Dự báo, điểm sàn xét tuyển vào đại học năm 2016 có thể giảm. Năm nay, sẽ bỏ điểm sàn ở bậc cao đẳng.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016
Hôm nay (28/7), Bộ GD-ĐT chính thức công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng tuyển sinh đầu vào ĐH (điểm sàn) năm 2016.
Trong buổi sáng, Hội đồng xác định điểm sàn sẽ nhóm họp để đưa ra mức điểm sàn xét tuyển vào ĐH. Sau đó, Bộ GD-ĐT sẽ công bố chính thức với thí sinh cả nước biết.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, các khối A, A1, B, phổ điểm có vẻ nhích hơn năm 2015 về phía điểm cao. Trên tổng chỉ tiêu các trường ĐH đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi THPT khoảng 300.000, điểm sàn sẽ phải đảm bảo hai vấn đề, đảm bảo ngưỡng chất lượng tối thiểu và dôi dư để đủ cho các trường có thể tuyển sinh.
Phân tích phổ điểm 2016, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng cho rằng, điểm trung bình các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh cao hơn năm ngoái nên kéo phổ điểm khối A, A1, B nghiêng về bên phải nhiều hơn.
Có nghĩa là số thí sinh đạt điểm trung bình và khá lớn hơn năm 2015. Mặt khác, năm nay không có nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối nhưng phổ điểm phân bố rất đều. Chính vì vậy, các trường top trên dễ tuyển sinh hơn năm ngoái và không cần đến tiêu chí phụ hay phụ thuộc vào mức điểm sàn mà Bộ GD-ĐT đưa ra.
Đối với khối D, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, kết quả cũng tương tự năm 2015. Điểm trung bình môn Ngoại ngữ thấp nhưng số lượng thí sinh thi đông. Vì là môn thi bắt buộc. Nếu lấy mức điểm trung bình (từ điểm 5) hoặc trên trung bình thì số thí sinh vẫn rất lớn, không ảnh hưởng đến nguồn tuyển của khối D.
PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định khẳng định: Điểm thi năm nay không cao hơn năm ngoái. Tuy nhiên, điểm sàn bằng hay thấp hơn so với 2015 thì Bộ GD-ĐT tiếp tục phân tích và hội đồng xác định điểm sàn sẽ nhóm vào sáng 28/7 để đưa ra mức điểm cụ thể.
Phân tích dự báo ngưỡng điểm sàn năm nay, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội dự đoán, năm nay, điểm chuẩn của các ngành so với năm 2015 có thể thấp hơn. Nhìn vào điểm thi THPT Quốc gia 2016 ở các cụm thi thì có thể thấy phổ điểm thấp hơn năm ngoái.
Việc xác định điểm sàn cũng phải đảm bảo chất lượng tuyển sinh đầu vào và nguồn tuyển sinh được giao ở các trường ĐH, CĐ. Vì thế, có thể mức điểm sàn năm nay vẫn giữ như năm 2015.
Năm 2015 là lần đầu tiên thực hiện kỳ thi THPT Quốc gia, điểm sàn ĐH chỉ có một mức duy nhất là 15 điểm cho tất cả các khối thi và 12 điểm cho khối CĐ.
Còn năm nay, tùy thuộc vào điểm thi, phổ điểm thí sinh đạt được trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016 và một số yếu tố khác, Hội đồng xác định điểm sàn của Bộ GD-ĐT sẽ nhóm họp để đưa ra mức điểm cụ thể đối với ngưỡng đảm bảo xét tuyển vào các trường ĐH.
Điểm đặc biệt mới là năm nay, Bộ GD-ĐT bỏ qua mức điểm sàn đối với hệ CĐ. Theo đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với hệ CĐ là tốt nghiệp THPT. Đây là một trong những điểm mới được đưa ra trong Thông tư về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BGDĐT ngày 26/2/2015 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vừa được ban hành.
Luật Giáo dục nghề nghiệp đã thống nhất việc hợp nhất đào tạo CĐ và CĐ nghề. Như vậy, theo quy định mới trong xét tuyển vào các trường CĐ, thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT là có thể được nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường CĐ nghề hoặc CĐ khác.
Về phía các trường CĐ có thể tuyển chọn người vào học dựa trên kết quả tốt nghiệp THPT của thí sinh theo kết quả cao nhất cho đến hết chỉ tiêu. Ngoài ra, các trường có quyền đưa thêm những quy định, điều kiện cần thiết để có được nguồn tuyển vào trường đảm bảo chất lượng.
Việc Bộ GD-ĐT đưa ra quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với hệ CĐ là tốt nghiệp THPT đã cho thấy, Bộ GD-ĐT xóa bỏ mức điểm sàn duy trì suốt 14 năm qua đối với hệ đào tạo này, kể từ khi bắt đầu thực hiện tuyển sinh theo hình thức ba chung (chung đề, chung ngày thi và chung kết quả xét tuyển).
Theo PGS.TS Trần Văn Nghĩa, hệ CĐ nghề hiện không có ngưỡng xét tuyển đầu vào nên việc đào tạo hệ CĐ cũng nên bỏ điểm sàn. Năm 2015, nếu để điểm sàn hệ CĐ là 12 điểm thì tỷ lệ học sinh đạt 12 điểm và đỗ tốt nghiệp THPT gần bằng với nhau. Chính vì những lý do trên mà Bộ GD-ĐT quyết định bỏ mức điểm sàn hệ CĐ.
Với bậc ĐH, căn cứ kết quả thi trung học phổ thông quốc gia của thí sinh, Bộ GD-ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường tuyển sinh dựa trên điểm thi THPT Quốc gia xây dựng phương án xét tuyển.
Đối với trường sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6,0 đối với hệ ĐH (theo thang điểm 10)./.
Theo Bích Lan/VOV.VN