Cập nhật: 01/08/2016 09:56:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Nghị định quy định về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.

Ảnh minh họa

Bộ Giao thông vận tải cho biết, Nghị định số 128/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam được xây dựng trên cơ sở kế thừa nội dung điều chỉnh của Nghị định số 18/2006/NĐ-CP ngày 10/02/2006 của Chính phủ về xử lý tài sản chìm đắm ở biển và là văn bản cụ thể hóa các chế định cơ bản về trục vớt tài sản chìm đắm đã được Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005 điều chỉnh.

Kể từ khi có hiệu lực đến nay, Nghị định số 128/2013/NĐ-CP đã có những tác động nhất định, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước đối với việc xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam và hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này, góp phần tích cực vào thành tựu phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước và ngành Hàng hải nói riêng.

Tuy nhiên, trong các năm 2014 và 2015, Quốc hội đã ban hành Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015, Bộ luật Dân sự 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy năm 2014, vì vậy, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 128/2013/NĐ-CP là cần thiết để phù hợp với những quy định mới tại các Văn bản Luật cũng như điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với công tác xử lý tài sản chìm đắm trên thực tiễn.

Bộ Giao thông vận tải đã dự thảo Nghị định quy định về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam gồm 5 chương, 33 điều.

Dự  thảo được xây dựng trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Nghị định số 128/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam, bổ sung những nội dung chưa được điều chỉnh và sửa đổi những quy định chưa rõ, còn thiếu thống nhất.

Cụ thể, tại dự thảo, Bộ Giao thông vận tải đề xuất quy định lại thời hạn thông báo và tổ chức trục vớt tài sản chìm đắm để phù hợp với thực tế hoạt động. Theo Nghị định số 128/2013/NĐ-CP, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo về tài sản chìm đắm, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án thăm dò, trục vớt quyết định thời hạn dự kiến kết thúc hoạt động trục vớt hoặc quy định cụ thể thời hạn chủ sở hữu tài sản chìm đắm phải kết thúc hoạt động trục vớt nhưng thời hạn này không được quá một năm kể từ ngày phương án trục vớt được phê duyệt. Theo dự thảo, kể từ ngày nhận được phương án trục vớt tài sản chìm đắm, cơ quan có thẩm quyền phải phê duyệt phương án theo thời hạn sau: Không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định. Trường hợp phương án trục vớt phức tạp thì thời hạn phê duyệt không quá 30 ngày; đối với phương án trục vớt tài sản chìm đắm gây nguy hiểm, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phải tổ chức phê duyệt ngay nhưng không quá thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm nhận được hồ sơ theo quy định. Đồng thời, quy định cụ thể thời hạn chủ sở hữu tài sản chìm đắm phải kết thúc hoạt động trục vớt với điều kiện thời hạn không được quá một năm kể từ ngày phương án trục vớt được phê duyệt, trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng.

Bên cạnh đó, bổ sung thẩm quyền phê duyệt phương án trục vớt tài sản chìm đắm và quyết định tổ chức trục vớt đối với tài sản chìm đắm liên quan đến an ninh quốc gia của Bộ Công an cho phù hợp với quy định của Bộ luật Hàng hải 2015. Bổ sung quy định về việc ưu tiên trục vớt tài sản không sử dụng ngân sách nhà nước nằm khuyến khích xã hội hóa trong công tác này, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Bộ cũng đề xuất sửa đổi nguồn kinh phí được ứng trước cho việc xử lý tài sản chìm đắm gây nguy hiểm…

Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Theo baochinhphu.vn

Tệp đính kèm