Cập nhật: 06/08/2016 09:28:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau "Sao Tháng Tám", đã 40 năm rồi mà điện ảnh Việt Nam vẫn chưa làm thêm bộ phim nào về đề tài Quốc khánh và Khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám.

 

Hơn 63 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam, đã có hàng ngàn phim tài liệu và cũng gần cả ngàn bộ phim truyện được sản xuất, với rất nhiều đề tài, chủ đề theo những mốc thời gian khác nhau. Nhưng điểm lại, cả phim tài liệu và phim truyện nhựa, đề tài về Quốc khánh 2/9/1945 và Khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám gần như chỉ đếm trên đầu bàn tay, tính cả phim nước ngoài làm và phim truyền hình. Phải chăng đây là đề tài khó và không ai muốn làm?

30 năm sau, tính từ ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam, bộ phim  “Ngày Độc lập 2/9/1945” do NSND Phạm Kỳ Nam đạo diễn  mới được sản xuất và công chiếu, với 5 phút phim tư liệu về ngày 2/9/1945 cho đến nay vẫn còn chứa đầy bí ẩn về nguồn gốc.

Và cũng phải  gần 60 năm sau, tức là vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9/2005, thì người Hà Nội, qua kênh truyền hình Hà Nội, mới được xem lại những thước phim tư liệu về ngày 1/1/1955, khi Chính phủ kháng chiến trở về Thủ độ, Bác Hồ đọc diễn văn và một lễ diễu bình trên Quảng trường Ba Đình ngày đó, phim"Ngày lịch sử" của đạo diễn Nga Vladimir Echourine.

 

Đội quân du kích ở các chiến khu tiến về Hà Nội ngày 30/8/1945.

Và cũng phải mất đúng 30 năm, Điện ảnh cách mạng Việt Nam mới có một phim truyện nhựa “Sao Tháng Tám”, đạo diễn Trần Đắc, sản xuất năm 1976… Hiện đang giữ “kỷ lục” 40 năm chưa có thêm bộ phim truyện nhựa nào về đề tài này được sản xuất (nếu như không tính phim “Hà Nội mùa đông năm 1946” của đạo diễn Đặng Nhật Minh có chút hình ảnh về ngày khởi nghĩa).

Câu chuyện trong “Sao Tháng Tám”, lấy bối cảnh những ngày sôi sục trước Cách mạng Tháng Tám, giữa lúc nạn đói khủng khiếp Ất Dậu năm 1945 đang lan tràn khắp nơi. Giữa cuộc đối đầu đang chực chờ bùng nổ của một dân tộc nghèo đói nhưng bất khuất kiên cường, không chịu nỗi nhục nô lệ, với những kẻ xâm lược , là cuộc đấu tranh từng giờ từng phút giữa những chiến sĩ cách mạng với những tên chỉ điểm nguy hiểm, những gã mật thám cáo già của Pháp - Nhật…

Trong “Sao Tháng Tám”, là những cuộc đấu trí căng thẳng của Việt Minh - Việt gian, giữa người nữ cộng sản kiên cường, và nữ gián điệp Việt gian cho cả Pháp - Nhật. Phim đã đoạt nhiều giải thưởng trong Liên hoan phim Việt Nam và quốc tế.

 

Phim "Sao Tháng Tám"

Nhưng kể từ đó đến nay, qua 40 năm kể từ khi phim đượcc sản xuất, thì Điện ảnh cách mạng Việt Nam không có thêm một phim truyện điện ảnh nào về đề tài này ngoại trừ phim truyện nhựa: “Hà Nội, mùa đông năm 1946”, đạo diễn Đặng Nhật Minh, sản xuất năm 1996, “đi qua” sự kiện Khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945.

Chủ yếu phim này nói về một giai đoạn chông gai trong lịch sử Việt Nam, vào mùa đông Hà Nội năm 1946 khi Nhà nước Việt Nam non trẻ đang phải đối đầu với cuộc xâm lược mới của giặc Pháp đang lăm le trở lại Đông Dương và luôn gây hấn, khiêu khích, sinh sự, tìm cớ khai chiến, tìm cách khơi mào chiến sự. Vận mệnh của đất nước, của nền độc lập, chẳng khác nào "ngàn cân treo sợi tóc", buộc chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam phải ứng biến thật linh hoạt, tinh tế, quyền biến, uyển chuyển…

Phải chăng, một sự kiện lớn của lịch sử dân tộc, để cái tên Việt Nam được cả thế giới công nhận trở nên một đề tài “bảo tàng” không được các nhà làm phim Điện ảnh Việt Nam hiện tại quan tâm tới và muốn thực hiện?

Phải chăng đây là đề tài lịch sử cách mạng, một loại đề tài rất khó “nhằn” và luôn báo trước nhiều rủi ro không thành công về nhiều mặt nên “giả vờ” quên lãng?

Hay đề tài này với quan niệm của các nhà làm phim Việt Nam hiện nay, chỉ để kỷ niệm, lễ lạc như “thờ cúng” nên không làm cũng được,  và chỉ chú trọng cho các đề tài khác vừa dễ làm, vừa dễ “ăn” hơn?

Niềm hy vọng đến năm 2015, kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2/9/1945 và khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, Điện ảnh Việt Nam sẽ có thêm phim về đề tài này cũng trở thành hụt hẫng khi không có phim nào, dù có khá nhiều phim về cách mạng và lãnh tụ Việt Nam được sản xuất và trình chiếu.

Và  năm nay 2016, kỷ niệm 71 năm Cách Mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9, sau 40 năm phim “Sao Tháng Tám” vẫn giữ kỷ lục “độc thân”, vẫn “chiếm sóng” truyền hình vào dịp này.

Mong rằng đề tài này sẽ không còn bị lãng quên hay bỏ rơi, để nó sẽ được nhớ đến, nghĩ đến như một dự án quan trọng, cần làm ngay của những nhà làm phim Điện ảnh Việt Nam ở những năm sau như món nọ với lịch sử và cả với công chúng yêu phim Việt./.

 

Theo vov.vn

Tệp đính kèm