Cả nước hiện đã có 47 tỉnh, thành phố công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân về tình hình vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, trong đó, đường dây nóng của 8 tỉnh, thành phố bước đầu phát huy hiệu quả, được dư luận đồng tình và đánh giá cao.
Một hộ gia đình dựng nhà cửa trên đất nông nghiệp, đất công ích của Nhà nước bất
hợp pháp tại phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Văn Thắng/TTXVN)
Thực hiện Quyết định số 1014 ngày 6/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thành lập Tổ công tác giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, đến nay các Tổ công tác của Bộ đã nhanh chóng nắm bắt tình hình thực tiễn, triển khai làm việc tại 8 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở báo cáo của các Tổ công tác và địa phương về việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bước đầu đã ghi nhận được nhiều kết quả tích cực.
Từ ngày 22/4-30/6, Bộ đã tiếp nhận 1.304 thông tin phản ánh, trong đó có 402 thông tin phản ánh rõ nội dung sai phạm và có địa chỉ để xử lý; 851 thông tin không phải là thông tin phản ánh sai phạm về quản lý, sử dụng đất hoặc thông tin trùng, không rõ nội dung, địa chỉ sai phạm để xem xét xử lý; 49 thông tin phản ánh thuộc các lĩnh vực khác.
Về các thông tin phản ánh rõ sai phạm, Bộ đã xử lý và có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra, xử lý theo quy định và báo cáo kết quả về Bộ. Ngoài ra có 51 trường hợp đã được Tổ công tác liên ngành và Tổng cục Quản lý đất đai kiểm tra, xác minh, chỉ đạo thực hiện tại 8 tỉnh.
Theo ông Lê Văn Lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, tính đến 15/5, qua kiểm tra việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 8 tỉnh, thành phố mà Tổ công tác đến làm việc, các địa phương đều đã được cấp Giấy chứng nhận tỷ lệ cao (Bà Rịa - Vũng Tàu: 96,97%; Thanh Hóa: 92,5%; Nghệ An: 90,4%; Nam Định: 97,8%; Thái Bình: 91,3%; thành phố Hồ Chí Minh: 88,0%; thành phố.Hà Nội: 85,5%; thành phố Hải Phòng: 85,3%).
Tuy vậy, qua thanh tra, kiểm tra, Tổ công tác đã phát hiện ra một số tồn tại, hạn chế về đăng ký, cấp Giấy chứng nhận lần đầu tại địa phương.
Tại nhiều địa phương còn số lượng rất lớn các trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận đối với đất nông nghiệp nhưng đã dồn điền, đổi thửa nên không còn giá trị mà chưa được cấp đổi Giấy chứng nhận mới.
Cụ thể như tỉnh Thái Bình còn 98 xã thuộc 3 huyện; tỉnh Nam Định còn 436.000 Giấy chứng nhận chưa cấp đổi và 204.000 trường hợp chưa đăng ký lại.
Riêng tại Thái Bình, Giấy chứng nhận đã ký trong giai đoạn trước năm 1998 chưa trao cho người sử dụng đất, đang được lưu giữ ở cấp xã mà chưa thu gom về Văn phòng đăng ký đất đai để quản lý, nhiều trường hợp không có hoặc không còn sổ sách để theo dõi quản lý nên không xác định được số lượng tồn đọng hay thất lạc…
Bên cạnh đó còn có tình trạng hồ sơ cấp giấy chứng nhận tồn đọng chậm giải quyết, hoặc quá hạn. Nhiều trường hợp đã xử lý khắc phục tình trạng chậm giải quyết bằng cách trả lại hồ sơ cho cấp xã hoặc người sử dụng đất để bổ sung, hoàn thiện không đúng quy định (Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Hải Phòng); nhiều trường hợp do các cơ quan nhà nước các cấp xử lý hồ sơ chưa đúng quy định.
Đặc biệt, ở các địa phương kiểm tra vẫn còn một số quy định về đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận chưa được địa phương triển khai thực hiện (chưa thực hiện đăng ký bắt buộc đối với các trường hợp chưa đăng ký; chưa lập sổ địa chính điện tử; Giấy chứng nhận thu hồi để lưu không chứng nhận lý do thu hồi…).
Tổ công tác cũng đã tiến hành kiểm tra, xác minh trường hợp phản ánh qua đường dây nóng của Bộ về việc chậm trễ trong việc cấp Giấy chứng nhận. Kết quả kiểm tra cho thấy nhiều trường hợp do các cơ quan chuyên môn tham mưu không đúng; nhiều trường hợp người sử dụng đất phản ánh không đúng hoặc lỗi do người sử đụng đất.
Trong quá trình làm việc tại địa phương, nhiều nội dung quy định của pháp luật đất đai hiện hành về đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận chưa được các địa phương nắm bắt hoặc hiểu chưa đầy đủ, dẫn đến vướng mắc. Tổ công tác đã trao đổi, hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết.
Trên cơ sở tổng hợp các bất cập, tồn tại liên quan đến công tác cấp Giấy chứng nhận tại địa phương, Tổ công tác đã đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan, nhằm tháo gỡ các vướng mắc; đẩy mạnh việc thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận.
Trong thời gian tới Tổ công tác tiếp tục rà soát, thống kê đầy đủ các trường hợp còn tồn đọng chưa đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, các hồ sơ đã tiếp nhận nhưng chậm giải quyết để có kế hoạch và biện pháp cụ thể nhằm hoàn thành dứt điểm việc đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận theo quy định.
Tăng cường kiểm tra thường xuyên việc thực hiện các quy định về đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, nhất là việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai để phát hiện, giải quyết kịp thời những trường hợp sai sót, tồn tại, vướng mắc ở địa phương, đồng thời trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan./.
Theo NHẬT MINH (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/duong-day-nong-phan-anh-vi-pham-dat-dai-phat-huy-hieu-qua/399182.vnp