Cập nhật: 25/08/2016 09:02:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

GS.Nguyễn Lân Dũng cho biết, mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 100.000 tấn thuốc trừ sâu, do đó việc kiểm soát đầu ra thực phẩm là không thể.

(Đồ họa: soha)

Trao đổi với phóng viên, GS.Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh vật học Việt Nam cho biết, mỗi năm Việt Nam nhập 4.100 loại thuốc trừ sâu sử dụng trong trồng trọt, trong đó có 1.643 hoạt chất khác nhau, với số lượng khoảng 100.000 tấn (trong đó 90% nhập từ Trung Quốc).

Đây là con số biết nói thật khủng khiếp và không thể kiểm soát được “đầu ra” của thực phẩm”. Với số hoạt chất như vậy, việc kiểm soát là không thể, trong khi Việt Nam có tới hơn 30.000 đại lý bán thuốc trừ sâu. “Tôi rất thắc mắc là trong số 4.100 loại thuốc trừ sâu nhập về với số lượng 100.000 tấn có đến 1.643 hoạt chất. Trong khi đó Trung Quốc 1,4 tỷ dân nhưng chỉ cho phép sử dụng 630 hoạt chất. Câu hỏi đó tôi không thể trả lời được. Như thế làm sao con người Việt Nam không bị đầu độc?” – GS. Nguyễn Lân Dũng đặt vấn đề.

Theo ông Nguyễn Lân Dũng: Chúng ta nên kiên quyết đấu tranh về tính chịu trách nhiệm của nhà sản xuất thực phẩm. Đó là sản phẩm phải bảo đảm. Bên ngoài bao bì phải ghi là “công ty chúng tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc không dùng thuốc trừ sâu hóa học, hoặc không dùng phân đạm hóa học” (vì thuốc trừ sâu có thể sinh ra chất gây ung thư). Người sản xuất phải sử dụng công nghệ thông tin, tức là mỗi gia đình liên kết với doanh nghiệp phải có mã số riêng. Khi doanh nghiệp bị xử tội, thì phải liên đới tới từng gia đình cụ thể.

Do đó, người tiêu dùng muốn sử dụng thực phẩm an toàn thì phải mua với giá cao hơn, không có chuyện “rau sạch giá rẻ”. GS. Nguyễn Lân Dũng khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân tạo thành chuỗi sản xuất gọi là rau bảo đảm, thịt bảo đảm.

Sử dụng rau rừng thành đặc sản

GS. Nguyễn Lân Dũng nói: “Tôi có sáng kiến là chúng ta có thể sử dụng các loại rau không sâu, không cần thuốc trừ sâu. Đó là loại cây ở Đắk Lắk tôi mới đem về Hà Nội, gọi là rau rừng. Bộ đội ta xưa ăn toàn rau rừng có sao đâu, vì rau đó không có sâu. Tôi có cuốn sách 400 loại cây rau rừng biến thành rau đặc sản của Trung Quốc. Tại sao chúng ta không có đề tài cấp nhà nước để cho các nhà thực vật Việt Nam lấy những cây rau rừng này thành cây rau đặc sản?

Tôi đã bỏ rất nhiều công sức để tìm những loại cây này và đã phát hiện, thống kê những loại mà Việt Nam có, chứng minh rau rừng ăn được. Tôi hy vọng ý kiến của mình sẽ được quan tâm”.

Vì sao không sản xuất được thuốc trừ sâu sinh học?

GS.Nguyễn Lân Dũng đề xuất, cần sử dụng thuốc trừ sâu sinh học thay thế thuốc trừ sâu hóa học đang sử dụng tràn lan, nguy hiểm như hiện nay trong trồng trọt. Bởi nếu chúng ta tiếp tục sử dụng thuốc hóa học, thì mỗi ngày sẽ sử dụng với nồng độ cao hơn. Kéo theo cuộc đua giữa các nhà hóa học với côn trùng và con người sẽ thua côn trùng vì chúng kháng thuốc rất mạnh.

 

Sử dụng thuốc trừ sâu tràn lan, không kiểm soát là một trong những nguyên nhân gây bệnh ung thư (Ảnh minh họa)

Việc nhập khẩu thuốc trừ sâu càng ngày càng độc, nồng độ càng ngày càng cao là con đường hủy diệt con người Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Lân Dũng: “Thuốc sinh học đã được thế giới phát triển, nhưng Việt Nam chưa làm được. Trong khi ở ta, tất cả các đề tài này đã được nghiệm thu xuất sắc nhưng đều đút vào ngăn kéo. Chúng tôi hiện nay bảo quản 5.000 chủng vi sinh vật ở Bảo tàng giống chuẩn quốc gia, nhưng không có nhà máy nào sản xuất. Chúng ta coi công nghệ sinh học là ưu tiên 1, trên cả công nghệ thông tin và công nghệ vật liệu mới, nhưng lại coi thường xây dựng các công nghiệp vi sinh vật.

Chúng ta chỉ có 3 sản phẩm công nghiệp vi sinh vật, đó là rượu bia, bột ngọt và vaccine. Nhưng thuốc trừ sâu sinh học không ai đầu tư để sản xuất. Chúng tôi với tư cách Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam sẵn sàng tham gia xây dựng các công nghệ sản xuất thuốc trừ sâu sinh học, nếu được nhà nước đầu tư các nhà máy làm thuốc trừ sâu sinh học”.

Mỗi năm Việt Nam có trên 200.000 người mắc ung thư mới, 70.000 người chết do ung thư là con số có thật. Theo các chuyên gia y tế thì trên 35% nguyên nhân gây ung thư so thực phẩm bẩn. Điều đó đủ thấy thực phẩm bẩn đáng sợ như thế nào.

“Không chỉ rau mà măng, gà cũng được nhuộm chất vàng ô, cua cũng tiêm thuốc, tương ớt cũng bẩn thỉu, kể cả nước suối đắt hơn xăng nhưng không thể yên tâm. Trong khi không ai chịu trách nhiệm về sự an toàn của nhân dân. Hiện không có món quà gì quý hơn là được tặng thực phẩm sạch. Giờ nhìn gì cũng thấy không an toàn, nên người dân rất hoang mang không biết mua gì, ăn gì. Cho nên thay vì nhập thuốc trừ sâu hóa học thì nên sản xuất thuốc trừ sâu sinh học” – GS.Nguyễn Lân Dũng nói.

Ông Nguyễn Lân Dũng cũng dẫn lại câu chuyện của ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: “Ông ấy nói với tôi đừng bao giờ ăn tiết canh. Một lần anh Khiển đi tập thể dục, ngang qua một cái hồ ở Hà Nội, thấy người ta đang mổ lợn để lấy tiết canh. Họ đưa thẳng nước tiểu vào trong tiết. Anh Khiển bảo sao anh làm bậy thế? Họ bảo ai chả làm thế! Từ đó, tôi chẳng dám ăn bởi nó kinh khủng đến mức ấy. Với anh Khiển tôi rất tin vì là người không bao giờ nói sai”./.

Theo Lại Thìn/VOV.VN

Tệp đính kèm