Tết mừng tiếng sấm (Tết Chăm Phtrong) là nét văn hóa đặc trưng, một phong tục độc đáo duy nhất còn được lưu giữ đến ngày nay của đồng bào Ơ Đu.
Dân tộc Ơ Đu ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An là một trong 5 dân tộc thiểu số ít người nhất nước ta. Người Ơ Đu sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, săn bắt và chăn nuôi. Ngày xưa, người Ơ Đu không có Tết nguyên đán nên Tết mừng tiếng sấm đầu năm là một lễ tục quan trọng nhất đối với đồng bào nơi đây.
Đối với đồng bào Ơ Đu, có tiếng sấm nghĩa là một năm mới đến, đây cũng là thời điểm bắt đầu một mùa rẫy mới. Vì thế, người Ơ Đu tổ chức Tết mừng tiếng sấm để tạ ơn trời đất và cầu cho một vụ mùa bội thu. Mọi việc trọng đại trong gia đình, dòng họ và kể cả công việc chung của cộng đồng cũng đều được bắt đầu từ tiếng sấm.
Các lễ vật dâng cúng trong Tết mừng tiếng sấm đầu năm
Ông Lo Xuân Tình, ở bản Văng Môn, xã Nga My cho biết: “Năm mới tức là nghe thấy tiếng sấm đầu năm thì có mưa, sấm sét. Vào dịp này thường thường khí hậu thời thiết thuận lợi, thuận mưa, thuận gió. Ý nghĩa của tết mừng tiếng sấm này là để tổ tiên phù hộ cho con cháu dồi dào sức khỏe trong năm mới, anh em dân làng mạnh khỏe để làm ăn trong một năm đó cho nó suôn sẻ, phát đạt, thành tài”.
Với ý nghĩa quan trọng gắn với đời sống văn hóa, tâm linh cho nên người Ơ Đu tổ chức Tết mừng tiếng sấm trang trọng, linh đình với đầy đủ các lễ vật của núi rừng sơn cước. Dù muốn hay không thì phải có một con lợn, con gà, rượu cần 2 vò, bánh chưng, cơm lam, nếp cẩm, cá mọc, cá lạp, nhọoc chuột… Lễ vật được đặt lên chiếc mâm mây đã trải lá chuối rừng và do thầy cúng đứng ra làm lễ trước sự chứng kiến của bà con dân bản.
Trong buổi lễ, thầy cúng được thay mặt cho bà con cầu mong trời đất, tổ tiên, dòng họ và linh hồn người Ơ Đu phù hộ cho bản mường một năm mưa thuận, gió hòa để thuận lợi cho việc trồng trọt, săn bắt, hái lượm. Lễ hội mừng tiếng sấm đầu năm còn là dịp để người Ơ Đu gửi gắm ước mong về một cuộc sống bình yên, no đủ, gia đình con đàn, cháu đống, bản mường ấm no, đoàn kết.
Sau phần lễ, đồng bào Ơ Đu tổ chức vui hội thưởng thức lễ vật và nhảy múa theo những giai điệu truyền thống, với tiếng cồng chiêng, trống và các nhạc cụ do đồng bào tự sáng tạo, góp phần tạo cho không khí lễ hội rộn ràng.
Thầy cúng (áo đen) chuẩn bị cho lễ cúng
Bà Trần Quỳnh Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa thể thao huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho biết: “Bằng những dụng cụ đơn giản nhất mà bản mình có hoặc trên rừng để đưa ra tạo ra âm thanh, tiết tấu làm cho hoạt động của lễ hội có phần phong phú và rộn ràng hơn. Người Ơ Đu sử dụng vung nồi, cây nứa, cây tre để làm nên phần nhạc cụ. Cây nứa thì người ta gõ xuống nhà sàn, tiếng nứa gõ hòa với tiếng nền gỗ thì tạo nên những tiếng vui tươi, rộn ràng”.
Ngày xưa, đồng bào Ơ Đu thường tổ chức Tết mừng tiếng sấm đầu năm từ 5 đến 7 ngày, ngày nay rút gọn trong một ngày nhưng các nghi lễ vẫn được thực hiện theo phong tục truyền thống. Hiện nay, dân số của dân tộc Ơ Đu chỉ khoảng hơn 400 người trong khi đó những phong tục tập quán đang dần mai một do sống xen kẽ với các tộc người khác như người Kinh, Khơ Mú, Thái. Vì thế, đối với đồng bào nơi đây, hàng năm tổ chức Tết mừng tiếng sấm - một phong tục ý nghĩa duy nhất còn được lưu giữ đến ngày nay là cách để đồng bào gìn giữ cội nguồn, nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình./.
ST