Cập nhật: 29/07/2016 08:55:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hôm qua (28/7), Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã cử các đoàn công tác nắm bắt tình hình thiệt hại và phối hợp với các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), các đoàn công tác xuống địa phương với nhiệm vụ đánh giá tình hình ngập úng lúa, hoa màu và cây ăn quả, đồng thời cùng với địa phương bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn. Trước mắt là tiêu úng thoát nước, cứu được những diện tích đang bị ngập úng. Đối với những diện tích không thể cứu được phải có các biện pháp tiếp theo bảo đảm sản xuất và thu nhập cho nông dân.

“Chúng ta có thể sử dụng các giống lúa ngắn ngày, áp dụng biện pháp gieo xạ rút ngắn thời gian sinh trưởng, hoặc những loại cây rau màu thay thế để khôi phục sản xuất. Đoàn sẽ tập hợp thiệt hại để báo cáo với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Chính phủ để đề xuất những chính sách hỗ trợ, giải quyết nhanh nhất góp phần giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra”, ông Cường cho biết.

Hiện nay, diện tích lúa mùa đang bị ngập với tỉ lệ phần trăm diện tích khá cao. Nếu như mưa lớn tiếp tục xảy ra thì diện tích lúa thiệt hại sẽ tăng lên. Thời gian ngập úng kéo dài ảnh hưởng lớn đến năng suất và sản xuất vụ mùa cũng như sản xuất rau màu, thậm chí là cây ăn quả.

Ông Cường nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn các địa phương sử dụng mọi nguồn lực có thể, tìm mọi cách tiêu úng thoát nước cứu lúa, cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm sửa chữa sự cố về điện và cung cấp điện để tiêu úng giảm thiểu thiệt hại. Đề nghị Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan thường xuyên bám sát tình hình thực tế. Bởi có bám sát tình hình thực tế chúng ta mới có thể phát hiện ra những vấn đề phát sinh. Từ đó, đưa ra những giải pháp khắc phục kịp thời. Người dân cần bình tĩnh thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn để khôi phục sản xuất và giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do cơn bão số 1 gây ra”.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn, tình hình thiệt hại ban đầu tính đến chiều 28/7, cơn bão số 1 đã làm 1 người mất tích (anh Phạm Văn Cường, sinh năm 1985 ở Quảng Tiến, Sầm Sơn, Thanh Hóa, thuyền viên trên tàu TH 90298 bị hỏng máy và chìm cách đảo Hòn Mê khoảng 3,5 km, trên tàu có 6 thuyền viên, trong đó 5 người đã được tàu TH 90817 đi cùng cứu vớt).

Có 12 tàu cá bị chìm: Nam Định 7 tàu cá bị chìm (Đồn biên phòng Quất Lâm đã cử 6 cán bộ chiến sĩ, 2 phương tiện cứu nạn đưa người trên phương tiện vào bờ an toàn), Thanh Hóa 2 tàu cá bị chìm, Hải Phòng 3 tàu cá bị chìm.

Tổng diện tích lúa bị ngập úng là 196.279 ha (Nam Định 77.800 ha; Thái Bình 50.000 ha; Ninh Bình 37.000 ha; Hà Nam 18.000 ha, Hải Phòng 11.288 ha; Hà Nội 1.541 ha; Hòa Bình 650 ha). Tổng diện tích rau màu bị hư hại là 20.794 ha; 5.562 cây bị đổ. 130 ha diện tích nuôi trồng thủy sản tại tỉnh Nam Định bị thiệt hại; 1 nhà bị sập đổ hoàn toàn tại tỉnh Hà Nam; 1.425 nhà bị tốc mái hư hỏng (Hà Nam 967 căn, Hà Nội 458 căn); 27 phòng học tại tỉnh Thái Bình bị hư hỏng…

Mất điện trên diện rộng từ đêm 27/7 tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình. Một số hồ chứa có mực nước cao so với thiết kế: Trại Muối (Bắc Giang) 102%; Quán Chẽ (Thái Nguyên) 100%; Vĩnh Thành (Vĩnh Phúc) 102%... Hiện các hồ chứa (bao gồm hồ chứa thủy điện) ở các tỉnh miền núi phía bắc vẫn được vận hành bảo đảm an toàn.

Đỗ Hương

Theo baochinhphu.vn

Tệp đính kèm