Các tàu cá của Trà Vinh liên tục bị lỗ sau mỗi chuyến ra khơi đánh bắt, nguyên là do nguồn lợi thủy sản gần bờ bị cạn kiệt.
Tàu khai thác hải sản Trà Vinh nằm bờ vì ra khơi liên tục bị lỗ
Mặc dù là địa phương có tới 65km bờ biển, nhưng Trà Vinh có chưa tới 200 chiếc tàu khai thác xa bờ, thấp hơn tất cả 28 tỉnh, thành ven biển. Không chỉ ít về số lượng phương tiện mà cả nguồn nhân lực hành nghề biển của Trà Vinh cũng được cho là yếu kém, nên sản lượng đánh bắt những năm gần đây sụt giảm liên tục.
Đặc biệt năm nay mặc dù giá nhiên liệu ở mức thấp, thời tiết khá thuận lợi, giá thủy sản tăng nhưng các tàu của tỉnh luôn trong tình trạng bị lỗ hoặc huề vốn sau mỗi chuyến biển. Nguyên là do nguồn lợi thủy sản gần bờ bị cạn kiệt, trong khi phương tiện đánh bắt phần lớn không đủ sức đi xa.
Ông Phan Văn Hòa, ở thành phố Trà Vinh, người có gần 30 năm hành nghề đi biển cho biết, hiện giờ tàu cá phần lớn đều nằm bờ, chờ khoảng 2 tháng nữa vào chính vụ mới dám ra khơi.
Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, trên ngư trường Trà Vinh hiện nay, mật độ tàu thuyền tập trung đánh bắt gần bờ rất cao, cạnh tranh nhau gay gắt; phần lớn dùng công cụ khai thác mang tính hủy diệt, như cào bay, xung điện….
Tình trạng này đã khiến nguồn lợi thủy sản vùng biển gần bờ, nhất là nhóm cá nổi, cá tầng đáy vĩnh viễn biến mất; nhiều hệ sinh thái là nơi cư trú, cung cấp dinh dưỡng, bãi sinh sản cho các loài thủy sản bị đe dọa.
Nhằm giúp ngư dân nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ, bảo vệ nguồn thủy sản gần bờ, từ năm 2010 đến nay, tỉnh Trà Vinh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cả của địa phương lẫn của Trung ương cho ngư dân, trong đó UBND tỉnh có 2 Quyết định về hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu cá khai thác hải sản xa bờ và Quyết định về chính sách xây dựng và phát triển tổ hợp tác sản xuất trên biển.
Theo đó, trường hợp đóng tàu cá sử dụng máy thủy hoàn toàn mới, được hỗ trợ 300 triệu đồng/tàu; trường hợp cải hoán tàu công suất máy từ 250 CV trở lên sẽ được hỗ trợ 105 triệu đồng/tàu. Đồng thời hỗ trợ bộ máy thông tin liên lạc tầm xa tích hợp định vị vệ tinh, cùng nhiều trang thiết bị cứu sinh, phương tiện đánh bắt xa bờ.
Riêng Nghị định 67 của Chính phủ, Trà Vinh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ hỗ trợ 20 tàu khai thác và 4 tàu dịch vụ hậu cần công suất lớn. Tuy nhiên đến nay mới có 02 trường hợp được phê duyệt theo chính sách này, hàng trăm hồ sơ nộp rồi xin rút lại hoặc chưa được duyệt vì nhiều vướng mắc, không đủ điều kiện giải ngân.
Ông Nguyễn Trường Tam, Phó chủ tịch UBND thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang - một trong hai địa phương có tàu cá nhất tỉnh - cho biết, ghe, máy phần lớn đã xuống cấp, người dân rất cần vốn nhưng khó tiếp cận vốn ngân hàng. Bình quân mỗi hộ cần vốn từ 200-500 triệu nhưng ngân hàng không giải quyết được bởi vì ngư dân không có vốn thế chấp.
Theo quy định, ngư dân vay vốn đóng mới tàu vỏ gỗ phải có vốn đối ứng là 30%, tàu vỏ thép từ 5-10%. Cụ thể đóng mới tàu có công suất trên 400 mã lực thì ngư dân phải có vốn đối ứng từ 700 triệu- 800 triệu đồng trở lên, số vốn này vượt quá khả năng tài chính đối với phần lớn ngư dân Trà Vinh.
Do ngư dân của tỉnh chủ yếu làm nghề cào, hoạt động đánh bắt gần bờ, trong khi theo quy định của Nghị định 67 chỉ thực hiện đối với nhóm nghề lưới vây, lưới rê, câu, chụp và dịch vụ hậu cần nên rất ít hộ đáp ứng được điều kiện này. Ngoài khó khăn về năng lực tài chính, cơ chế còn nhiều chồng chéo thì tay nghề, nguồn nhân lực hoạt động khai thác hải sản của Trà Vinh cũng còn nhiều bất cập hạn chế, nên ngư dân rất e ngại khi phải đầu tư với số vốn lớn.
Tỉnh Trà Vinh hiện có gần 1.300 tàu khai thác thủy, hải sản, trong đó chỉ có 189 tàu có khả năng đánh bắt xa bờ. Theo ngành chuyên môn, để đội tàu trên địa bàn hoạt động hiệu quả, sánh ngang các đội tàu của các tỉnh lân cận trong khu vực thì địa phương cần đầu tư ít nhất 2.000 tỷ đồng.
Nguồn vốn này quá lớn đối với Trà Vinh, do đó trước mắt từ nay đến năm 2020, ngoài tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách đang có hiệu lực, tỉnh sẽ thực hiện 6 chương trình, chủ yếu tập trung vào công tác tập huấn nâng cao tay nghề; quả lý tốt ngư trường; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn lợi thủy sản; điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác,… với tổng kinh phí ước khoảng 8,5 tỷ đồng.
Ông Phạm Minh Truyền, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho hay, những năm qua tàu khai thác xa bở của tỉnh phát triển rất chậm do người dân thiếu vốn, trình độ tay nghề các chủ tàu còn hạn chế.
Dù địa phương có nhiều chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ ngư dân phát triển đội tàu khai thác hải sản nhưng thủ tục, điều kiện lại chồng chéo không triển khai được, trong khi Nghị định 67 lại vượt quá khả năng của họ. Nếu không có biện pháp tháo gỡ thì sắp tới chắc chắn sẽ có nhiều tàu cá của Trà Vinh tiếp tục nằm bờ và tình trạng "tàu nhỏ khai thác kém, ít vốn không khả năng đầu tư" sẽ tiếp tục tiếp diễn./.
Theo Sa Oanh/VOV.VN - ĐBSCL