Cập nhật: 31/08/2016 10:55:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Triển lãm ảnh tư liệu về Trung thu ở Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20 và sắp đặt không gian giới thiệu Tết Trung thu truyền thống của một gia đình Hà Nội... là những hoạt động được tổ chức nhân dịp Tết Trung thu 2016.

Đồ chơi dân gian nhân dịp Tết Trung thu

“Lễ hội Trung thu phố cổ 2016” sẽ diễn ra từ ngày 2-15/9 (tức từ ngày 2-15/8 âm lịch) tại phố Hàng Mã, khu vực cửa chính chợ Đồng Xuân, tuyến phố đi bộ Hàng Đào-Đồng Xuân-Hàng Giấy và các điểm di sản văn hóa trong khu vực phố cổ Hà Nội.

“Lễ hội Trung thu phố cổ” là nét đẹp văn hóa được Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức hằng năm nhằm tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích cho thiếu nhi, góp phần bảo tồn và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống.

Năm nay, các gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm Trung thu truyền thống, hướng dẫn làm bánh nướng, bánh dẻo và các loại đồ chơi dân gian (đèn ông sao, đèn kéo quân, tiến sỹ giấy, tò he, mặt nạ…) sẽ được tổ chức tại các tuyến phố Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Rươi, Hàng Đào, Đồng Xuân…

Bên cạnh đó, trưng bày ảnh “Những người giữ hồn Trung thu”, triển lãm ảnh tư liệu về Trung thu ở Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20, sắp đặt không gian giới thiệu Tết Trung thu truyền thống của một gia đình Hà Nội... sẽ diễn ra tại đình Kim Ngân (số 42-44 Hàng Bạc), đền Quan Đế (số 28 Hàng Buồm), Trung tâm giao lưu Văn hóa Phố cổ (số 50 Đào Duy Từ) và Ngôi nhà di sản (số 87 Mã Mây).

Trong khuôn khổ “Lễ hội Trung thu phố cổ 2016”, đêm hội trò chơi dân gian (tối 9/9) và liên hoan múa lân sư (tối 10/9) sẽ được tổ chức tại sân khấu chính trước cửa chợ Đồng Xuân.

Biểu diễn nghệ thuật truyền thống quanh hồ Hoàn Kiếm vào 3 ngày cuối tuần

Bắt đầu từ ngày 1/9, Sở VH&TT Hà Nội sẽ tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại nhà Bát Giác, trước đền Bà Kiệu và Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục trong khoảng thời gian từ 20h đến 21h ngày thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần nhằm phục vụ công chúng Thủ đô và du khách khi tham quan các tuyến phố đi bộ mở rộng xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Nhà Bát Giác là địa điểm các nghệ sĩ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam biểu diễn các loại hình nhạc cụ dân tộc như: Đàn bầu, đàn T-rưng, sáo…

Nhà hát Chèo Hà Nội và Nhà hát Cải lương Hà Nội chịu trách nhiệm chính trong việc luân phiên biểu diễn ca trù, xẩm, chầu văn, chèo, đờn ca tài tử… trước đền Bà Kiệu.

Khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là sân khấu của các chương trình xiếc, ảo thuật, tạp kỹ do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội trình diễn.

Theo Minh Thu/chinhphu.vn

Tệp đính kèm