Cập nhật: 23/07/2016 10:45:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hàng năm, từ 13 đến 16 tháng 9 Âm lịch, tại thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, Hội chùa Cổ Lễ lại được tổ chức tưng bừng với rất nhiều trò chơi dân gian vui nhộn. Hấp dẫn nhất là cuộc thi bơi thuyền truyền thống trên dòng sông uốn lượn quanh chùa.

Hội chùa Cổ Lễ được tổ chức hàng nằm nhằm suy tôn Thiền sư, pháp sư Nguyễn Minh Không tổ sư nghề đúc đồng. Đây cũng là một trong những hội chùa nổi tiếng khắp miền Bắc với những hoạt động văn hóa cổ truyền như lễ rước Phật, đấu vật, đánh cờ người... Đối với nhiều người dân trong vùng, hội chùa Cổ Lễ chính là cái Tết thứ hai trong năm.

Chùa Cổ Lễ  hay Quang Thần tự là một ngôi chùa nằm ở thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Vào thế kỷ 12, thiền sư Nguyễn Minh Không đã tu luyện thành chính quả và xây dựng ngôi chùa này. Sinh thời, ngài chỉ là một người nông dân của huyện Nam Ninh, đến năm 29 tuổi, ngài đi tu và trở thành một vị sư nổi tiếng về chữa bệnh. Sư Minh Không đã chữa bệnh cho hàng ngàn người dân. Bởi vậy, chùa Cổ Lễ vừa thờ Phật lại vừa thờ ngài (tức là đức thánh Nguyễn Minh Không).

Ngôi chùa hiện nay là do Hòa thượng Phạm Quang Tuyên cho thiết kế và xây dựng vào năm 1920 bằng những vật liệu truyền thống gồm gạch và vữa làm từ vôi, mật mía, giấy bản. Chùa là một quần thể kiến trúc có bố cục tiêu biểu cho chùa miền Bắc từ tam quan, tháp, chùa chính, hội quán, nhà tổ, đền thờ. Sự bố trí khéo léo giữa các kiến trúc và khoảng sân vườn làm người ta có cảm giác chùa rộng lớn hơn diện tích thực. Sau nhiều lần trùng tu chùa Cổ Lễ đã trở thành một danh lam ở vùng đồng bằng sông Hồng. Hội chùa từ 13 đến 16 tháng 9 Âm lịch hàng năm, có nhiều nghi thức văn hóa cổ truyền giàu tính nhân văn như lễ rước Phật, đấu vật, đánh cờ người..., đặc biệt là được xem cuộc thi bơi chải truyền thống trên dòng sông uốn lượn quanh chùa.

 

Chùa Cổ Lễ

Niềm tự hào lớn của chùa Cổ Lễ là quả chuông cao 4,2m, nặng 9 tấn, miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước. Nhiều cụ già ở đây còn kể lại rằng vào năm 1936, trong lúc nấu đồng đúc chuông, một số người dân đã tháo trang sức bằng vàng, bạc đang đeo thả vào dòng kim loại nóng chảy.

Điều làm nên nét độc đáo của chùa Cổ Lễ là chính điện có cấu trúc mái vòm theo kiến trúc gothique nên tòa nhà này trông phảng phất dáng vẻ của một giáo đường Thiên chúa. Kiến thức rộng lớn, khả năng sáng tạo và tinh thần cởi mở của hòa thượng Phạm Quang Tuyên, người thiết kế nên ngôi chùa này thật đáng để hậu thế ngưỡng mộ.

Ngoài ra, chùa còn có tháp Cửu Phẩm Liên Hoa 12 tầng đặt trên lưng một con rùa lớn. Con rùa nằm giữa một hồ nước hình vuông, bốn góc là bốn hòn giả sơn có đắp bốn con voi kích thước tương đương với voi thật. Tháp cao 32m, có tám mặt, các cạnh tháp đều đắp hình rồng, mái cong rất tinh xảo. Trong lòng tháp có 62 bậc theo đường xoáy trôn ốc dẫn lên bàn thờ Phật đặt trên đỉnh.

Từ trên đỉnh tháp nhìn xuống sẽ thấy những cánh đồng lúa như tấm lụa xanh dài vô tận. Thấp thoáng phía đằng xa, thành Nam nhỏ bé như bàn tay. Một chiếc cầu cong ba nhịp nối liền khu tháp với một tòa kiến trúc mái vòm cao là Phật giáo hội quán. Bên trái hội quán là dãy nhà thờ Trần Hưng Đạo, gần đó là đền thờ Bà Liễu Hạnh. Trong mùi hương trầm thoang thoảng, tiếng mõ đều đều, tiếng đọc kinh ngân nga văng vẳng, đây quả là nơi di dưỡng tinh thần không chỉ dành riêng cho những người mộ đạo.

Hội chùa Cổ Lễ một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của tỉnh Nam Định còn bảo lưu được nhiều nghi thức văn hóa cổ truyền giàu tính nhân văn như lễ rước Phật, đấu vật, đánh cờ người..., phản ánh đời sống văn hóa phong phú, đa dạng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Đặc biệt là được xem cuộc thi bơi chải truyền thống trên dòng sông uốn lượn quanh chùa, để hình dung sự gắn bó của Thánh với đồng đất, kênh rạch nơi đây./.

 

ST

 

Tệp đính kèm