Cập nhật: 05/08/2016 09:01:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày xưa biển trời miền Trung xanh ngắt, thanh bình nắng và gió mỗi ngày. Ngày nay, hết xả độc xuống biển tới chôn bùn độc có chứa cyanua trên bờ...

Ngày xưa biển trời miền Trung xanh ngắt, thanh bình nắng và gió mỗi ngày. Ngày nay, hết xả độc xuống biển tới chôn bùn độc có chứa cyanua trên bờ, nếu đo đếm hết được các thiệt hại lâu dài mà dân ta phải chịu, Formosa quả thật đang cảnh báo những lúng túng, loay hoay trong điều hành.

Ngày xưa bao cấp Nhà nước làm thay dân. Này hợp tác xã, này quốc doanh, làm cái gì, bán cho ai, với giá nào hết thảy do Nhà nước ấn định, Nhà nước luôn nghĩ và làm thay dân.

Ngày nay cơ chế thị trường, việc buôn bán tùy ở nơi dân. Formosa hay Công ty môi trường Kỳ Anh, là doanh nghiệp ai cũng vì lợi nhuận. Đã vì tiền, mấy ai để ý tới môi trường. Trời xanh biển rộng là của chung, tức là chẳng của riêng nhà nào, nếu không ai ngăn cấm thì doanh nghiệp vô tội vạ giành lấy của chung đó làm của riêng.

Cái ấy người ta gọi là thất bại thị trường. Bao cấp ngày xưa đã thất bại, nay dân ta đón lấy những thất bại tiếp theo của thị trường. Cố tật ấy của thị trường từng hủy hoại môi trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, các quốc gia hầu như đều đã và đang phải trả giá quá đắt trên con đường phát triển của mình.

Để chữa cố tật đó, người ta cần tới bàn tay điều tiết của Nhà nước, những cơ quan có dấu quốc huy ở nước ta. Khổ nỗi luật ban hành thì thực thi lỏng lẻo, giao rừng biển cho người ta những 70 năm trong khi luật giới hạn tối đa chỉ có 50 năm. Đánh giá tác động môi trường luật có cả, song thực hiện qua loa. Giữ quyền uy của nước chủ nhà, song đến thanh tra - kiểm tra người ta cũng dè dặt.

Cuối cùng, để bớt cái tham lợi nhuận của thị trường, ngoài bàn tay Nhà nước vững vàng còn cần tới ngàn vạn ánh mắt giám sát của dân chúng. Chả có gì che giấu được tai mắt nhân dân, nếu Nhà nước cho họ quyền được biết, được bày tỏ cảm xúc, được liên kết với nhau thành bè thành khối, những bức tường thành.

Dân chài yêu biển, yêu cá của họ, hãy để họ tình tự mặc lòng. Từ những liên kết ấy sẽ nổi dần lên sự chống đỡ mềm mại, dẻo dai và bền bỉ, bủa vây lấy lòng tham của doanh nghiệp và đòi hỏi trách nhiệm của công quyền. Song dường như, từ quy hoạch đến chuẩn bị vận hành đại dự án Formosa, đâu phải cái gì nhân dân cũng được biết, được bàn, được tham gia giám sát.

Người Việt Nam yêu biển, yêu tôm cá Việt Nam. Thất bại thị trường và thất bại trong sức đề kháng của xã hội, đó chính là nguyên nhân làm cho dân ta mất dần những gì mà ta yêu quý.

PHẠM DUY NGHĨA

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/thoi-su-suy-nghi/20160804/kho-do-dem-het-thiet-hai/1148962.html 

Tệp đính kèm