Cập nhật: 17/08/2016 15:15:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

   

Rượu nếp. Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Người Hà Nội không lạ gì món rượu nếp bổ, thơm, ngon, dễ ăn nhưng chẳng mấy ai biết rằng đó là một trong những nghề truyền thống của dân làng Tó ven sông Nhuệ (nay là xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Ở nơi đây, hầu hết các hộ nông dân đều biết làm rượu nếp. Họ làm không phải để ăn, mà chủ yếu là để bán. Có tới cả trăm hộ nông dân làm nghề truyền thống này.

Mỗi buổi sáng vài chục gánh rượu nếp theo các chuyến xe khách, xe lam vào nội thành để tiêu thụ, đấy là chưa kể đội ngũ bán rượu rong, gánh hoặc đạp xe tới khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố.

Sự hấp dẫn của rượu nếp làng Tó là hương vị thơm ngon, chất men say nồng, hạt gạo nếp săn tròn, mẩy, nước ngọt, không chua. Chẳng may có mẻ nào bị hỏng (dùng men non, hay ủ chưa tốt) người dân làng Tó đều giữ lại ăn, “nhường” của ngon cho thiên hạ.

Các cụ già nơi đây làng kể rằng nghề làm rượu nếp của làng có từ lâu lắm rồi. Hồi đó có một cô gái dịu dàng, nết na, chăm chỉ đến làm dâu làng Tó, đem theo nghề làm rượu nếp gia truyền về làng.

Dân làng ăn thấy ngon rồi bắt chước, học hỏi cô để làm theo. Hạt gạo nếp sau khi sàng sảy sạch, được đồ chín hai lượt, để nguội, vào men ủ ba ngày trở nên tơi, săn và thơm, đồng thời tiết ra nước cốt màu vàng nâu, thơm nồng và ngọt.

Khi bán, gạo nếp được gảy ra cái chén nhỏ, rồi tưới nước cốt vào để ăn. Có lẽ vì đó mà dân làng Tó gọi nó là "rượu nếp gảy." Người bán gảy càng khéo chén rượu sẽ đầy nhanh, trông ngon, bồng bềnh mà có lãi. Ngược lại gảy vụng thì vừa tốn rượu, chén rượu trông mất ngon, vừa ít lãi.

Rượu nếp làng Tó qua nhiều thời kỳ, đến nay đã “đổi mới” khá nhiều về cả cách làm, cách bán, lẫn chất lượng. Công thức tuy vẫn vậy, song người ta đã đơn giản đi nhiều thao tác, không cầu kỳ như xưa. Cách làm đơn giản, nên cả làng ai cũng có thể làm được.

Men khô đuợc bán sẵn đầy chợ, chẳng ai cầu kỳ tự làm men lấy. Nhưng quan trọng nhất, theo dân làng cho biết, là chất lượng gạo nếp hiện nay, do chạy theo năng suất nên thua kém xa gạo nếp trước kia (kể cả loại nếp cái hoa vàng cũng đã bị lai tạp, thoái hóa đi nhiều ).

Có lẽ rượu nếp nhiều và sẵn, nên người bán giờ đây không còn phải gảy gót để kiếm lãi, mà cứ xúc ra bát ào ào, hoặc bán cả cân (20-30.000 đồng/kg) vẫn có lãi.

Trừ ngày “giết sâu bọ” (5/5 âm lịch), giờ đây hiếm khi gặp dân làng Tó chỉ đi bán rượu nếp không. Kèm theo rượu nếp, trong thúng mủng, gánh hàng của họ bao giờ cũng có đủ các loại rượu ngang, quốc lủi, nếp cẩm, đáp ứng nhu cầu và túi tiền của ngươì tiêu dùng.

Rượu nếp giờ đây chỉ còn là mặt hàng đem theo để bán cho những người “nghiền,” hoặc ăn cho vui. Ông chủ nhiệm hợp tác xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì) cho biết, hàng ngày có tới 70-80% dân chạy chợ ở làng Tó đi bán rượu.

Họ kiếm bình quân 35-50.000 đồng lãi /ngày, có khi quên cả làm ruộng. Ngoài ra, người dân làng Tó còn đi tứ xứ khắp nơi mang theo nghề truyền thống của làng mình đến cả vùng núi cao, lẫn miền biển.

Không ít các thôn nữ của làng đã vào làm dâu tận Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, đem theo hương vị rượu nếp của quê hương mình./.

 

http://hanoi.vietnamplus.vn/Home/Ruou-nep-gay-lang-To/20108/2506.vnplus

Tệp đính kèm