Ảnh: Internet
Sáng một ngày cuối tuần, nắng xuân muộn tỏa gắt khiến con đường phố huyện khô hanh bụi mù. Trên mọi ngả dẫn về phía cổng chợ, lấp loáng những nếp váy thổ cẩm rung rinh theo nhịp bước của phụ nữ Mông, Tày, Nùng, Mán đen, Phù Lá (Bắc Hà, Lào Cai). Họ đi từng tốp, trên lưng một chiếc gùi hoặc địu theo đứa bé đen nhẻm, má nẻ hây hây. Chợ phiên vui vì người đông đúc. Chợ phiên đẹp vì thổ cẩm. Thổ cẩm thêu dệt cầu kỳ nhiều mầu sắc bày bán không mấy người mua. Mua làm chi khi người miền núi nhà nào cũng có người biết dệt vải. Người đồng bằng nhìn thức ấy cũng thích, song nghĩ mang về nhà chả mặc được, thành ra chật tủ. Khách ngoại quốc lại không mấy khi có thói quen đi đâu sắm đấy. Cuối cùng chợ phiên không phải chỉ để bán mua.
Ấy là cái giá trị tinh thần, hầu như là nguồn vui duy nhất của dân bản khi mỗi ngày đều háo hức chờ đến cuối tuần. Người bày ra vài thứ nông cụ, người cắp theo mỗi con gà, người có con lợn nhỏ xíu, rồi những quả ớt khô túm thành chùm dài, rượu ngô đóng can, mía nương bày nguyên dóng. Góp lại thành chợ. Chỉ có thế thôi, mà mong, mà ngóng từng ngày để được đi chợ khoe váy áo, để con trai con gái được gặp nhau lúng liếng đuôi con mắt, để đàn ông gặp bạn nhấp chén rượu ngô bên nồi thắng cố đậm đà hương vị núi. Chợ tình Sa Pa giờ không còn nữa, chợ Sa Pa cũng thành ra chợ miền xuôi mất rồi! Giữa Sa Pa mà nhác thấy nhà hàng, khách sạn, quán bar, cafeteria… cứ ngỡ đâu như đang ở thị trấn Pháp. Nhưng Bắc Hà đây thì dẫu đã xi-măng, trải nhựa, nhưng vẫn còn nguyên đó cái không gian trữ tình hoang sơ nô nức của mỗi phiên chợ vùng cao. Chẳng thế mà trong top 10 chợ hấp dẫn nhất Đông - Nam Á do tạp chí Serendib (Xri Lan-ca) bình chọn thì chợ Bắc Hà xếp số 1, rồi mới đến chợ Luang Prabang (Lào), chợ đêm Chiengmai (Thái-lan), chợ Bedugun (In-đô-nê-xi-a)...
Những người phụ nữ Mông ở chợ Bắc Hà ngây thơ như trẻ em. Khách muốn chụp chung một tấm ảnh với họ thường phải cân nhắc trước một đề nghị tươi rói mang âm sắc lơ lớ “Chụp ảnh rồi cho tiền nhá”. Nói là thế thôi nhưng chỉ cần tặng cho đứa trẻ mắt đen nhánh đằng sau địu kia một vài chiếc kẹo thì người mẹ trẻ cũng vui lòng. Chụp xong, họ quên luôn “vụ áp phe” vừa thương thảo và xúm vào đòi xem ảnh rồi toét miệng cười khúc khích.
Đến cuối chợ, trèo lên những bậc thang xi-măng, ở trên ấy có chợ trâu. Trâu đứng, trâu nằm la liệt, còn nguyên bùn khô quánh dưới nắng hanh. Khách ở chợ trâu chủ yếu là nam giới. Họ xem trâu như dân đồng bằng xem xe hơi. Người như tôi, đi chợ phiên Bắc Hà khó mà mua được thứ gì. Trâu, bò, lợn, gà, nông cụ, xống áo thì chẳng dùng được rồi, đồ ăn vặt chủ yếu có mía nương bán cả dóng, cũng ngại, vì con gái Bắc Hà ăn mía cứ để nguyên cả đẵn mà tước vỏ bằng răng.
Cuối cùng chỉ muốn ăn thử món thắng cố, phở chua và mèn mén cho bữa trưa, là những đặc sản ở nơi này. Nhiều vùng có thắng cố, nhưng thắng cố Bắc Hà được đánh giá cao hơn cả. Thắng cố được làm từ thịt lợn, bò, dê, chó… Tất tật thịt, xương, lục phủ ngũ tạng của con vật được chặt nhỏ rồi cho vào chiếc chảo khổng lồ ninh nhừ lên với các loại gia vị. Dưới mái lều thấp lúp xúp, chảo thắng cố đen cáu bốc khói nghi ngút trên bếp than củi và những can rượu ngô thơm lừng có một ma lực khủng khiếp đối với người Bắc Hà. Cũng như người Ý sẽ ứa nước miếng bên đĩa spagheti và một chai vang Ý, người Nga sẽ lấp lánh tươi vui với bát súp củ cải đỏ, trứng cá muối và ly vại Vodka thì ở đây tôi cũng thấy người bản địa rất sung sướng và hãnh diện với cái món ăn mà tôi không thể. Cuối cùng đành tự hài lòng với một đĩa thịt lợn mán tẩm riềng nướng trong một nhà hàng dành cho khách du lịch ngay đầu thị trấn. Cũng thơm ngon tuyệt và rất thú vị khi có mặt ở chợ phiên Bắc Hà vào dịp cuối tuần.
Theo nhandan.com.vn