Là ngọn cờ đầu trong cuộc nổi dậy giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945, mảnh đất Hội An anh hùng nay đã vươn mình trở thành một điểm sáng về phát triển du lịch, thu hút hàng triệu lượt khách quốc tế mỗi năm.
Di tích lịch sử cách mạng Chùa Kim Bửu. Nơi đây Tỉnh ủy Quảng Nam đã mở hội nghị cán bộ toàn tỉnh để nghiên cứu quán triệt các chỉ thị của Trung ương Đảng triển khai các công việc gấp rút chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân tháng 8/1945. Ảnh: VGP/Lưu Hương
Hội An là mảnh đất giàu lòng truyền thống lịch sử cách mạng. Nơi đây đã sinh ra nhiều người con ưu tú cho đất nước như chí sĩ Nguyễn Huy Hiệu, chiến sĩ yêu nước Châu Thượng Văn…
Hội An cũng là nơi tiếp nhận sớm chủ nghĩa Marx-Lenin và hình thành các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản. Ngày 28/3/1930, chỉ sau 25 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tại Hội An, Đảng bộ Quảng Nam cũng chính thức ra đời và bí mật hoạt động.
Những ngày tháng khó khăn của cách mạng, nhân dân Hội An vẫn tổ chức nhiều cuộc đấu tranh, bãi công tạo tiếng vang lớn. Khi nhận được chỉ thị cùng cả nước chuẩn bị khởi nghĩa, người dân Hội An đã hăng hái tham gia đấu tranh giành chính quyền.
Trong hào khí của cuộc Cách mạng tháng Tám, đêm 17 rạng ngày 18/8/1945, trên 5.000 quần chúng cách mạng của Hội An do các đội tự vệ vũ trang dẫn đầu đã nhất tề vùng lên khởi nghĩa. Đến 6h ngày 18/8/1945 nhân dân Hội An được chứng kiến lá cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay trước tòa tỉnh trưởng, chứng kiến giờ phút thiêng liêng của ngày hội cách mạng lật đổ ách áp bức của chế độ thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân...
Từ đó, với tư cách là người làm chủ, nhân dân Hội An hăng hái tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và khối đại đoàn kết toàn dân để tạo dựng cuộc sống mới.
Đổi thay vùng đất cách mạng
Sau 71 năm, nhờ sự chung tay hợp sức giữa chính quyền và nhân dân, diện mạo của Hội An - mảnh đất anh hùng đã “thay da đổi thịt”, đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội. Thành phố Hội An đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1998), Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới (năm 2000).
Hội An hôm này là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Ảnh: VGP/Lưu Hương
Ông Kiều Cư, Bí thư Thành ủy Hội An cho biết: Phát huy tinh thần quê hương cách mạng, Đảng bộ và chính quyền Thành phố đã xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Với sự đồng lòng và quyết tâm cao, nay Hội An đã trở thành một thành phố du lịch được sự yêu mến của du khách trong và ngoài nước.
Các mô hình du lịch như “phố không động cơ”, “đêm phố cổ”, “lễ hội hoa đăng” đã được Hội An triển khai có hiệu quả, tạo dấu ấn riêng trong lòng du khách. Không chỉ dựa vào lợi thế di sản, Thành phố còn mở ra nhiều loại hình du lịch mới như du lịch văn hóa, khám phá biển đảo, sinh thái-nghỉ dưỡng, homestay…
Hội An cũng đã thành công khi đưa làng nghề có truyền thống lâu đời như gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, rau Trà Quế… vào khai thác du lịch, mở ra hướng đi mới, tạo thêm một sản phẩm khác lạ trong dòng sản phẩm du lịch truyền thống, góp phần vừa bảo tồn làng nghề, vừa nâng cao thu nhập cho người dân vùng ven.
Trong 5 năm gần đây, bình quân mỗi năm Hội An đón 1,6 triệu lượt khách, tăng 8,13%/năm. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, Hội An đã đón 1,2 triệu lượt khách, tăng 10,6%. Kinh tế của Hội An tăng trưởng 10,81%, thu nhập bình quân đầu người đạt 32,92 triệu đồng, số hộ nghèo giảm nhanh và bền vững.
Mục tiêu đến năm 2020, Hội An sẽ thu hút được 3,09 triệu lượt khách (trong đó 1,58 triệu lượt khách quốc tế); tốc độ tăng trưởng khách quốc tế giai đoạn 2015-2020 đạt 13-17%/năm và khách nội địa đạt 8-10%; tốc độ tăng trưởng GDP đạt 13-17%/năm; tạo việc làm cho hơn 26.000 lao động trực tiếp và hơn 53.000 lao động gián tiếp.
Trong tương lai gần, Hội An sẽ phân vùng, xây dựng các cụm du lịch: Di sản Thế giới phố cổ Hội An; biển Cửa Đại-Cẩm An, biển Cù lao Chàm; hệ thống chuỗi du lịch sinh thái sông nước Thu Bồn, Cổ Cò, Đế Võng; hệ thống chuỗi du lịch cộng đồng gắn với các làng nghề, các làng quê với những sản phẩm du lịch, trải nghiệm độc đáo.
Đặc biệt tại xã Cẩm Kim, nơi lưu giữ đậm nét dấu ấn những năm tháng tiền khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, Thành phố cũng vừa đưa vào sử dụng cây cầu với vốn đầu tư 32 tỷ đồng bắc qua sông Thu Bồn, nối ốc đảo này với trung tâm Hội An, đưa vùng đất này trở thành một địa điểm du lịch lịch sử, sinh thái, mở ra cơ hội đổi thay cho người dân nơi đây.
Đến Hội An hôm nay, đi bộ qua những con phố yên bình, ngắm những ngôi nhà rêu phong, hay dạo qua những làng rau xanh mướt, bắt gặp những nụ cười, ánh mắt vui tươi hiện rõ trên gương mặt của người dân, bạn sẽ cảm nhận rõ hơn sự đổi thay của mảnh đất này.
Theo Lưu Hương/chinhphu.vn