Cập nhật: 20/08/2016 10:00:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau hơn ba tuần triển khai dự án Mỹ thuật cộng đồng Hàn - Việt, các nghệ sĩ đến từ “xứ sở kim chi” đã để lại cho làng chài nghèo ở xã Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam) những bức tranh dung dị nhưng đầy tính nghệ thuật và sức sống. Làng bích họa hình thành gây sự chú ý, lôi cuốn du khách gần xa; mở ra triển vọng mới trong phát triển du lịch và cải thiện đời sống người dân nơi đây.

Một bức tranh tường ở thôn Trung Thanh do các họa sĩ Hàn Quốc thực hiện.

Từ làng chài nghèo…

Những ngày giữa tháng 7, cái nắng buổi sớm ở miền trung thật oi nồng. Từ trung tâm thành phố Tam Kỳ, chúng tôi chạy xe máy về vùng biển Tam Thanh, vừa chờm qua đầu dốc xuôi thôn Trung Thanh, gió ngoài khơi xa thổi vào mát rượi. Trước mắt, những bức tranh đầy mầu sắc, nối tiếp nhau trên những bức tường dẫn về lối xóm, đổ ra tận mé biển; tạo nên một làng bích họa ấn tượng, khiến du khách và cả người dân có cảm giác vô cùng mới lạ. Nơi đây là làng chài ven biển, ven sông, gọi thế bởi địa bàn xã Tam Thanh nằm kẹp giữa bờ biển thoai thoải và con sông Trường Giang thơ mộng uốn lượn quanh phía tây.

Các cụ già trong làng kể lại, xã biển Tam Thanh được hình thành từ khá lâu. Thời chiến tranh, đây là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Sau ngày nước nhà thống nhất, hàng trăm người con thân yêu của quê hương đã ra đi mãi mãi không về. Xã Tam Thanh có diện tích tự nhiên hơn 636 ha, chủ yếu là cát trắng, đất sản xuất nông nghiệp không đáng kể, người dân sống dựa vào nghề biển, nuôi tôm và chế biến hải sản. Nhưng mấy năm qua, nghề đi biển cũng gặp nhiều khó khăn về thời tiết và ngư trường. Cán bộ lãnh đạo ở xã cho biết, như bao ngư dân ở miền trung, mỗi năm, các hộ dân đều dành dụm tiền để nâng cấp, mua sắm tàu thuyền, ngư lưới cụ; song do sức dân có hạn, nên chủ yếu đóng tàu công suất nhỏ. Toàn xã hiện có 214 phương tiện đánh bắt, song loại tàu có công suất từ 90CV trở lên, dùng cho đánh bắt xa bờ chưa tới 40 chiếc.

 

Thôn Trung Thanh bừng sáng từ khi có những bức tranh tường.

Từ khi hệ thống tàu thuyền được nâng cấp, trình độ khai thác của ngư dân ngày càng chuyên nghiệp, sản lượng đánh bắt tăng lên. Trước kia, mỗi năm chỉ khai thác được hơn một nghìn tấn hải sản, đến nay, toàn xã đánh bắt khoảng 3.500 tấn hải sản các loại (gấp đôi so với năm 2000). Theo đó, đời sống người dân được cải thiện, bình quân thu nhập đầu người hiện nay đạt hơn 25 triệu đồng/năm; hộ nghèo và cận nghèo còn khoảng 140 hộ, chiếm 8,28%. So với 10 năm trước - khi thị xã Tam Kỳ mới “nâng cấp” lên thành phố, giờ đời sống người dân Tam Thanh được cải thiện và diện mạo làng quê thay đổi hơn nhiều. Tuy nhiên, so với tiềm năng, những kết quả đạt được còn quá khiêm tốn. Tại sao một địa phương duy nhất ở TP Tam Kỳ ôm trong lòng bờ biển dài hơn chục cây số, có bãi biển đẹp hoang sơ, nước xanh biêng biếc; lại nằm cách trung tâm thành phố - “thủ phủ” của tỉnh Quảng Nam chưa đầy chục ki-lô-mét nhưng du lịch chưa phát triển? Đây là câu hỏi đặt ra tại các diễn đàn khiến nhiều lãnh đạo ở địa phương trăn trở, day dứt.

…thành làng bích họa - du lịch triển vọng

Qua trao đổi với Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ Văn Anh Tuấn, chúng tôi được biết, những năm gần đây, Tam Kỳ có nhiều chủ trương phát triển kinh tế - xã hội vùng phía đông, trong đó, lấy phát triển du lịch, dịch vụ ở xã Tam Thanh làm cơ sở đi lên. Theo đó, thành phố triển khai nhiều dự án ở khu vực biển Tam Thanh. Vào giữa tháng 5-2016, Công ty CP Du lịch - Dịch vụ Hội An tổ chức khánh thành, chính thức đưa Khu du lịch nghỉ dưỡng Tam Thanh (đạt tiêu chuẩn quốc tế 3 sao) tại thôn Hạ Thanh vào hoạt động. Đây là khu du lịch nghỉ mát kết hợp phát triển các dịch vụ vui chơi, giải trí trên biển, phục vụ người dân địa phương và khách tham quan; sẽ là một trong những điểm đến liên kết với các chương trình tua du lịch, với các chủ đề: “Thiên nhiên kỳ vĩ - lịch sử hào hùng”, “Phú Ninh hẹn hò”, “Tam Kỳ xưa và nay”, “Về với thiên nhiên biển - hồ”. Đặc biệt, để góp thêm sức hút cho du lịch vùng này, vào trung tuần tháng 6 vừa qua, Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc phối hợp Chương trình định cư con người Liên hợp quốc và TP Tam Kỳ triển khai dự án Mỹ thuật cộng đồng Hàn - Việt tại xã Tam Thanh. Sau ba tuần thực hiện, thôn Trung Thanh có hơn 100 ngôi nhà được sơn mới; trên những tường nhà, tường rào là những bức họa chân thực, gần gũi, sinh động gắn với đời sống, văn hóa của người dân địa phương. Hình ảnh những con tàu vượt sóng ra khơi, trẻ em làng biển nô đùa, những mẻ lưới phơi dưới nắng trưa, chợ quê… được tái hiện, chạy dọc khu vực ven biển Tam Thanh. Đến thăm thôn Trung Thanh, bà Ke-um Din Y-un, Phó Chủ tịch Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc cho biết, những bức tranh do nhóm họa sĩ Hàn Quốc và các tình nguyện viên hai nước vẽ ở làng chài được lấy hình mẫu từ những làng bích họa vốn rất phổ biến tại Hàn Quốc hiện nay. Hoạt động này không chỉ nhằm chia sẻ ý tưởng nghệ thuật giữa hai quốc gia, góp phần thay đổi diện mạo làng quê, thúc đẩy du lịch phát triển và nâng cao ý thức về phát triển cộng đồng; mà hơn thế, nó còn là biểu tượng về tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc.

Từ khi làng bích họa hình thành, nhiều quán cà-phê, giải khát ven đường ở thôn Trung Thanh đã chỉnh trang lại, sắm thêm bàn ghế… để đón khách tham quan, chụp ảnh. Bà Trương Thị Lãm, năm nay hơn 70 tuổi, nhưng đôi mắt vẫn tinh anh, ánh lên niềm vui khi xem những bức tranh được các họa sĩ Hàn Quốc vẽ trên tường làng quê mình. “Lớp tuổi già như chúng tôi không còn nhiều thời gian để chứng kiến, hưởng thụ những thành quả của sự đổi mới mang lại. Nhưng những bức tranh giản dị, sống động này sẽ giúp người dân, nhất là lớp trẻ lớn lên có một cách nhìn mới hơn, hồn nhiên hơn khi giao lưu, hội nhập, làm ăn với bạn bè trong nước và thế giới” - Bà Lãm chia sẻ. Vừa chỉ tay lên bức tranh còn thơm mùi sơn trên tường nhà, ông Bùi Tấn Bửu không giấu được niềm vui: “Dự án Mỹ thuật cộng đồng Hàn - Việt mang lại cho làng chài một diện mạo, sắc thái mới. Đây là dịp để chúng tôi tiếp cận, thưởng thức giá trị nghệ thuật; là cơ hội để mọi người khai thác, phát triển du lịch cộng đồng, cải thiện cuộc sống trên mảnh đất quê mình”. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lê Ngọc Ty, Tam Thanh là xã ven biển, thường được biết tới nhờ bãi tắm Hạ Thanh thơ mộng và những cơ sở làm nước mắm truyền thống. Do vậy, khi được phía Hàn Quốc chọn triển khai dự án Mỹ thuật cộng đồng Hàn - Việt, chính quyền và người dân địa phương vô cùng phấn khởi. Sau khi làng bích họa hình thành, chính quyền đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc chung tay quản lý, bảo vệ và khai thác có hiệu quả các sản phẩm mỹ thuật. Trong đó, xã tiếp tục vận động bà con mạnh dạn đầu tư hình thành các sản phẩm du lịch, dịch vụ. Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ Nguyễn Minh Nam cho biết, sắp tới, Tam Kỳ sẽ huy động thêm các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng như mở rộng đường sá, bãi tắm; xây dựng quy chế hoạt động, hướng dẫn nhân dân phát huy giá trị của dự án, đưa làng bích họa vào khai thác, phát triển du lịch sinh thái, dịch vụ… Rời làng biển Tam Thanh trong nắng chiều vàng ruộm, chúng tôi mang theo niềm hy vọng, trong tương lai, ngôi làng bích họa này sẽ góp phần tạo thêm sức hấp dẫn cho chuỗi hành trình khám phá các di tích quốc gia trong vùng như: Văn thánh Khổng miếu, Địa đạo Kỳ Anh, Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng, Khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh... Như thế, du lịch Tam Kỳ sẽ có cơ hội phát triển nhanh hơn, “níu chân” du khách được lâu hơn…

TẤN NGUYÊN

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm