Cập nhật: 14/08/2016 11:03:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Biếng ăn có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển trí não và thể chất lâu dài của trẻ. Trẻ biếng ăn có nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng...

Biếng ăn có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển trí não và thể chất lâu dài của trẻ. Trẻ biếng ăn có nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng, rối loạn nhận thức, cảm xúc và giảm sức đề kháng. Một số nghiên cứu khoa học cho thấy: chỉ số phát triển trí tuệ của những trẻ biếng ăn chỉ đạt trung bình 96 điểm, thấp hơn 14 điểm so với những trẻ ăn uống bình thường (110 điểm); chỉ số cơ thể (chiều cao và cân nặng) của trẻ biếng ăn thua kém từ 6%-22% so với trẻ ăn uống bình thường. Do vậy giúp trẻ bắt kịp đà tăng trưởng cả về thể chất và tinh thần, yếu tố nào khiến trẻ biếng ăn, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây.

Khẩu phần chưa phù hợp với độ tuổi của trẻ

Trẻ ăn nước rau, nước thịt, nước hầm xương mà không ăn phần cái trong thời gian dài dẫn đến tình trạng thiếu các chất dinh dưỡng, trẻ ăn ít hơn nhu cầu cần phải cung cấp. Bên cạnh đó một số cách chế biến món ăn cho bé sai như: pha sữa quá đặc, pha bột vào sữa, pha sữa bằng nước cháo hoặc nước hầm rau củ; bột quá đặc khi trẻ mới tập ăn dặm hoặc cho trẻ ăn dặm quá sớm trước 6 tháng tuổi hay cho trẻ ăn thức ăn xay nhuyễn đến 2-3 tuổi hoặc ăn cơm quá sớm trong khi trẻ chưa đủ răng để nhai cơm... khiến cho trẻ khó tiêu hóa, dẫn đến trẻ sợ ăn.

Do vậy cha mẹ cần thiết kế bữa ăn theo tháng tuổi của trẻ, không cho trẻ ăn quá nhiều hay quá ít. Đồng thời cho trẻ ăn thức ăn đa dạng. Khi thay đổi thức ăn cho trẻ, cần thay đổi từ từ, xen kẽ giữa thức ăn mới và thức ăn mà trẻ thích. Không nên kéo dài thời gian cho trẻ ăn thức ăn xay nhuyễn. Cho bé ăn đặc dần để phát triển cơ nhai và có thể ăn thức ăn đặc khi bé đã mọc đủ 20 răng sữa (thường sau 24 tháng tuổi).

Biếng ăn do sinh lý, trẻ ốm và dùng thuốc

Biếng ăn do sinh lý là hiện tượng trẻ vẫn khỏe mạnh nhưng tự nhiên ăn ít đi trong vài ngày đến vài tuần. Các thời điểm này thường trùng với lúc bé biết lẫy, ngồi, đứng, đi... Sau đó, trẻ trở lại ăn uống bình thường. Trẻ mọc răng, nhiệt miệng hay bị một số bệnh nhiễm khuẩn cấp tính (viêm mũi, viêm họng, viêm amiđan...) khi sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh có thể gây biếng ăn tạm thời cho trẻ.

Do vậy khi trẻ bị bệnh nên cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ, thức ăn lỏng và mềm, dễ tiêu hóa. Kết hợp với bữa ăn cần cho trẻ uống đủ nước, đặc biệt là sữa, các loại nước quả có đường để cung cấp năng lượng, vitamin và khoáng chất trong thời gian trẻ bị ốm. Bổ sung các vi chất dinh dưỡng mà trẻ có nguy cơ thiếu hụt như: kẽm, selen , vitamin nhóm B, vitamin A, D... theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Với trẻ từ sau 24 tháng tuổi, nên tẩy giun 6 tháng một lần.

Yếu tố tâm lý của cha mẹ

Nhiều phụ huynh quá lo lắng về sự tăng trưởng của con khi thấy con ăn ít hơn các trẻ cùng lứa tuổi trong khi hàm lượng các chất dinh dưỡng trong bữa ăn của các gia đình là khác nhau. Do vậy cha mẹ không nên ép trẻ ăn, mà cần cung cấp cho trẻ khẩu phần ăn đa dạng, còn ăn bao nhiêu là phụ thuộc vào cơ thể của trẻ có hấp thu được hay không. Trẻ sẽ ăn một lượng thức ăn phù hợp với khả năng hấp thu của bản thân mình, mọi sự ép buộc đều có thể dẫn tới tác động ngược lại. Nếu trẻ vẫn phát triển bình thường tăng cân và chiều cao tốt nghĩa là lượng thức ăn đã được cung cấp đủ.

Biếng ăn bẩm sinh

Trẻ biếng ăn không xác định được nguyên nhân, trẻ ăn ít hơn nhu cầu cần phải cung cấp nên trẻ có thể suy dinh dưỡng, thấp còi, những trẻ này không bao giờ đòi ăn, cha mẹ cần đưa trẻ đến phòng khám nhi khoa để được tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ dinh dưỡng. Tích cực và chủ động cho trẻ ăn theo khẩu phần để cải thiện tình trạng biếng ăn của trẻ.

Điều trị trẻ biếng ăn

Có những trường hợp điều trị dễ dàng nhưng cũng có những trường hợp rất khó khắc phục. Điều quan trọng là điều trị nguyên nhân: Điều trị bệnh lý khi trẻ ốm. Khám bác sĩ để điều trị ngay, tránh để bệnh nặng rồi mới chữa ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ; Thay đổi chế độ ăn, cách chế biến thức ăn luôn giữ ở mức cân bằng phù hợp theo độ tuổi, chú ý ăn đa dạng thức ăn, vừa kích thích ngon miệng, vừa đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cần thiết; Động viên khích lệ trẻ, liệu pháp tâm lí từ cha mẹ và người thân khi chăm sóc trẻ... Bên cạnh đó khắc phục tình trạng biếng ăn của trẻ cũng có thể bổ sung một số vi chất dinh dưỡng như: kẽm, sắt, các vitamin nhóm B do thầy thuốc chỉ định.

BS. Nguyễn Hồng Vân

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm