Cập nhật: 20/07/2016 10:22:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

   

Trong hai năm liên tiếp 2011, 2012, UNESCO công nhận Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định giá trị các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam trên bản đồ văn hóa thế giới. Trong niềm vui ấy, Phú Thọ thật tự hào khi nhìn lại “kho báu” di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Với nỗ lực cao của các ngành, các cấp và cả cộng đồng, di sản văn hóa phi vật thể ở Phú Thọ đang được bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống hiện đại.

Phú Thọ là mảnh đất thiêng liêng cội nguồn của dân tộc Việt Nam với hàng ngàn năm lịch sử, nơi khởi nghiệp 18 đời Vua Hùng. Nơi đây còn lưu giữ và bảo tồn một khối lượng lớn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú và đặc trưng, phản ánh cuộc sống của cư dân nông nghiệp trong tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của quốc gia, dân tộc. Theo thống kê của ngành VHTT&DL, trên địa bàn tỉnh hiện nay còn 1.372 di tích và các địa điểm liên quan đến di tích. Có 291 di tích đã xếp hạng, trong đó có 1 di tích đặc biệt quốc gia là Khu di tích Lịch sử Đền Hùng, 72 di tích cấp quốc gia, 218 di tích cấp tỉnh. Số lượng di tích được xếp hạng tăng lên đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, là cơ sở quan trọng để bảo tồn không gian văn hóa nhằm gìn giữ các giá trị văn hóa phi vật thể.

Cùng với các giá trị văn hóa vật chất như hệ thống di tích đình, chùa, đền, miếu và các di tích khảo cổ học, Phú Thọ còn có những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc như tín ngưỡng, lễ hội, nghệ thuật trình diễn, hèm tục, dân ca, truyện kể, thơ ca dân gian, mỹ thuật, nghề thủ công truyền thống, y học dân gian, ẩm thực... mang đậm sắc thái cội nguồn. Trong đó, hệ thống lễ hội dân gian là giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, chiếm vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân vùng Đất Tổ từ bao đời nay. Theo thống kê, Phú Thọ có 260 lễ hội các loại, trong đó có 223 lễ hội dân gian,32 lễ hội lịch sử Cách mạng, 5 lễ hội tôn giáo, 1 lễ hội quy mô cấp quốc gia. Hiện tại có 92 lễ hội được bảo tồn, lưu giữ hoàn chỉnh cả phần lễ - hội - trò diễn tại các địa phương; 43 lễ hội được tổ chức thường xuyên hàng năm và trở thành nét văn hóa đặc sắc vùng Đất Tổ. Nhiều lễ hội đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, độc đáo như: Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, hội Trò Trám Tứ Xã, hội Phết Hiền quan, hội Bơi chải Bạch Hạc, hội Xoan Kim Đức, Phượng Lâu, hội rước voi Đào Xá, hội giã bánh dầy Mộ Chu Hạ, hội nấu cơm thi Gia Dụ… Trong đó, có nhiều lễ hội mà tầm ảnh hưởng đã lan tỏa trong một vùng rộng lớn như Lễ hội Đền Hùng mang tính cả nước được kết tinh từ nét đẹp các hội làng của vùng Đất Tổ.

Bên cạnh đó, Phú Thọ còn có các loại hình di sản văn hóa phi vật thể nổi tiếng khác như: Xoan, Ghẹo, Trống quân, Ví ống, Trình nghề, Chàm thau, Đâm đuống, múa Tùng dí, múa Mỡi, múa Chuông, múa Chim gâu xúc tép... của đồng bào các dân tộc; truyện kể dân gian như Truyền thuyết Hùng Vương, chuyện cười Văn Lang. Về ẩm thực có các món ăn đặc sắc của các dân tộc như: xôi ngũ sắc, lợn thui, cá đốt, bánh tai, bánh chưng, bánh dầy... đã khẳng định thêm một lần nữa những dấu tích văn hóa, tín ngưỡng, cuộc sống, phong tục tập quán vô cùng phong phú của các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Những thành tựu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể

Hiện nay, những giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống vẫn đang hiện diện trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Phú Thọ. Mỗi di sản văn hóa đều mang sắc thái riêng của mỗi dân tộc, thể hiện rõ nhu cầu và bản sắc đặc trưng riêng. Đây chính là một tiềm năng dồi dào để phát triển văn hóa, trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhận thức được điều này, tỉnh đã rất quan tâm tới công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể. Trong những năm qua, ngành VHTT&DL đã triển khai đồng bộ công tác về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng Đất Tổ thông qua công tác nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa các tư liệu để đánh giá giá trị của từng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp bảo tồn, khai thác giá trị phù hợp và đạt hiệu quả thiết thực, phục vụ công tác giáo dục truyền thống, quảng bá phát triển du lịch và góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đưa văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, đưa di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể là tài nguyên phong phú và trở thành sản phẩm du lịch lợi thế vùng Đất Tổ.

Trong thời gian qua, nhiều chương trình, dự án có liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã và đang được Phú Thọ thực hiện. Đặc biệt là các đề tài, dự án liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ với tính thực tiễn cao như: “Xây dựng hồ sơ khoa học về Đền Hùng và các di tích thời đại Hùng Vương phụ cận”, “Nghiên cứu tín ngưỡng Hùng Vương tại các di tích tiêu biểu trong toàn quốc”, “Sưu tầm, nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể”, “Điều tra, nghiên cứu đề xuất các giải pháp quản lý khai thác sử dụng các thư tịch Hán Nôm trên địa bàn tỉnh”, “Hát Xoan Phú Thọ”… góp phần quan trọng trong việc xây dựng thành công 2 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại Hát Xoan Phú Thọ và di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Bên cạnh đó tiến hành nghiên cứu các trò diễn dân gian độc đáo trong các lễ hội các làng có liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học về Hát Xoan Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử, văn hóa vùng Đất Tổ; xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hát Xoan Phú Thọ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhiều hoạt động thiết thực như: phong tặng, vinh danh khen thưởng cho các nghệ nhân Hát Xoan; có chính sách hỗ trợ để duy trì hoạt động của các phường Xoan gốc; mở lớp đào tạo nghệ nhân kế cận và truyền dạy Hát Xoan trong cộng đồng; khôi phục miếu Lãi Lèn… đã được tỉnh quan tâm, chỉ đạo sát sao.

 

Múa “ra binh vào tướng” trong Tết nhảy của người Dao Tiền, xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn

Lĩnh vực văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số cũng được quan tâm bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị. Các lễ hội truyền thống, diễn xướng, trò chơi dân gian, phong tục, tập quán, nếp sống đẹp của đồng bào đã và đang được tích cực nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục, bảo vệ. Nhiều công trình, đề tài khoa học đã được đầu tư nghiên cứu và đề ra những giải pháp có tính thực hiễn như: Dự án “Điều tra, khôi phục sưu tầm và bảo tồn múa Chuông, múa Rùa và một số diễn xướng dân gian liên quan đến lễ hội người Dao Phú Thọ”; Dự án “Điều tra, sưu tầm, khôi phục và bảo tồn các diễn xướng dân gian người Mường ở Phú Thọ”. Kết quả nghiên cứu của các dự án đã tạo thuận lợi cho công tác phục dựng và phát huy giá trị nhiều lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc Mường, Dao, Cao Lan, H’Mông như: Lễ tết nhảy của dân tộc Dao quần Chẹt (xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập), lễ hội thổi khèn lá của người H’Mông (xã Mỹ Lương, huyện Yên Lập), lễ hội múa Mỡi dân tộc Mường (xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn), lễ hội của dân tộc Cao Lan (xã Ngọc Tân, huyện Đoan Hùng).

Ngoài ra, 12 lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã phục dựng và phát huy giá trị đặc sắc như: lễ hội của đồng bào dân tộc Mường, dân tộc Dao, dân tộc H’Mông và dân tộc Cao Lan sinh sống tập tung trên địa bàn chủ yếu của 4 huyện: Thanh Sơn, Yên Lập, Tân Sơn và Đoan Hùng. Đây là những lễ hội tiêu biểu, đặc sắc của 3 dân tộc thiểu số ở tỉnh Phú Thọ là dân tộc Mường, Cao Lan, Dao. Những lễ hội trên đã thiết thực góp phần vào việc bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền.

Để di sản văn hóa phi vật thể lan tỏa trong cộng đồng, có thể nói, đến thời điểm này, Phú Thọ đã rất chú trọng, quan tâm tới công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể và đã đạt được những thành tựu đáng trân trọng. Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác trên cả nước, Phú Thọ còn rất nhiều khó khăn trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể với thực trạng nguy cơ thất truyền, mai một của nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể, việc phát huy giá trị các lễ hội truyền thống còn nhiều hạn chế; việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể chưa tương xứng với tiềm năng hiện có; nguồn kinh phí, ngân sách, phương tiện, con người cần đầu tư­, bố trí cho lĩnh vực này còn khó khăn

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, việc cần thiết và cơ bản chính là đưa những di sản văn hóa này trở lại với cộng đồng sinh hoạt văn hóa, bằng cách khơi dậy tình yêu, lòng tự hào đối với truyền thống của dân tộc trong mỗi người dân tới toàn cộng đồng. Thực hiện tốt công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương một cách khoa học và có hệ thống thông qua việc tư liệu hóa, vật thể hóa hệ thống di sản văn hóa phi vật thể nhằm nhận diện và xác định mức độ tồn tại, giá trị và sức sống của từng loại di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng trên cơ sở đó đề xuất phương án bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động trên, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân nhằm thực hiện xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; tăng cường tuyên truyền về bảo tồn văn hóa phi vật thể cho người dân nâng cao nhận thức về truyền thống văn hóa của dân tộc để từ đó mỗi cá nhân có ý thức bảo vệ di sản. Đồng thời đưa di sản văn hóa phi vật thể vào bảo quản trong các kho tư liệu, vào giảng dạy trong nhà trường, tổ chức sinh hoạt trong cộng đồng hay tại các bảo tàng và có chính sách, chế độ cho các nghệ nhân, những cá nhân có công sức gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc…

 

ST

 

Tệp đính kèm