Thiên Cổ Miếu là tên gọi của ngôi đền nằm trên một quả đồi nhỏ ven đường thuộc thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì. Ngôi đền cổ miếu nằm ẩn mình dưới hai cây táu cổ thụ, gốc to đến năm, sáu người ôm không xuể. Dù chỉ có một gian nhưng ngôi đền khiến khách qua đường không thể không chú ý bởi nét trầm mặc, vẻ cổ kính và còn bởi đôi câu đối ở trong đền:
“Hùng lĩnh trung chi thắng tích
Nam thiên chính khí linh từ”
(Đại ý: Đền thiêng thờ người có chí khí mạnh mẽ, lớn lao của trời Nam).
Sự độc đáo của hai cây cổ thụ ước đoán tuổi đời đã đến nghìn năm và tầm vóc của đôi câu đối phần nào đã được hé lộ trong bản sắc phong và ngọc phả mà người dân thôn Hương Lan vẫn còn giữ được...
Đền Thiên Cổ - thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì
Ngôi đền nằm trong quần thể di tích: Đình Hương Lan, Lăng mộ ba đô sỹ thời Hùng Duệ Vương và miếu Thiên Cổ. Đây là nơi thờ thầy giáo Vũ Thê Lang, vốn quê ở Mộ Trạch, Hải Dương cùng vợ là Nguyễn Thị Thục, quê ở Đông Ngàn, Kinh Bắc lên dạy học từ thời Hùng Vương thứ 18. Hai người cũng là thầy dạy học cho hai công chúa của Hùng Duệ Vương là Tiên Dung và Ngọc Hoa. Hai thầy cô tạ thế cùng một giờ, ngày 2-2 năm Quý Dậu (228 trước Công nguyên), đến nay, ngôi mộ của hai vợ chồng thầy cô vẫn còn ở trong điện.
Trải qua hàng nghìn năm, mưa nắng và sự tàn phá của chiến tranh loạn lạc, ngôi đền nhỏ bao lần đổ nát nhưng vẫn được người dân thôn Hương Lan hết lòng bảo vệ và góp công xây dựng lại. Hàng năm, với tấm lòng “tôn sư trọng đạo” đã có hàng trăm đoàn khách đến thăm viếng, thắp hương tại ngôi đền. Đặc biệt, trong các ngày rằm, mùng một và trước các kỳ thi, rất đông phụ huynh, học sinh không chỉ ở Đất Tổ mà còn ở mọi miền Tổ quốc về đây thắp hương, coi đây là nơi linh thiêng mang lại may mắn và an lành...
Được biết, quần thể di tích Đình - Đền - Lăng (mộ) thôn Hương Lan trong đó có đền Thiên Cổ được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử văn hóa năm 1999. Hai cây táu trước cửa miếu cũng được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam năm 2012. Những chứng tích quý giá còn lại trong đền như sắc phong, ngọc phả, tượng thầy giáo, cô giáo, tượng hai cô học trò: Tiên Dung - Ngọc Hoa với hai thị nữ theo hầu... luôn được chính quyền địa phương và những người trông coi ngôi đền gìn giữ như báu vật.
Với những giá trị về lịch sử, văn hoá, đền Thiên Cổ miếu không chỉ là niềm tự hào của người dân Hương Lan mà còn là một di tích văn hóa có giá trị của dân tộc. Nơi đây cũng là địa chỉ tâm linh, để du khách thể hiện tấm lòng thành kính trước người có công với giáo dục nước nhà cũng như thể hiện sự quan tâm đặc biệt với sự học và truyền thống hiếu học…
ST