Từ TP Nam Định theo quốc lộ 21 hoặc xuôi theo dòng sông Hồng khoảng 20km về phía đông nam, sẽ bắt gặp làng dệt lụa Cổ Chất tươi đẹp nằm bên dòng sông Ninh hiền hòa (thuộc xã Phương Định, Trực Ninh).
Khi đến làng nghề Cổ Chất, ta dễ dàng bắt gặp những
bó tơ vàng, tơ trắng óng ả phơi trên những thanh sào tre.
Theo các bậc cao niên trong làng, nghề tơ tằm ở đây đã có từ lâu đời. Thời thuộc Pháp, tơ Cổ Chất trở nên cực kỳ nổi tiếng đến độ vào khoảng đầu thế kỉ XX, giới tư bản Pháp đã cho đầu tư xây dựng một nhà máy ươm tơ ở ngay đầu làng để khai thác kỹ năng lao động lành nghề của người dân địa phương và tiềm năng vùng dâu tằm dọc bờ sông Ninh.
Từ đây, nghề làm tơ ở Cổ Chất bắt đầu phát triển mạnh. Thương nhân các nơi thường tìm về Cổ Chất thu mua tơ lụa, đem bán ở bến Đò Chè, một khu cảng sầm uất của Nam Định thời kì trước năm 1945. Rồi cùng với sự thăng trầm của thời gian, chiến tranh đã tàn phá nương dâu, lò ươm sụp đổ, thiên tai làm hư hại đất trồng dâu tằm bên bờ sông Ninh, có những lúc tưởng như không thể tiếp tục duy trì làng nghề, nhưng cho dù bao phen sóng gió của lịch sử kéo dài vài trăm năm thì tơ Cổ Chất vẫn là sản vật quý của tỉnh Nam Định cho đến tận ngày nay và góp phần ấm no cho cuộc sống của người dân nơi đây.
Khi đến với làng nghề Cổ Chất, ta dễ dàng bắt gặp những bó tơ vàng, tơ trắng óng ả phơi trên những thanh sào tre. Mỗi hộ gia đình ở đây có thể ví như một lò ươm tơ. Trong những xưởng kéo tơ thì nhân lực chủ yếu là phụ nữ, các bà, các chị miệt mài làm việc bên nồi nước luộc kén khói tỏa nghi ngút.
Trong khi đàn ông và con trẻ giúp những công đoạn còn lại, có thể được coi là nhẹ nhàng hơn. Ở làng Cổ Chất người ta ươm cả tơ trắng và vàng, kén tằm được thu mua từ các vùng lân cận và xa hơn như Thanh Hóa, Thái Bình…
Kén tằm trưởng thành trong thời gian khoảng 25-30 ngày được đem đi kéo sợi. Bà Nguyễn Thị Huân, chủ một cơ sở sản xuất tơ ở làng Cổ Chất cho biết: “Từ lúc tằm ăn lá dâu cho đến lúc sinh ra kén để có thể kéo thành sợi tơ khoảng hơn 30 ngày. Tơ kéo xong đem quấn vào ống rồi phơi khô là đã có thể bán được, còn có những hộ giữ lại tơ để dệt thành lụa”.
Tơ thành phẩm được các thương lái về tận làng mua xuất đi các vùng dệt lụa như Vạn Phúc (Hà Nội) và sang cả các nước như Lào, Campuchia và Thái Lan... Tơ Cổ Chất hiện có giá dao động khoảng 850.000 đồng/kg.
Tơ Cổ Chất dù được làm thủ công hay bằng máy cũng đều rất đẹp và có chất lượng tốt. Sợi tơ thanh mảnh, mềm mại nhưng rất bền và có màu sắc tươi sáng. Ngày nay, để giữ lại nét truyền thống vốn có thì người già trong làng vẫn thường làm tơ theo phương pháp thủ công như một thói quen và lòng yêu nghề truyền thống của quê hương.
Trong khi đó, giới trẻ đã mạnh dạn đầu tư áp dụng máy móc vào nghề này để đạt được năng suất và sản lượng tơ lụa cao hơn. Và đó cũng là một tín hiệu đáng mừng cho thấy một nghề truyền thống quý báu của địa phương đã không bị mai một.
ST