Cập nhật: 24/07/2016 08:47:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đã xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo quyết định số 460 – QĐ/BT ngày 18  tháng 3 năm 1996. 

Đình Quất Lưu được tạo dựng từ thời Hậu Lê, thờ vợ chồng Đạm Xương, Tuấn Công và em trai bà Đạm Xương – ông An Bình Lý. Đây là những vị anh hùng đã tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đánh đuổi phong kiến Trung Quốc đem lại nền độc lập, tự do cho dân tộc. Để tỏ lòng biết ơn, nhân dân địa phương đã lập đền đình thờ tưởng niệm.

Đình Quất Lưu có qui mô kiến trúc vừa, được làm vào triều Hậu Lê thế kỉ XVII. Đình nằm trên khu đất thoáng đẹp, với địa danh dân gian gọi là núi Sơn Tiêu. Đình trông hướng Nam nhìn thẳng ra cánh đồng.

Đình xưa kia được xây dựng theo kiến trúc nội vương ngoại quốc. Sau bao cuộc chiến tranh, hiện nay Đình chỉ còn trang trí theo kiểu chữ nhật gồm 5 gian với diện tích là 251m2. Kĩ thuật xây dựng theo kiểu vì kèo theo kiểu con rồng, tứ trụ lòng truyền, cột đôi cánh se, tạo cho dáng đình cao mà hóa thấp, tạo thành hình nấm vững chắc. Đình được xây dựng theo kiểu 6 hàng chân cột, gồm 48 cột, các chân cột đều có các tảng đá kê. Vật liệu xây dựng bằng gỗ lim, ngói mui, gạch nung chín, có lợp điểm ngói sang cầu, kết cấu bằng vôi vữa, trên nóc đắp bờ giữ tạo thành 4 góc. Nhìn chung, với kết cấu vật liệu vững chắc, kĩ thuật xây dựng cao, mộng sàm chặt khít. lực dồn hết vào đầu 48 cột tạo cho đình làng thêm chắc khỏe tồn tại hàng mấy trăm mấy trăm năm, thử thách với thời gian cho đến ngày nay.

Căn cứ vào kiến trúc nghệ thuật hiện tại của đình, như có 8 đầu rồng, có các lông mao đục chạm thành những hoàng đao móc hết về phía sau; trong 18 đầu bay, có 8 đầu bay có đục chạm các cụm có hình đao móc đặc biệt bộ cực võng thờ biểu hiện nghệ thuật thời Hậu Lê là chủ yếu, từ đó, khẳng định rằng Đình Quất Lưu được xây dựng vào thế kỉ XV dưới 300 năm.

Tính chất nổi bật của Đình Quất Lưu là điêu khắc nghệ thuật mang đậm kiến trúc của hai vương triều Hậu Lê và triều Nguyễn. Các nghệ nhân ở thế kỉ XV, XVIII, XIX và đầu thế kỉ XX, với bàn tay tinh sảo của mình, với kĩ thuật đục bóng chạm nổi, đục thùng, gắn ghép tinh vi thể hiện đề tài chủ đạo là đầu rồng, con rồng, tứ linh, cụm mây hoa lá. Sự sắp xếp mang tính cân đối hài hòa, chấp hành luật đối xứng. Qua đó, phản ánh được tâm lí truyền thống của cư dân Đồng bằng Trung du Bắc Bộ cầu mong mưa thuận gió hòa, dân khang vật định – thể hiện đậm nét tín ngưỡng phồn hoa của người Việt Cổ.

Việc trang trí thể hiện tập trung vào gian giữa mà trọng điểm là võng đúc thượng cung. Nếu nhìn tổng thể nội thất của Đình thì các nghệ nhân đã tạo ra không gian có góc cạnh rõ nét, có giá trị thẩm mĩ cao. Các bức ván bưng với kĩ thuật đục bóng, chạm nổi, các nghệ nhân thời Nguyễn đã tạo hình các bức tranh gỗ nổi tuyệt đẹp, đối xứng nhau, đỡ từ và tứ linh, ví dụ như hai bức tranh khắc gỗ đối xứng nhau ở phía trong đình. Mỗi bức có kích thước cao 6m50, mỗi bức được bố trí phần trên là phượng múa, phần dưới là lẩn chầu, bên cạnh là đục chạm mây nước hóa rồng. bức bên phải có đề 4 chữ nho “Phượng hoàng lai tướng” Bức bên trái đề 4 chữ “Kì lân xuất chiêu”. Chính diện của gác thượng cung là bộ cửa vàng gồm có ba cửa, trên cùng treo bức tranh sơn son, thếp vàng có khắc 4 chữ “hồng lạc phân thùy” làm ngôi đình tăng thêm vẻ trang nghiêm.

Hiện nay, Đình Quất Lưu còn giữ gìn được 12 hiện vật các loại có giá trị: chất liệu bằng gỗ (còn một mâm sơn son, thếp vàng; một án thờ đục chạm tứ linh); chất liệu bằng đồng có 1 bát hương ; chất liệu bằng sứ gồm một bát hương sứ; chất liệu đá còn hai con rùa bằng đá để học đứng lên trên…tiêu biểu là bộ Kiện văn được làm ở thời Hậu Lê, được sơn son thiếp vàng lộng lẫy, các đầu rồng được đục chạm trang nghiêm.

Nhìn chung, Đình Quất Lưu là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc thời Hậu Lê và triều Nguyễn có giá trị văn hóa lịch sử, khoa học, nghệ thuật cần được bảo tồn và phát huy giá trị.

ST

Tệp đính kèm