Cập nhật: 27/08/2016 10:10:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

    

Du khách tham quan di tích lịch sử căn cứ Trung ương Cục miền Nam (tỉnh Tây Ninh). Ảnh: THƯƠNG HÀ

Tây Ninh là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, tiếp giáp các địa phương có nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương; là tỉnh có đường biên giới dài 240 km giáp Vương quốc Cam-pu-chia, với hai cửa khẩu quốc tế, bốn cửa khẩu chính, mười cửa khẩu phụ; có đường xuyên Á đi qua, thuận lợi cho phát triển kinh tế, thương mại, du lịch… giữa Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN. Tây Ninh còn được thiên nhiên ưu đãi về nhiều mặt, khí hậu ôn hòa, thời tiết ổn định.

Ngoài thế mạnh về phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, Tây Ninh có tiềm năng, lợi thế rất lớn về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Tây Ninh đã và đang triển khai nhiều chương trình, kế hoạch để đưa ngành du lịch trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; với kho tàng di sản văn hóa của các dân tộc hội đủ các loại hình lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ học và danh lam thắng cảnh. Toàn tỉnh hiện có 86 di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng được xếp hạng, trong đó có 26 di tích cấp quốc gia. Đây là tài sản vô giá mà Tây Ninh hướng đến để đưa “ngành công nghiệp không khói” phát triển.

Đến với Tây Ninh, du khách không chỉ được tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng qua những di tích lịch sử, mà còn có dịp được du ngoạn, chiêm ngưỡng, khám phá những danh lam thắng cảnh, những điểm du lịch, mà không nơi nào có được, như: Khu di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam (được Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt tháng 5-2012), một “địa chỉ đỏ” nổi tiếng cả nước, du khách sẽ hiểu và cảm nhận được sự gian khổ nhưng đầy vinh quang, tự hào của các thế hệ lãnh đạo cách mạng tiền bối. Quần thể Di tích gồm ba phân khu: Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam, Căn cứ Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam và Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, nơi từng lưu dấu những quy định về bảo mật, như “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Đến ngày nay, Di tích vẫn giữ được những nét độc đáo, nguyên thủy, đó là những giao thông hào, những căn hầm bí mật, những mái nhà được kết bằng lá trung quân, những đồ dùng sinh hoạt giản đơn và mộc mạc mà các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Chí Thanh... từng sử dụng trong những năm tháng hoạt động cách mạng, đã vượt bao gian khổ để lãnh đạo cách mạng miền nam cùng với cả nước trường kỳ kháng chiến đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai, giành thắng lợi hoàn toàn. Cùng dịp tham quan, tìm hiểu về Quần thể Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam, du khách hãy đến với Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát để khám phá, tìm hiểu thiên nhiên, với hệ sinh thái độc đáo, nhiều loài cây có tên trong sách đỏ Việt Nam, về động vật có sự tồn tại của một số loài có giá trị trong bảo tồn, riêng đối với hệ chim thì Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát được công nhận là một trong các vùng chim quan trọng của Việt Nam.

Từ Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát ngược về thành phố Tây Ninh, du khách đến với quần thể di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng núi Bà Đen, biểu tượng của vùng đất Tây Ninh, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 9 km về hướng đông. Quần thể này trải rộng trên diện tích khoảng 24 km², gồm ba ngọn núi: núi Heo - núi Phụng - núi Bà Đen. Với độ cao 986 m (cao nhất phía nam), nhìn từ xa, núi Bà Ðen như một chiếc nón úp trên đồng bằng. Nằm rải rác từ chân núi lên lưng chừng núi là một quần thể kiến trúc gồm: điện, chùa, miếu, tháp và nhiều hang động..., phản ánh những đặc trưng của văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Khi nói đến núi Bà Đen, người ta nghĩ ngay đến Điện Bà hay Linh Sơn Tiên Thạch Tự, nơi mà đến ngày nay vẫn còn lưu truyền nhiều giai thoại trong dân gian về sự tích Nàng Đênh, Lý Thị Thiên Hương, về lịch sử hào hùng của quân và dân Tây Ninh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tại núi Bà Đen đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt mà dấu tích còn lưu lại đến ngày nay.

Nằm ở huyện Hòa Thành, cách thành phố Tây Ninh khoảng 5 km về hướng đông nam là Tòa Thánh Cao Đài - Tổ đình của đạo Cao Đài Tây Ninh, với nhiều kiến trúc đặc sắc. Khuôn viên Tòa Thánh rộng khoảng 1 km², là một quần thể kiến trúc tôn giáo, liên thông bởi những con đường rộng thênh thang, đầy bóng mát của rừng... Vẻ đẹp của khuôn viên Tòa Thánh càng được tôn thêm bởi những dáng hình của rất nhiều loại cây cảnh, được tạo tác bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân. Tòa Thánh cũng là điểm đến của hàng triệu đồng bào theo đạo và du khách gần xa, nhất là dịp lễ hội của tôn giáo Cao Đài được tổ chức hàng năm. Đến Tây Ninh, du khách chắc hẳn cũng không thể bỏ qua công trình thủy lợi nhân tạo lớn bậc nhất Đông - Nam Á, đó là hồ Dầu Tiếng (huyện Dương Minh Châu). Để hoàn thành công trình thủy nông nhân tạo này, nhân dân Tây Ninh đã thi công ròng rã suốt bốn năm, với hơn 454.261 lượt nhân công và 14.900.000 ngày công. Với diện tích mặt hồ rộng hơn 27 nghìn ha, chứa 1,5 tỷ m3 nước. Hiệu quả kinh tế - xã hội của hồ Dầu Tiếng mang lại rất cao, với hệ thống thủy lợi đã bảo đảm cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt và công nghiệp cho Tây Ninh, Bình Dương, Long An và TP Hồ Chí Minh. Công trình hồ Dầu Tiếng là một minh chứng rõ nét cho sự đoàn kết cao độ và quyết tâm xây dựng quê hương của quân và dân Tây Ninh. Ngày nay, hồ Dầu Tiếng đã và đang trở thành điểm du lịch sinh thái lý tưởng và du khách cũng không thể bỏ qua việc tham quan, khám phá ở đảo Nhím.

Việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa cũng được các cấp chính quyền tỉnh Tây Ninh chú trọng, quan tâm. Chỉ tính trong ba năm (2013 - 2015), cùng với nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, Tây Ninh đã đầu tư gần 60 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo. Đặc biệt, với Nghị quyết số 04- NQ/TU của Tỉnh ủy Tây Ninh về đẩy mạnh khai thác tiềm năng, phát triển du lịch phấn đấu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng, chuyển đổi một cách cơ bản cơ cấu kinh tế của tỉnh. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành du lịch về khách du lịch tăng 11-13%/năm, phấn đấu đến năm 2020 đạt bốn triệu lượt khách tham quan, doanh thu du lịch tăng 17-23%/năm.

Với các địa danh lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, tạo thành một tuyến du lịch hấp dẫn, thuận lợi cho việc đi lại, du khách có thể thực hiện một tua để rồi kết thúc ở những địa chỉ ẩm thực nổi tiếng, với những món ăn đặc sản, như: Bánh tráng phơi sương, bánh canh giò heo ở Trảng Bàng, các món chay ở huyện Hòa Thành... Sau chuyến hành trình, du khách sẽ muốn mang về ít nhiều hương vị từ những sản phẩm đặc trưng của vùng đất này, như: Muối ớt, bánh tráng me, mãng cầu, mật ong rừng... để làm quà cho người thân.

 

ST

 

Tệp đính kèm