Để có nguồn tuyển dồi dào hơn, một số trường đại học đã phải chấp nhận hạ điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung một số ngành xuống mức thấp hơn hai đến ba điểm so với điểm chuẩn nguyện vọng một như Đại học Y Hà Nội, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Công nghiệp Hà Nội…
Thí sinh làm thủ tục xét tuyển đại học tại Đại học
Bách khoa Hà Nội năm 2016. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
“Chênh 3 điểm trong tuyển sinh đại học là rất lớn. Điều này sẽ hình thành hai nấc trình độ đầu vào của sinh viên ngay trong một lớp học, gây khó khăn cho công tác giảng dạy, đồng thời tạo tâm lý không tốt cho người học,” phó giáo sư Lê Hữu Lập, nguyên Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nói.
Nguồn tuyển đã cạn?
Theo giáo sư Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, trường chỉ có một ngành có điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung thấp hơn một điểm so với điểm chuẩn đợt một là ngành Y đa khoa, phân hiệu Thanh Hóa.
Các ngành học khác như Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Dinh dưỡng, Điều dưỡng, Y tế công cộng, Khúc xạ nhãn khoa, Xét nghiệp y học đều có ngưỡng điểm nhận hồ sơ thấp hơn đến 3 điểm so với điểm chuẩn đợt một.
“Tuy nhiên, đây chỉ là điểm nhận hồ sơ. Sau đó, chúng tôi sẽ lấy điểm từ trên xuống đến khi đủ chỉ tiêu. Vì thế, điểm trúng tuyển có thể sẽ cao hơn so với điểm nhận hồ sơ ban đầu,” ông Hinh chia sẻ.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm hàng chục năm làm công tác tuyển sinh, ông Lê Hữu Lập lại nhận định: “Nguồn tuyển của đợt xét tuyển bổ sung năm nay đã cạn và rất khó để các trường có thể tuyển sinh với điểm cao hơn.”
Phân tích cụ thể hơn, ông Lập cho biết, năm nay, ngay ở đợt một, thí sinh được nộp cùng lúc hai trường, mỗi trường hai nguyện vọng. Tổng số, thí sinh sẽ có 4 cơ hội để đỗ vào các trường. Để có cơ hội đỗ cao, các ngành này sẽ được thí sinh lựa chọn gồm cả ngành điểm cao và điểm thấp hơn so với mức điểm của mình.
“Vì thế, có thể nói đa số thí sinh sẽ trúng tuyển ở nguyện vọng một. Có thể có ngành các em không thích nhưng do áp lực tâm lý vấn đề đỗ-trượt, thí sinh vẫn sẽ nộp hồ sơ để học thay vì chờ đợi ở nguyện vọng hai vốn có chỉ tiêu ít hơn. Nguồn tuyển với những thí sinh ở mức điểm khá còn lại chắc chắn không nhiều,” ông Lập nói.
Thí sinh và phụ huynh tìm hiểu thông tin trước khi nộp
hồ sơ xét tuyển đại học. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Lợi cho các trường, nhưng bất cập với thí sinh?
Mặc dù năm nay, lường trước tỷ lệ thí sinh ảo cao nên lần đầu tiên trong lịch sử, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép các trường được lấy điểm xét tuyển bổ sung thấp hơn so với điểm chuẩn đợt một.
Tuy nhiên, theo ông Lập, “cây đũa thần” này chỉ có thể giúp các trường lấp đầy chỉ tiêu nhưng không thể nâng được chất lượng nguồn tuyển.
Việc đưa ra điểm chuẩn xét tuyển bổ sung bao nhiêu sẽ là không đơn giản.
Nếu điểm chuẩn đợt xét tuyển bổ sung quá thấp, chênh đến 2, 3 điểm so với điểm chuẩn đợt một, sẽ hình thành nên hai mặt bằng trình độ khác nhau của sinh viên trong cùng một ngành học, đồng thời ảnh hưởng đến thương hiệu và chất lượng đào tạo của trường.
Mặt khác, những em đã đăng ký vào ngành A ở đợt một, nhưng vì điểm chuẩn đợt một cao nên phải chọn ngành B sẽ cảm thấy không công bằng, không thoải mái khi điểm của mình có khi còn cao hơn thí sinh đỗ ngành A ở đợt tuyển bổ sung.
“Đó là chưa kể tỷ lệ ảo của đợt bổ sung này rất lớn, do thí sinh được đăng ký cùng lúc ba trường, mỗi trường hai nguyện vọng, chứ không chỉ đăng ký vào hai trường như đợt một. Tôi nghĩ việc xét tuyển nguyện vọng hai sẽ rất gian nan,” ông Lập nói.
Cũng theo ông Lập, chính vì nhìn thấy các vấn đề trên nên dù thiếu một số chỉ tiêu, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông vẫn quyết định không xét tuyển bổ sung.
Chia sẻ về vấn đề này, giáo sư Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội cũng cho rằng, với việc được điều chỉnh mức điểm nhận hồ sơ bổ sung thấp hơn điểm chuẩn đợt một, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho các trường một công cụ để dễ hơn, thuận lợi hơn trong tuyển sinh.
“Nhưng đối với học sinh thì rõ ràng chúng ta thấy bất cập. Chỉ trong vòng hai, ba tuần thì đã phân hai nhóm, chênh nhau đến hai, ba điểm. Điều đó rõ ràng ảnh hưởng đến tâm lý các em. Chỉ cách đây hai, ba tuần, điểm đó là trượt, nhưng sau hai, ba tuần, điểm đó lại nghiễm nhiên đỗ,” giáo sư Hinh nói.
Cũng theo ông Hinh, trong đào tạo, sự chênh nhau hai, ba điểm là tương đối có ý nghĩa và sẽ hình thành hai nhóm quần thể.
“Tôi có thể nói, trong nhiều năm khi làm đào tạo thì nhóm 27 điểm với nhóm 24 điểm có khác biệt trên mọi phương diện. Từ xưa đến nay, ở Đại học Y Hà Nội thì các em học ở các nhóm ngành khác nhau. Trường hợp trong cùng một ngành có nhóm cao, nhóm thấp chênh nhau hai, ba điểm thì chúng tôi chưa có trải nghiệm. Để xem năm nay, các thầy cô trải nghiệm và phát biểu như thế nào với các nhóm nhập học với điều kiện tương đối khác nhau như vậy,” ông Hinh nói./.
Theo PHẠM MAI (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/thay-co-boi-roi-vi-lan-dau-tien-mot-lop-dai-hoc-co-hai-tang-trinh-do/402803.vnp