Cập nhật: 17/08/2016 09:08:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đã nhiều năm nay, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) trở thành "điểm nóng" trong vấn đề di cư tự do và nạn ồ ạt phá rừng lấy đất sản xuất.

Rừng bị triệt hạ để làm nương rẫy. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Trong khi Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và chính quyền địa phương đang quyết liệt vào cuộc để giải quyết tình trạng này, thì một số cán bộ cơ sở lại ngấm ngầm tiếp tay cho người di cư tự do.

Bằng cách lập những quyển sổ hộ khẩu khống, những người này đã cấp “tấm vé thông hành” cho nhiều người di cư trái phép, phá rừng làm nương trong suốt thời gian dài.

Hành trình của những “tấm vé thông hành”

Nhóm phóng viên TTXVN đến bản Nà Pán (xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé) sau 3 giờ đi bộ ngược dốc, băng qua những mảnh nương còn chi chít những gốc cây cháy đen, báo hiệu nơi này đã từng là những cánh rừng rậm rạp.

Những ngôi nhà gỗ khá kiên cố hiện ra, đây là nơi sinh sống của những người dân di cư tự do từ các tỉnh khác đến, đang tích cực thực hiện “công cuộc phá rừng” trên địa bàn vùng biên giới xa xôi nhất của cả nước này.

Thế nhưng khi được hỏi đến quyền cư trú trên địa bàn, thì tất cả đều… hợp pháp, bởi hầu như gia đình nào cũng có 1 cuốn sổ hộ khẩu có đóng dấu đỏ.

Theo quy định của pháp luật, thì để chuyển hộ khẩu đến 1 địa phương khác, người đó phải có đủ các điều kiện cụ thể như chứng minh về chỗ ở hợp pháp, các thủ tục bắt buộc chuyển từ nơi đi và nơi đến, có thời gian tạm trú theo quy định…

Vậy nhưng con đường để được cấp “tấm vé thông hành,” địa phương này lại làm theo một kiểu khác.

Một người dân (xin giấu tên) cho biết: “Nhà này có khẩu rồi, không lo bị đuổi đâu. Làm sổ hộ khẩu mất 7 triệu cho ông Pín, Trưởng Công an xã đấy.” Còn anh Hạng A Khay ở bản Nà Pán thì kể: “Thằng em mình đưa cho ông Pín 5 triệu, nhưng mà đưa xong ông ấy bảo chưa đủ nên chưa làm được.”

Cùng chung cảnh đó, nhiều hộ gia đình trong bản muốn được cấp giấy giới thiệu để về quê cũ cắt hộ khẩu, phải đưa cho Trưởng Công an xã 2 triệu đồng.

Anh Mùa A Lử cũng ở bản Nà Pá kể: “Ông Pín lấy của tôi 2 triệu đồng rồi mới cấp cho giấy giới thiệu. Khi cắt được hộ khẩu lên, ông ấy lại vòng vo, gợi ý phải đưa gần 10 triệu đồng mới làm cho. Tôi không có tiền nên lên Công an huyện tự làm. Cán bộ trên đó bảo khẩu thì chưa đủ thủ tục nên chưa làm được đâu, cứ về làm ăn tốt là được…”

Một số người dân đã nhập khẩu thành công cho biết họ được Trưởng bản Nà Pán dẫn đi làm hộ khẩu. Cán bộ xã còn dặn là sau khi làm xong hộ khẩu thì cứ ở sâu trong rừng mà làm nương, làm rẫy. Vào đây rồi, nếu không có đất thì cứ nhờ anh em, họ hàng đến chặt cây, chỉ một đêm là có nương.

Việc này xã biết, bản biết nhưng chẳng ai nhắc nhở gì cả. Đó là chưa kể có hộ khẩu rồi, nhưng mọi quyền lợi của các hộ này đều không được hưởng như những công dân khác.

Ông Thào A Lâu ở bản Nà Pán cho biết: “Dù có sổ hộ khẩu, nhưng chúng tôi không được coi như người trong bản, không được bố trí chỗ ở, không được đi họp bản, không được hưởng hỗ trợ, thậm chí còn không có tên trong danh sách đi bầu cử đại biểu Quốc hội. Nhưng mọi khoản thu đóng góp như tiền bó lúa, tiền chất độc da cam… họ đều đến thu đủ cả. Họ bảo đã có hộ khẩu thì là dân của bản, phải đóng góp tất cả mọi khoản như một công dân…”

Sổ thật hay sổ giả?

Để thực hiện Đề án 79 của Chính phủ về “Sắp xếp ổn định dân cư khu vực biên giới huyện Mường Nhé,” ngày 19/10/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo “Kiên quyết trả về địa phương cũ số dân di cư tự do đến sau thời điểm 30/3/2011.”

Tuy nhiên, các cán bộ xã Mường Nhé đã “kiên quyết giúp dân di cư ở lại mảnh đất này bằng mọi giá,” bằng những cuốn sổ hộ khẩu được làm khống sau khi có đủ chi phí “bôi trơn” dù họ đến sau thời điểm quy định khá lâu.

Cầm trên tay cuốn Sổ hộ khẩu số 180042065 mang tên chủ hộ Thào A Da, chúng tôi nhận ra một điều khá bất ngờ là phần ghi tên chủ hộ và bản cư trú đã được phủ bằng bút xóa và viết đè lên thông tin hiện tại, có đóng dấu vào chỗ sửa để xác nhận.

Để biết được người chủ cũ là ai, chúng tôi đã rất khó khăn mới gặp được ông Tao Văn Chi là Trưởng Công an xã Mường Nhé.

Ông này mới được bổ nhiệm thay cho bố đẻ vừa nghỉ hưu là ông Tao Văn Pín. Sau một hồi quanh co, ông Chi thừa nhận là cuốn sổ hộ khẩu trên, cùng với 21 sổ khác của bản Nà Pán không có trong hồ sơ quản lý.

Ông Chi cho biết: “Trường hợp này thì tôi trả lời thật là tôi mới chuyển về đây, nên chưa cấp hộ khẩu cho gia đình nào. Còn lãnh đạo Công an và Ủy ban Nhân dân xã nhiệm kỳ trước họ có làm, nhưng chắc có đủ điều kiện thì họ mới cấp. Hồ sơ thì có lưu đấy, nhưng chắc các ông ấy để lẫn lộn nên tìm không ra, không thấy bàn giao lại cho tôi, muốn tìm thì lên Công an huyện…”

Theo “chỉ dẫn” của Trưởng Công an xã Mường Nhé, nhóm phóng viên tìm tới Công an huyện Mường Nhé để được cung cấp thông tin. Đúng như dự đoán, toàn bộ 22 cuốn sổ hộ khẩu do ông Pín cấp cho bản Nà Pán đều không có trong sổ lưu của đơn vị.

Thiếu tá Pờ Pờ Sơn, Phó Trưởng Công an huyện Mường Nhé cho biết: “Về việc này, Công an các xã có xảy ra, nhưng ít thôi chứ không phổ biến, chủ yếu là do nể nang nên cấp sai.

Chúng tôi đã chỉ đạo thu hồi để hủy. Thực ra mấy trường hợp đồng chí Pín làm là cấp sổ hộ khẩu khống, không lập hồ sơ lưu lên không kịp thời phát hiện.”

Đối với trường hợp cuốn sổ hộ khẩu bị sửa chữa, tẩy xóa, ông Sơn thừa nhận: chỉ nhìn bằng mắt thường cũng biết đây là trách nhiệm của xã Mường Nhé bởi những chỗ sửa chữa đã đóng dấu đỏ chứng thực. Nếu Công an xã làm như vậy thì đây là vấn đề nghiêm trọng.

Trong khi đó, theo báo cáo của Công an xã Mường Nhé gửi Công an huyện vào tháng 6/2016, thì kết quả kiểm tra hồ sơ cấp sổ hộ khẩu cho 6 hộ ở bản Nà Pán, chỉ có một trường hợp không đủ thủ tục.

Không chỉ ở Nà Pán, mà tại bản Nậm Pố cũng có 5 trường hợp cấp sổ hộ khẩu không đúng thủ tục và không có hồ sơ lưu.

Nếu vậy, dư luận có quyền đặt câu hỏi chỉ riêng xã Mường Nhé đã có những sai phạm như trên. Một bản như Nà Pán chưa đầy 100 hộ, mà có tới 1/5 số hộ thường trú sai quy định. Vậy trong tổng số khoảng 20.000 hộ dân di cư vào huyện này, đang sống ở hơn 100 bản, sẽ có bao nhiêu trường hợp được cấp khống sổ hộ khẩu như xã Mường Nhé?

Cấp trên biết và… không biết?

Mang nội dung trên đến làm việc với lãnh đạo huyện Mường Nhé, ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện thừa nhận: “Vấn đề hộ khẩu bất hợp pháp này, chúng tôi đang nắm, từng bước làm rõ. Quan điểm chỉ đạo là khi cấp sổ hộ khẩu phải đúng thủ tục, rà soát lại với đối tượng chưa được cấp.Trước mắt, nếu có sai phạm, chúng tôi xác định sẽ tiến hành thu giữ, sau đó tùy từng mức độ xử lý. Đến thời điểm này vẫn chưa có báo cáo chính thức…”

Qua lời của vị lãnh đạo huyện này, thì tình trạng trên rõ ràng là huyện đã nắm được, nhưng chưa đủ căn cứ để xử lý. Trong khi đó, xã Mường Nhé chỉ cách trung tâm huyện chưa đầy 1 km. Nhóm phóng viên chỉ trong một thời gian ngắn đã dễ dàng tìm ra đầy đủ chứng cớ về những sai phạm, thì có lý do gì mà các cơ quan chức năng của huyện không thể xác minh được?

Còn quan điểm của Bí thư Huyện ủy Mường Nhé Nguyễn Quang Sáng thì khác. Ông Sáng khẳng định rằng cho đến bây giờ, ông vẫn chưa nhận được bất cứ báo cáo của cơ quan, đơn vị nào về tình trạng này.

Nhưng trong khi cả nước đang dành sự quan tâm cho huyện Mường Nhé để sắp xếp ổn dân cư, thì hành vi tiếp tay này phải được xử lý thật nghiêm túc, làm gương cho các địa phương khác.

Nếu 118 bản ở huyện Mường Nhé đều vi phạm như vậy, thì dù có đổ bao nhiêu tiền của, công sức vào đây cũng không thể chấm dứt được tình trạng di dân tự do, phá rừng bừa bãi ở vùng biên giới này./.

CHU QUỐC HÙNG (TTXVN/VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/cap-ho-khau-khong-hanh-vi-tiep-tay-cho-nan-pha-rung-tai-muong-nhe/401339.vnp

Tệp đính kèm