Trước khi về làng nghề làm lược sừng Thụy Ứng, Thường Tín, Hà Nội, tôi cứ ám ảnh với câu thơ của Huỳnh Hữu Vô: “Cây lược em cài trên tóc. Thắm vàng lá đẫm thu phai. Sương xưa chút hồn thơ đọng. Có nghe thềm nhớ trăng đầy”.
Các sản phẩm sừng mỹ nghệ
Ngẫm cái lược sinh thành từ những chiếc lá thông chải lên mái tóc, vậy mà đến nay nó đã gắn bó với con người đã 5000 năm, thân thiện và lãng mạn với cuộc đời.
Lược sừng Thụy Ứng đây mà…
Đó là những lời thân thương của mọi người mỗi khi cầm trên tay chiếc lược sừng. Họ nhận ra vì chỉ có làng Thụy Ứng là nơi duy nhất làm ra những chiếc lược sừng ở nước ta. Xa xưa còn có một làng ở Hưng Yên làm lược bí bằng gỗ và tre, nhưng nay đã bị rơi vào quên lãng. Cùng với đó, những cơ sở sản xuất từng tung hoành trên thị trường, với hàng loạt mẫu mã lược nhựa, đã làm chao đảo những người làm nghề lược sừng ở Thụy Ứng. Vậy mà cho đến nay, với truyền thống làng nghề lược sừng 400 năm qua, những người dân nơi đây vẫn cặm cụi giữ lấy nghề để mưu sinh, tồn tại. Giờ đây, làng Thụy Ứng không chỉ còn làm lược sừng mà còn làm nhiều chủng loại hàng dân sinh khác như môi, thìa, đũa, khay, đĩa… cùng với những mặt hàng mỹ nghệ trang trí. Đó còn là những quân cờ, trâm cài tóc, tranh dân gian, đồ thờ và cả điêu khắc sừng trang trí nội thất rất độc đáo. Nhưng có lẽ lược sừng vẫn là mặt hàng chính, mà Thụy Ứng đã cung cấp cho hàng chục tỉnh thành miền bắc, trong nhiều năm qua. Đến đâu người ta vẫn nhận ra hình chiếc lược hình múi bưởi thân quen và những chiếc lược bí bằng sừng của Thụy Ứng. Nay, ai đến làng cũng đều nhận thấy không khí nhộn nhịp cảnh mua bán, chế biến nguyên liệu sừng và thiết kế các mẫu mã các mặt hàng. Ngoài sự mưu sinh, người dân Thụy Ứng còn nuôi dưỡng niềm tự hào về truyền thống văn hóa của một làng nghề làm đẹp cho đời. Bởi lược của họ đã trở nên thân quen trong mỗi gia đình trong mỗi nếp sinh hoạt trong dân gian gắn bó với ý niệm về cái đẹp: “Cái tóc là góc con người”. Từ xưa lược sừng trở thành bảo vật của làng với danh xưng “Đệ nhất Thăng Long nghề” từ thời Lê Trung Tông, niên hiệu Bình Thuận (1548-1556). Đền thờ Tổ nghề làm lược và các đồ sừng vẫn còn ghi, đây là nghề mãi mãi nuôi sống dân làng, làm nên tên tuổi của Thụy Ứng...
Những ký ức từ những chiếc răng lược
Thật may khi đến làng, tôi được gặp chủ nhân của cơ sở sản xuất lược sừng “Mười Sử”. Đó là giám đốc Nguyễn Văn Sử. Ông đã cùng vợ lận đận vượt qua những khó nhọc, trong nghề nghiệp để vượt lên trong cuộc mưu sinh và nuôi dưỡng nghề nghiệp của gia đình. Mười là tên vợ ông. Sự nghiệp hai mươi năm mỗi ngày một lớn mạnh. Xưởng sản xuất “Mười Sử” đã trở thành một thương hiệu của làng Thụy Ứng. Ông được coi là cỡ “đại gia” trong nghề làm đồ mỹ nghệ sừng ở đây.
Giám đốc Nguyễn Văn Sử, chủ nhân của cơ sở sản xuất lược sừng “Mười Sử”
“Đại gia” với nghĩa là một ông chủ sống chết với nghề cho dù phải trải qua nhiều khốn khó, cam go. Cùng với đó, ông Sử còn là “đại gia” về sự phát triển mô hình sản xuất, với những ứng dụng công nghệ trong dây chuyền sản xuất. Hai con trai ông đã nối nghiệp và trở thành thế hệ thứ tư trong một gia đình làm nghề. Đáng chú ý hàng chục chủng loại hàng của “Mười Sử” được đưa đi bán khắp bàn dân thiên hạ, trong nhiều đại lý ở các địa phương. Vậy mà khi tôi đưa ra vấn đề “Hợp nhất” những người làm nghề trong một tổ chức hội, ông bật cười lắc đầu. Ông cũng không hiểu mọi chuyện từ đâu nữa, cho dù chính ông cũng là người có những tham gia vận động và mong mỏi điều này từ lâu. Trong lòng ông tràn đầy những hình ảnh làm ăn phiêu dạt của gia đình mình một thời. Ông nhớ lại, trước đó muốn làm lược sừng phải đối chọi với bao khó khăn về cơ chế, lẫn quan niệm xưa cũ. Bàn tay ông đã mòn vẹt theo năm tháng vì phải cưa cắt sừng theo phương thức làm ăn cổ lỗ. Bàn chân ông đã mệt mỏi trên những chặng đường bán hàng rong và trốn chui chốn lủi vì chuyện mua sừng trâu bò lậu. Sau này ông còn phải vượt hàng trăm cây số đi tìm nguồn sừng ở những nẻo rừng núi xa xôi. Rồi còn chuyện nhịn đói, nhịn khát vĩ lỡ đường và phải chờ đợi mua sừng trâu… Ông trần tình đủ mọi chuyện để nói lên việc người làm nghề phải nương tựa vào nhau để sinh tồn và phát triển. Đó là sự mong mỏi trong nhiều năm tháng, cho dù đến nay nhiều người làng đã trở thành những ông chủ, và đã có những mối làm ăn rộng đường tích lũy. Ấy vậy mà vẫn thấy thiếu hụt hơi thở của cộng đồng và những sự ấm áp chia sẻ những khó khăn của thị trường...
Nỗi nhớ lược ngà
Không ngờ khi chia tay, những câu thơ bâng khuâng nỗi niềm tâm sự trong bài “Lược cài tóc mây” lại hiện lên như khúc ca lãng mạn nhất về hình ảnh chiếc lược sừng. Cùng với đó, hình ảnh những người chiến sĩ ra mặt trận, một thời thường ghi nhận thành quả chiến công của mình, bằng chính những chiếc lược được làm bằng mảnh cánh máy bay hay vỏ đạn pháo gửi về cho người ở hậu phương. Đó là lời hẹn hò, cũng là thể hiện quyết tâm chiến đấu và chiến thắng trở về. Hình ảnh chiếc lược trên chiến hào là tiếng nói của hòa bình xóa nhòa cuộc chiến tranh khốc liệt mà dân tộc ta đã trải qua. Không ít các chàng trai làng Thụy Ứng đã lên đường với những chiếc lược sừng trong ba lô như ông Sử. Họ yêu quê hương như vậy. Hẹn ngày về với chiếc lược sừng còn ám khói đạn bom và nguyện giữ lấy nghề. Đi tới đâu người Thụy Ứng vẫn đau đáu, với việc giữ gìn và phát huy nghề cổ truyền một thuở thắm thiết, trong phồn hoa của 36 phố phường xưa. Đi tới đâu người Thụy Ứng vẫn hát rằng: “Hỡi cô yếm thắm kiêu sa. Lại đây anh gửi lược ngà cùng gương”. Rồi mong nhớ, rồi hẹn hò: “Cầm lược thì nhớ tới gương. Cầm khăn nhớ túi, đi đường nhớ nhau”…Vậy đó, chiếc lược là hình ảnh của làng Thụy Ứng mang hình múi bưởi, thơm hương khắp mọi miền đất nước....
ST