đồng dân cư sinh sống ở vùng ven biển và hải đảo. Tín ngưỡng dân gian, nghệ thuật dân gian biển, đảo thể hiện rõ qua các loại hình truyện kể, ca dao, dân ca, đời sống của cư dân biển đảo. Các nhà khoa học cũng khẳng định, di sản văn hóa dân gian gắn với biển đảo là thêm cứ liệu lịch sử khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên vùng Biển Đông của ông cha xưa.
Từ những luận cứ khoa học đến các hình thức văn hóa dân gian còn lưu giữ, nhiều chuyên gia cho rằng, từ xa xưa, đời sống tâm linh, văn hóa của người Việt đã gắn chặt với cuộc sống miền biển đảo và được lưu giữ đến nay.
Nghệ nhân dân gian hát bả trạo, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi Vũ Huy Bình đọc tham luận nhấn mạnh: “Trong hát bả trạo của ngư dân vùng biển, phản ánh hết đời sống sinh hoạt của ngư dân khi đưa thuyền ra biển đánh cá. Tất cả các làn điệu hát chèo thuyền, kéo lưới, hát nam… Tất cả đều thể hiện hết trong hát bả trạo và không thể thiếu trong cuộc sống của ngư dân làng chài”.
Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam GS, TS khoa học Tô Ngọc Thanh kết luận khẳng định: Các vấn đề về sinh thái và lịch sử của biển đảo, những nhân tố biển đảo trong đời sống văn hóa cộng đồng cư dân ven biển; khai thác các giá trị văn hóa dân gian góp phần phát triển du lịch biển đảo.
Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng chia sẻ, gợi mở những vấn đề nghiên cứu mới nhằm phát huy vai trò của văn hóa dân gian gắn với khai thác có hiệu quả, bền vững tiềm năng kinh tế biển đảo. Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thực hiện có kết quả chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020…
MINH TRÍ
Theo nhandan.com.vn