Nhiều đại học tốp đầu không tuyển đủ thí sinh ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên đã cho thấy những đổi mới trong thi cử còn nhiều bất cập…
Thí sinh chọn trường, chọn ngành khi đăng ký xét tuyển đại học
Từ nhiều năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều đổi mới trong khâu tuyển sinh, đặc biệt là trong 2 năm 2015, 2016 theo hướng tạo thuận lợi cho thí sinh và các trường. Tuy nhiên, các đợt xét tuyển sinh năm 2015 và đợt xét tuyển đại học, cao đẳng đầu tiên của năm 2016 cho thấy, những đổi mới này chưa thực sự hiệu quả, mà còn làm cho việc tuyển sinh của nhà trường và quá trình xét tuyển của thí sinh càng thêm rối.
Đợt xét tuyển đại học, cao đẳng đổi mới đầu tiên năm 2015 được nhiều thí sinh và dư luận ví như “chơi chứng khoán” do thí sinh phải “canh” điểm thi của mình rồi tính xác suất đỗ, hoặc trượt để rút hồ sơ, nộp sang trường khác. Kết thúc đợt 1, các trường đại học tuyển được trên 350.000 chỉ tiêu, nhiều trường đã tuyển đủ ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên.
Năm nay, đợt xét tuyển đầu tiên không xảy ra tình trạng hỗn loạn khi nộp hồ sơ như năm ngoái do thí sinh được nộp 2 trường trong đợt 1 nhưng không được rút hồ sơ hoặc thay đổi nguyện vọng đã đăng ký.
Tuy nhiên, kết thúc xét tuyển đợt 1, các trường chỉ tuyển được khoảng 200.000 thí sinh, đạt 62% chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia. Rất ít trường tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt xét tuyển này. Nhiều trường có số thí sinh trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu từ 15% đến 50%, nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu do tỷ lệ thí sinh ảo quá lớn. Do đó, các trường phải công bố xét tuyển bổ sung khoảng hơn 100.000 thí sinh.
Điều đáng nói là trong số những trường không tuyển đủ chỉ tiêu có nhiều trường thuộc tốp đầu, với điểm trúng tuyển luôn ở mức cao, như Đại học Y Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng, Học viện Ngoại giao, Học viện Tài chính... Đây là điều rất ít khi xảy ra ở các mùa tuyển sinh những năm trước.
Về phía thí sinh, các em không phải căng thẳng tính toán và chạy đua để rút hoặc nộp hồ sơ, nhưng lại không biết được cơ hội trúng tuyển của mình như thế nào. Các em cũng phải đến trường hai lần để nộp hồ sơ xét tuyển và nộp Giấy chứng nhận kết quả thi nếu trúng tuyển do không tin tưởng vào hình thức nộp trực tuyến và gửi qua đường bưu điện. Như vậy, những đổi mới trong tuyển sinh năm nay chỉ giảm bớt một phần vất vả cho thí sinh, nhưng lại dồn sự khó khăn về phía các trường.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết: “Thí sinh ảo đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định ngay từ đầu, các trường cũng xác định ngay từ đầu, đó là do thí sinh được nộp 2 trường. Lúc gọi tùy theo các trường, ví dụ trường thì gọi dôi 15%, trường thì gọi dôi 20%, trường thì gọi dôi 100%, nhưng tùy theo việc thí sinh đến nhập học. Năm ngoái, các thí sinh vất vả còn năm nay tạo thuận lợi cho thí sinh thì các trường phải chấp nhận tỷ lệ ảo đó. Chỉ có điều là các trường không kiểm soát được thí sinh, nên không biết thí sinh nhập học trường mình hay nhập học trường khác”.
Những vấn đề phát sinh trong đổi mới tuyển sinh năm nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn theo hướng “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa sửa”. Khi thí sinh và dư luận xã hội chê trách khâu nào, thì lại sửa đổi khâu ấy, nên thực chất, “việc khó” chỉ chuyển từ nơi này sang nơi khác, giải quyết được vấn đề này, thì vấn đề khác lại phát sinh.
Nhiều chuyên gia và lãnh đạo các trường nhận định, những đổi mới trong tuyển sinh hiện nay mới chỉ dừng ở đổi mới phương thức tổ chức thi, tức là đổi mới về mặt kỹ thuật, chứ chưa đổi mới căn bản phương thức kiểm tra, đánh giá học sinh.
Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, đã đến lúc, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng và trả kỳ thi tốt nghiệp THPT về các địa phương, thay vì tổ chức một kỳ thi với 2 mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng như hiện nay.
“Ngoài lúng túng là một kỳ thi với 2 mục đích rất khó dung hòa, nhưng chúng ta mới chú ý đến người học, chứ chúng ta chưa chú ý đến nền giáo dục. Chúng ta định đưa đất nước, dân tộc mình đến đâu, mục tiêu cái đó mới là quan trọng.
Nền giáo dục của chúng ta đang làm ngược, tức là lo đầu vào và thả nổi đầu ra. Tại sao không để các trường đại học tự chọn học sinh, trong quá trình học người ta sàng lọc. Có những trường đại học trên thế giới, đầu vào so với đầu ra chỉ còn có 40% thôi, chứ không phải như chúng ta là 100% sinh viên vào học là tốt nghiệp hết”- Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm nói.
Theo ông Trương Tiến Tùng, Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội, để thay đổi căn bản và toàn diện giáo dục đại học phải dựa trên hai yếu tố là tự chủ đại học và kiểm định chất lượng. Khi giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tổ chức tốt các khâu kiểm định để quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo, chứ không nên loay hoay đổi mới và quản lý khâu tuyển sinh như hiện nay.
Ông Trương Tiến Tùng bày tỏ: “Quan điểm của cá nhân tôi về vấn đề này lại là chúng ta hãy thực hiện kế hoạch đào tạo đại học theo dạng hình chóp, có nghĩa quy mô đào tạo không đổi, nhưng càng lên cao, số người học được càng ít đi thì tốt hơn. Đấy chính là sàng lọc tự nhiên, còn hơn là chúng ta tổ chức đào tạo hình ống.
Bởi vì khi đào tạo hình ống, thì người ta biết là đã chui vào được hình ống ấy thì khắc có người đẩy để ra khỏi cái ống ấy. Còn đào tạo hình chóp thì rõ ràng phải dừng học là chuyện bình thường. Vì năng lực không đảm bảo thì tốt nhất anh phải dừng học để dành chỗ học ấy cho các bạn khác có năng lực tốt hơn. Tôi nghĩ đây là phù hợp với quy luật đào tạo tuyển chọn nhân tài và sử dụng nhân tài về lâu dài”.
Từ những vấn đề phát sinh khi đổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng những năm gần đây cho thấy, điều mà học sinh và cả xã hội mong chờ là Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng được phương án tuyển sinh có tính ổn định, hài hòa lợi ích của thí sinh và các trường đại học, cao đẳng.
Việc đổi mới tuyển sinh hiện nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo được nhiều người nhận định là dùng các miếng vải khác nhau để vá víu một chiếc áo đã cũ, kín chỗ này thì hở chỗ kia, chỉ khiến cả thí sinh và các trường thêm rối./.
Theo Minh Hường/VOV.VN