Cập nhật: 21/08/2016 10:35:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

    

Du khách khám phá homestay ở Cần Thơ. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Bỏ lại phía sau đô thị khói bụi, tắc đường và ồn ào, đồng bằng sông Cửu Long chào đón chúng tôi nhiệt thành, chất phác và hồn hậu đúng chất người dân miền Tây sông nước. Có lẽ chính nhờ khí hậu quanh năm mát mẻ đã góp phần tạo nên tính cách phóng khoáng ấy. Và có lẽ, cũng ít ở đâu người nông dân lại hăng say làm du lịch miệt vườn đến thế.

Nhiều lần đến đây và lần nào tôi cũng thầm ghen tị với họ, những người dân dường như sinh ra là để hưởng thụ cuộc sống yên bình giữa không gian thơm hương cây trái, sóng nước dạt dào; những hộ dân năng động biết tận dụng lợi thế sông nước miệt vườn để phát triển du lịch cộng đồng.

Xã Mỹ Hòa Hưng (thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) nằm trên Cù lao Hổ được bao phủ bởi những tán cây tốt tươi, nằm giữa dòng sông Hậu hiền hòa. Với đặc trưng mênh mông sông nước, kênh rạch chằng chịt, vườn cây trái trĩu quả quanh năm và các di tích lịch sử văn hóa (khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, miếu ông Hổ…), Mỹ Hòa Hưng đang ngày càng thu hút đông du khách cả trong ngoài nước.

Đặc biệt, nhờ dự án Du lịch nông nghiệp do Hội nông dân Hà Lan, và Dự án EU (Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội) đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm nên nhiều hộ dân xã Mỹ Hòa Hưng đã và đang tích cực tham gia làm du lịch cộng đồng.

Ngoài trồng cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt thủy sản, làm mắm…, những năm gần đây các hộ dân còn cung cấp dịch vụ homestay, tour du thuyền trên sông, thăm quan rừng tràm Trà Sư, săn cá bông lau, tắm bùn phù sa… Khách đến trải nghiệm được hướng dẫn nấu ăn, thu hoạch trái cây, tát mương, bắt cá, kéo lưới, mò ốc… và khám phá đời sống sinh hoạt của người dân địa phương.

 

Một trong những căn nhà gỗ truyền thống ở xã Mỹ Hòa Hưng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Trên cù lao này có nhiều căn nhà gỗ thấp truyền thống được bảo tồn khá nguyên vẹn. Những căn nhà màu xanh có hàng hoa mào gà đỏ chót tô điểm, thêm những rặng cây được cắt tỉa dẫn lối hay giàn hoa tigôn rủ bóng chiều buông.

Ông Nguyễn Sỹ Trung, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Mỹ Hòa Hưng cho biết: “Nhờ được cán bộ của dự án EU tập huấn nên các hộ gia đình giờ đây cũng biết tự quảng bá dịch vụ của mình bằng cách đăng ký thông tin trên cổng thông tin điện tử địa phương. Xã hiện có 9 hộ làm du lịch homestay khá phát triển, có thể kể đến như hộ ông Tôn Thất Đính, Trần Phước Nguyên, Trần Trung Nghĩa, Hồ Thanh Vân.”

Đại diện cho những homestay tiêu biểu này, anh Trần Phước Nguyên chia sẻ, thời gian đầu chuyển sang làm du lịch cộng đồng tuy còn bỡ ngỡ nhưng thấy rất thú vị, vì được tiếp xúc với nhiều người.

Lối bài trí, sắp xếp buồng phòng, cải tạo khu vệ sinh, chuẩn bị thực đơn hay cách thức đón tiếp khách như hiện nay đều do anh học hỏi từ các lớp tập huấn của dự án EU. Gia đình vốn có truyền thống làm nghề giá đỗ nên anh Nguyên cũng bước đầu cho khách tham gia làm thử và thấy khách khá thích thú.

 

Ông Mười Cương đang giới thiệu về vườn cacao của gia đình. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Ghé vườn cacao Mười Cương của gia đình ông Lâm Thế Cương, ở ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh (huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ), một trong những điểm du lịch cộng đồng được nhiều du khách biết đến vài năm qua, thấy ấn tượng với những gì mà người nông dân nơi đây làm được.

“Gia đình tôi là gia đình đầu tiên ở Việt Nam trồng và chế biến cacao, từ những năm 1960 của thế kỷ trước. Từ những trái cacao, tôi đã mày mò nghiên cứu và sản xuất ra bột cacao, chocolate đen. Thời gian gần đây, tôi còn chế ra rượu vang cacao, bơ cacao và cacao nguyên chất dùng làm kem hoặc bánh,” ông Mười Cương chia sẻ.

Hơn 100 cây cacao trên diện tích 1,2 ha vườn đã giúp gia đình ông Mười Cương có doanh thu trung bình 10.000-12.000 USD/năm, thậm chí có năm doanh thu lên tới 15.000 USD.

Năm 2012, nhận thấy tiềm năng du lịch địa phương đang phát triển và được chính quyền vận động, gia đình ông Cương đã triển khai, mở rộng kinh doanh du lịch homestay. Nhờ làm thêm dịch vụ và bán các sản phẩm cacao ngay tại vườn, thu nhập trung bình của gia đình ông tăng khoảng 50%.

Phục vụ khách bữa tối tại một homestay điển hình ở Phong Điền, Cần Thơ. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Ông Lê Văn Thuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mỹ Khánh, cho biết xã hiện có bốn điểm vườn phát triển du lịch cộng đồng thường xuyên đón khách và nhiều điểm dịch vụ phục vụ du khách.

Nếu trước đây, hoạt động này chủ yếu là tự phát thì từ năm 2013, nhờ có Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (dự án EU), địa phương đã được hỗ trợ trang thiết bị giảng dạy (bàn ghế tới máy tính, tivi, máy chiếu…), người dân được các chuyên gia tập huấn kỹ năng làm du lịch bền vững, cách giao tiếp, quảng bá marketing, trang bị tủ thuốc, cải thiện vệ sinh môi trường…

Mặc dù du lịch cộng đồng đang góp phần mang lại lợi ích kinh tế bền vững cho người dân, giúp bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương, nhưng thực tế vẫn chưa có nhiều hộ dân ở An Giang, Cần Thơ tham gia.

Theo như chia sẻ của nhiều hộ dân làm homestay, họ còn thiếu vốn đầu tư cơ sở vật chất, thiếu kỹ năng du lịch…

Dẫu vậy, từ những thí điểm du lịch cộng đồng đã triển khai của dự án EU, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang tích cực phối hợp với doanh nghiệp du lịch, người dân nhằm nhân rộng mô hình. Và trong tương lai không xa, cùng hy vọng, những sản phẩm du lịch có giá trị sẽ giúp người dân thu hút đông du khách để phát triển bền vững du lịch địa phương./.

 

Du khách thích thú khi sáng sớm dậy được ngồi dưới những tán cây trái sum suê. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

http://www.vietnamplus.vn/nhung-hat-giong-du-lich-cong-dong-o-dong-bang-song-cuu-long/394842.vnp

 

Tệp đính kèm