Cập nhật: 19/07/2016 08:44:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Vào mùa dịch lây qua đường hô hấp, các phụ huynh đều lo lắng việc cần phải cho con mình tiêm vắc-xin gì.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ. (Ảnh: TM)

Vào mùa dịch lây qua đường hô hấp, các phụ huynh đều lo lắng việc cần phải cho con mình tiêm vắc-xin gì. Tuy nhiên, khi đến các điểm tiêm dịch vụ hoặc tiêm chủng mở rộng, một bảng dài các vắc-xin phòng bệnh có thể làm các bố mẹ băn khoăn. Ngay cả khi gặp các bác sĩ tư vấn, việc chọn lựa vắc-xin để sử dụng lại một lần nữa được đặt ra với bố mẹ trẻ. Để giúp các bố mẹ hiểu về vắc-xin và đưa ra lựa chọn đúng, chúng tôi xin giới thiệu các vắc-xin theo trật tự về thời gian để bạn đọc tiện theo dõi.

Sống trong giai đoạn hai của thời kỳ vắc-xin, khi các công nghệ sản xuất vắc-xin đã tương đối hoàn chỉnh và việc chọn lựa loại bệnh để sản xuất vắc-xin chỉ là vấn đề về tính chất nguy hiểm của bệnh và khả năng điều chỉnh công nghệ trong sản xuất vắc-xin. Số lượng vắc-xin phòng bệnh hô hấp đã vượt quá con số 30 loại với 10 bệnh cơ bản: lao, bạch hầu, ho gà, cúm, hib, sởi, Rubella, não mô cầu, phế cầu, thuỷ đậu. Mỗi công ty sản xuất sẽ có những công nghệ riêng cho phép mức độ tinh khiết của vắc-xin khác nhau cũng như đưa vào cơ thể những tá dược hỗ trợ khả năng đáp ứng miễn dịch. Chính bởi lý do đó, việc sử dụng vắc-xin thế nào, phối hợp vắc-xin ra sao trở thành một vấn đề khó khăn cho cả bác sĩ chỉ định tiêm chủng. Ngoài ra, việc tồn tại song song cả hai hệ thống tiêm chủng mở rộng (TCMR) và tiêm chủng dịch vụ  (TCDV) làm người dân có cảm giác vắc-xin TCDV mới tốt và đáng dùng trong khi vắc-xin TCMR dù tốt cũng chỉ để dùng khi không có khả năng chấp nhận vắc-xin TCDV. Vậy thực tế việc này thế nào, liệu có thể chỉ dùng vắc-xin của TCMR được không hay chỉ dùng TCDV được không, bài viết thể hiện quan điểm của tác giả trong việc lựa chọn vắc-xin.

Xét về khả năng bảo vệ và bản chất vắc-xin, có nhiều điểm tương đồng thậm chí giống nhau hoàn toàn giữa vắc-xin TCMR và vắc-xin dịch vụ như vắc-xin phòng lao, vắc-xin sởi - Rubella, vắc-xin bạch hầu, uốn ván. Các vắc-xin này dù là dịch vụ hay TCMR thì chỉ khác nhau về cách đóng lọ còn thì không khác nhau gì. Vắc-xin dịch vụ có ưu điểm là hoàn toàn có thể theo lịch của từng cá nhân, chọn ngày phù hợp mang đi tiêm, còn vắc-xin TCMR chỉ có lịch tiêm cố định, không đến tiêm đúng ngày sẽ bị nhỡ lịch và có thể mất đến 1 tháng để được tiêm lại.

Các vắc-xin khác nhau hoàn toàn do TCMR chưa thể có kinh phí để chấp nhận đưa loại vắc-xin mới vào TCMR như vắc-xin phế cầu, vắc-xin thủy đậu, quai bị, não mô cầu... Đây là những vắc-xin đắt tiền và cần lộ trình dài trước khi có thể đưa vào TCMR. Và khi là vắc-xin TCDV, ta có thể hiểu là “nếu có thì tốt” và không bắt buộc. Nếu có điều kiện nên tiêm đủ các vắc-xin này vì Việt Nam là vùng dịch lưu hành, bất cứ trẻ nào cũng có nguy cơ mắc các bệnh đó.

Về việc lạm dụng vắc-xin: Khái niệm “lạm dụng vắc-xin” có vẻ xa lạ với điều kiện VN khi ta biết điều kiện để tiêm còn khó thì lấy đâu ra mà lạm dụng. Tuy nhiên, có thể có một số vấn đề mà “lạm dụng” vẫn có ý nghĩa.

Lạm dụng liên quan đến chờ vắc-xin: Một khi người sử dụng đã quá tin tưởng và chỉ tin vào vắc-xin dịch vụ, họ dễ dàng bỏ qua cơ hội được tiêm chủng vắc-xin miễn phí trong TCMR để chờ vắc-xin dịch vụ (thời gian qua quá khan hiếm) và kết quả là nhiễm bệnh trong thời gian chờ vắc-xin. Đây là một điều đáng tiếc và lời khuyên của các chuyên gia là cần phải tuân thủ lịch tiêm để đảm bảo tính hiệu quả bảo vệ của vắc-xin. Nếu không có vắc-xin dịch vụ mà vắc-xin TCMR có sẵn thì vẫn có thể dùng mà vẫn đảm bảo khả năng bảo vệ của vắc-xin.

Lạm dụng do dùng sai liều, sai lịch: Điều này có thể lỗi do một phía: người chỉ định nắm sai lịch tiêm hoặc người nhà làm mất sổ tiêm chủng, khai sai tiền sử tiêm chủng dẫn đến việc chỉ định sai vắc-xin. Một vắc-xin có thể bị chỉ định 2 lần dẫn đến mũi tiêm thứ 2 không có tác dụng gì thậm chí còn làm ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của mũi thứ 1.

Lạm dụng khi nghĩ rằng đã tiêm vắc-xin rồi thì không lo bệnh tật: đây là suy nghĩ chưa đúng của cộng đồng. Thực tế là sau khi tiêm có thể tới 95% đáp ứng với vắc-xin, vẫn có một tỉ lệ nhỏ không đáp ứng chưa kể đến việc kỹ thuật tiêm có đúng hay không. Nếu nghĩ là đã tiêm không lo bị bệnh mà bỏ qua các thao tác an toàn dự phòng bệnh thì vẫn có thể nhiễm bệnh. Đây là lý do tại sao có khá nhiều bệnh nhân tiêm vắc-xin sởi vẫn mắc sởi, tiêm DPT vẫn mắc ho gà.

Lạm dụng trong chỉ định vắc-xin. Việc chỉ định tiêm vắc-xin gì, phối hợp ra sao cũng rất cần sự cân nhắc của bác sĩ chuyên khoa. Thực tế về tiêm vắc-xin đã được y văn chứng minh trong việc phối hợp vắc-xin để giảm số mũi tiêm cũng như số lần đến cơ sở y tế tiêm chủng. Hiện nay, một số cơ sở y tế tiến hành tiêm đồng thời nhiều loại vắc-xin khi trẻ đến tiêm cũng là mối lo ngại liên quan đến an toàn tiêm chủng. Rất cần cán bộ chuyên trách được đào tạo bài bản về vắc-xin và miễn dịch để đảm bảo việc chỉ định đúng cho người đi tiêm.

Sau khi đã cân nhắc lợi/hại trong việc sử dụng vắc-xin, các bác sĩ chuyên ngành về tiêm chủng sẽ dựa vào tuổi của người đi tiêm để quyết định loại vắc-xin cần tiêm trong lần này.

BS. Phạm Quang Thái

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm