Cập nhật: 18/07/2016 14:43:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

   

Làng nghề mộc mỹ nghệ An Châu, xã Nga My (Phú Bình) được cấp Bằng công nhận làng nghề từ năm 2013.

Đã nghe danh làng nghề mộc mỹ nghệ An Châu ở xã Nga My (Phú Bình) từ lâu nhưng mãi gần đây, chúng tôi mới có dịp về thăm miền quê này. Theo ông Tạ Văn Hưng, Trưởng làng nghề thì An Châu đã được đón Bằng công nhận làng nghề từ năm 2013. Kể cả các cụ cao niên trong làng cũng không còn nhớ nghề mộc xuất hiện từ bao giờ, tuy nhiên, ngôi nhà cổ nhất ở An Châu, được làm nên từ đôi bàn tay khéo léo của những người thợ trong làng đã hơn 150 năm tuổi. Với truyền thống lâu đời như vậy, nghề mộc đã được truyền qua nhiều thế hệ và ngày càng phát triển mạnh ở mảnh đất này.

Hiện nay, làng nghề mộc mỹ nghệ An Châu bao gồm 6/26 xóm của xã (xóm Cũ, Trại, Ngọc Thượng, Thái Hòa, Cầu Cát, Ngọc Hà). Theo đó, các xóm này có 22 xưởng mộc làm đồ gia dụng gia công cho làng nghề mộc Phú Lâm (Phú Bình), Đồng Kỵ (Bắc Ninh). Ngoài ra, làng nghề còn có 4 tổ thợ lưu động (mỗi tổ có từ 15 đến 30 người) hoạt động chế biến lâm sản, sản xuất sản phẩm thô, hoàn thiện các bộ phận và lắp ghép hoàn thành sản phẩm mộc dân dụng và mỹ nghệ cao. Đặc biệt, các tổ thợ này còn chuyên đi làm nhà cổ cho người dân ở các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc…

Nga My từng là mảnh đất nghèo khó nhất của huyện Phú Bình. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh của nghề mộc, 10 năm trở lại đây, đời sống của không ít hộ dân trong xã đã được cải thiện. Nhiều ngôi nhà xây bề thế; hơn 250 hộ dân ở làng nghề An Châu đã mọc lên đều có xe máy, ti vi… Theo thông tin từ chính quyền xã, từ năm 2011 đến nay, các tổ thợ lưu động của xã đã làm được gần 30 ngôi nhà cổ bằng gỗ, mỗi ngôi nhà có giá từ 8 trăm triệu đến 1,2 tỷ đồng. Những người thợ mộc làm nhà cổ giỏi nhất phải kể đến là ông Tạ Văn Cứ, Tạ Văn Hưng ở xóm Trại. Với đôi bàn tay khéo léo, biết cách tập hợp các tốp thợ cùng đoàn kết, hỗ trợ nhau mỗi khi nhận được đơn đặt hàng, những người thợ mộc có tay nghề cao này đã làm được nhiều ngôi nhà cổ đẹp, được khách hàng đánh giá cao.

Riêng đối với sản xuất đồ gia dụng gia công, chỉ trong 6 tháng đầu năm, các xưởng mộc trong làng đã chế biến được 3.000m3 gỗ các loại, doanh thu ước đạt trên 10 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 130 lao động với mức thu nhập bình quân từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Đơn cử như xưởng mộc của gia đình ông Tạ Văn Hưng, Trưởng làng nghề, thường xuyên giải quyết việc làm cho 12 đến 15 thợ mộc với mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng.

Mặc dù nhiều hộ dân ở An Châu đã sống được bằng nghề mộc, giàu lên từ nghề mộc song trên thực tế, bà con vẫn đang gặp không ít nhiều khó khăn. Trở ngại lớn nhất là con đường duy nhất để vào làng nghề chưa được đổ bê tông nên rất gập ghềnh, khó đi, nhiều ổ trâu, ổ voi sâu tới nửa mét. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Nga My cho hay: Dù là đi bằng ô tô, hay xe máy cũng đều phải mất gần 30 phút mới vượt qua được đoạn đường dài hơn 1km của làng nghề. Vào những ngày nắng còn đỡ vất vả, những hôm trời mưa, đường trơn truội, phải những người có tay lái “rắn” mới dám cho xe ô tô chạy qua đoạn đường này. Giao thông đi lại không thuận tiện khiến cho việc vận chuyển nguyên liệu và hàng hóa của các hộ dân làm nghề ở đây đang gặp rất nhiều khó khăn.

Điều đáng nói nữa là sản phẩm của người dân nơi đây mới dừng lại ở mức gia công nên chưa có “tên tuổi” trên thị trường, vì thế giá bán thấp hơn so với những sản phẩm đã hoàn chỉnh rất nhiều. Đơn cử, một ban thờ làm bằng gỗ mít nếu hoàn thành sẽ có giá 55 triệu đồng, nhưng làm gia công chỉ bán được với giá 30 triệu đồng. Đó là chưa kể tới việc đầu ra cho sản phẩm không ổn định, phải phụ thuộc chủ yếu các làng nghề mộc có truyền thống lâu đời trong và ngoài tỉnh. 

Để tạo điều kiện cho làng nghề mộc mỹ nghệ An Châu phát triển ổn định, mới đây, cán bộ Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới đã đi khảo sát thực tế và có kế hoạch hỗ trợ cho bà con nơi đây xi măng để đổ bê tông con đường theo chương trình của tỉnh vào cuối năm nay. Đây là một thông tin vui đối với người dân An Châu bởi khi đường giao thông được cứng hóa, việc vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa dễ dàng hơn đồng nghĩ với việc khách hàng tìm đến đây mua sản phẩm của làng nghề sẽ nhiều hơn. Về phía người làm nghề mộc, cũng cần có ý thức nâng cao tay nghề, mạnh dạn đầu tư hơn nữa để làm ra các sản phẩm có chất lượng cao, có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

ST

Tệp đính kèm